Trung Quốc, siêu cường đang cạn tiền?

Để trở thành siêu cường, phải có rất nhiều tiền. Trung Quốc, quốc gia có vẻ đang lên ở rất nhiều khía cạnh, lại bị cho là không thể đủ tiền để trở thành siêu cường toàn cầu, thậm chí là các vấn đề về tài chính đối với chính phủ Trung Quốc ngày càng lộ rõ.

Thời gian qua, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn cho quân đội

Thời gian qua, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn cho quân đội

Theo Foreign Policy, nhìn từ xa, cuộc tấn công tất cả các mặt trận hiện tại của Trung Quốc mang lại ấn tượng về một sức mạnh đang lên. Trung Quốc đang đồng thời giao tranh biên giới với Ấn Độ, quân sự hóa Biển Đông, trấn áp Hong Kong, gây sức ép với Đài Loan, đối đầu với Nhật Bản trên các hòn đảo đang tranh chấp và dập tắt tình trạng bất ổn nội bộ trong khi chống lại sự bùng phát của coronavirus.

Đồng thời, họ đang đầu tư hàng tỷ đô la trong nỗ lực thống trị các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chất bán dẫn cao cấp. Và sau đó là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), chương trình trị giá 1 nghìn tỷ đô la xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cho một thế giới tập trung vào Trung Quốc.

Vận hành một siêu cường toàn cầu là một việc đắt đỏ. Mỹ nổi tiếng chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng so với 10 quốc gia tiếp theo cộng lại, nhưng vẫn tồn tại ý kiến cho rằng quân đội của họ chưa được trang bị đầy đủ cho vai trò siêu cường toàn cầu. Và một số chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ mất lợi thế cạnh tranh nếu không đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu, công nghệ tiên tiến, viện trợ nước ngoài, ngoại giao, Liên Hợp Quốc, năng lượng sạch, và dĩ nhiên, sự sẵn sàng đối phó với đại dịch. Đó là chỉ một vài trong số các ưu tiên của Mỹ. Danh sách đầy đủ dài hơn nhiều.

Nhưng nếu Mỹ, nước có nền kinh tế lớn hơn 50% so với Trung Quốc và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao hơn hơn sáu lần, còn không đủ khả năng duy trì vị thế siêu cường toàn cầu, làm sao Trung Quốc có thể ? Bỏ qua sự thật rằng các đồng minh ngoại giao chính của Trung Quốc là Triều Tiên, Campuchia và Ethiopia, bị bao vây bởi các quốc gia có vũ khí hạt nhân có khả năng trở thành thù địch như Nga và Ấn Độ, rằng các công ty công nghệ do nhà nước tài trợ của họ không tin tưởng ở nước khác, và rằng Bắc Kinh đã bị đổ lỗi rộng rãi vì sự lan rộng của đại dịch coronavirus, làm sao một quốc tự mô tả là đang phát triển như Trung Quốc có thể tài trợ cho một cuộc cạnh tranh siêu cường với Mỹ?

Câu trả lời đơn giản là họ không thể. Ngay cả trước khi coronavirus tấn công, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại từ tốc độ hai con số vào đầu những năm 2000 xuống còn 6,1% vào năm 2019 nếu bạn tin vào số liệu chính thức. Con số này rất đáng ngờ, nhất là bởi vì người đặt ra mục tiêu GDP hàng năm của Trung Quốc, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Ninh Cát Triết, cũng là giám đốc Cục Thống kê Quốc gia, chịu trách nhiệm đo lường GDP. Mô hình độc lập được Viện Brookings (Mỹ) công bố cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã đánh giá quá cao mức tăng trưởng GDP, trung bình chỉ ở mức 1,7%/năm.

Doanh thu thuế chính thức của Trung Quốc đã xác nhận bức tranh này, chỉ tăng 3,8% trong năm 2019, so với 6,2% vào năm 2018 và 7,4% vào năm 2017. Tuy nhiên, khi các phương tiện tài chính của Trung Quốc đã bị hạn chế hơn, chi tiêu của nước này vẫn tiếp tục theo quỹ đạo cũ là hoang phí, tăng 8,1% trong năm 2019. Kết quả là một lỗ hổng ngày càng lớn trong ngân sách của chính phủ Trung Quốc, với thâm hụt được báo cáo chính thức đạt 4,9% GDP vào năm 2019. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra con số thực sự về sự thiếu hụt của chính phủ nước này ở mức hơn 12% GDP. Và điều này là trước khi xảy ra dịch coronavirus, trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế được cho là lành mạnh.

Những con số khó đối với Trung Quốc rất khó để có được, nhưng có vẻ như chính phủ Trung Quốc đã thu nhỏ lại các cam kết chi tiêu ngay cả trước khi coronavirus tấn công.

Những con số đầy khó khăn đối với Trung Quốc rất khó để có được, nhưng có vẻ như chính phủ Trung Quốc đã thu hẹp các cam kết chi tiêu ngay cả trước khi coronavirus tấn công.

Bạn khó có thể biết điều đó từ các thông báo dự án, nhưng các cam kết tài trợ BRI của Trung Quốc đã thực sự giảm kể từ năm 2017. Và ngay cả những con số giảm này cũng cho thấy thực tế về chi tiêu BRI của Trung Quốc thậm chí còn ít hơn nữa. Các ngân hàng Trung Quốc gần như biến mất khỏi danh sách nguồn tài chính BRI, khiến chính phủ thiếu tiền mặt phải một mình gánh nặng. Trong khi đó, các dự án đã bị gác lại, thu nhỏ lại hoặc trì hoãn trên toàn châu Á.

Các nhà phê bình phương Tây về BRI có xu hướng diễn giải những vấn đề này theo nỗi sợ bẫy nợ mà các dự án này gây ra ở các nước nhận tài trợ. Họ hiếm khi đề cập đến khoản nợ mà chính phủ ở Trung Quốc tạo ra ngay trong nước. Vì vậy, khi truyền thông phương Tây đưa tin vào tháng 12 năm ngoái rằng Trung Quốc đang gây áp lực buộc Pakistan phải miễn cưỡng tiếp tục công việc trên Hành lang kinh tế Trung Quốc- Pakistan bị đình trệ, họ đã không đề cập việc Trung Quốc không sẵn sàng cấp vốn cho việc xây dựng.

Tương tự, Trung Quốc muốn xây dựng một cảng mới ở Myanmar, nhưng họ không muốn trả tiền cho nó. Trung Quốc đã ký thỏa thuận vận tải và quá cảnh với Nepal vào năm 2015 nhưng vẫn chưa xây dựng một dặm đường bộ hoặc đường sắt nào tại quốc gia nằm trên dãy núi Himalaya này. Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở Châu Phi và Đông Âu: Trung Quốc tiếp tục công bố các dự án lớn nhưng không sẵn lòng cung cấp đủ tiền để thực sự khởi động.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/trung-quoc-sieu-cuong-dang-can-tien-1685395.tpo