Trung Quốc sử dụng AI trong chiến đấu thế nào?

Theo tác giả Yuan-Chou Jing trong bài viết trên The Diplomat, quan sát các hoạt động và chiến dịch tác chiến của Mỹ trong hơn 3 thập kỷ, các lãnh đạo quân đội Trung Quốc dường như nhận thức sâu sắc sự khác biệt về năng lực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) giữa hai bên. Khoảng cách này có lẽ chưa thể xóa bỏ trong tương lai gần.

Không chỉ ICT, các công nghệ mang tính đột phá, có thể làm gián đoạn và thay thế các công nghệ cũ (disruptive technologies), đều ứng dụng được trong lĩnh vực quân sự. Các công nghệ này bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), lượng tử, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Internet vạn vật,... Đặc biệt, AI được xem là công nghệ chiến lược quan trọng có vai trò “thay đổi cuộc chơi”, cùng với các công nghệ khác nhằm ứng dụng vào quá trình lên kế hoạch quân sự, chỉ huy và hỗ trợ ra quyết định, như một phần của sự “thông minh hóa” chiến tranh.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nỗ lực cạnh tranh với Mỹ

AI có ý nghĩa đối với quân đội Trung Quốc vì nó tạo cho Bắc Kinh cơ hội cạnh tranh ngang hàng với Washington, trong việc phát triển một công nghệ mới nổi.

Chính sách AI của Trung Quốc lần đầu tiên được mô tả trong “Kế hoạch phát triển thế hệ trí tuệ nhân tạo mới”, do quốc vụ viện nước này ban hành vào năm 2017. Kế hoạch đề cập đến việc sử dụng chiến lược dung hợp quân-dân sự (MCF) để phát triển AI. Trung Quốc tin rằng họ có thể vượt qua Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một báo cáo vào tháng 10/2017, cho biết quân đội phải “đẩy nhanh quá trình thông minh hóa quân sự, cải thiện khả năng hoạt động phối hợp và khả năng tác chiến trên mọi nền tảng, dựa trên hệ thống thông tin mạng”, qua đó thực hiện mục tiêu phát triển quân sự. Điều này phản ánh quyết tâm của ông Tập trong việc thúc đẩy khái niệm “thông minh hóa” làm kim chỉ nam cho quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Sách trắng quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc, trong khi kêu gọi sự chú ý đến sự thay đổi của bối cảnh chiến tranh hiện đại, cho rằng “sự phát triển của chiến tranh ngày nay đang mở ra hướng tới mô hình thông tin hóa, cho thấy lĩnh vực chiến tranh thông minh hóa đang mở rộng”. Trong khi đó, với Chiến lược bù đắp thứ ba (Third Offset Strategy – phát triển các loại vũ khí mới, hiện đại nhất nhằm duy trì lợi thế tối ưu về quân sự), Mỹ đã chọn AI để phát triển các mô hình chiến đấu hoàn toàn mới kết hợp giữa người và máy như “swarm” (bầy đàn) và “centaur” (nhân mã). Bắc Kinh chắc chắn nhận thức được những động thái chiến lược này và bày tỏ mối quan ngại trong sách trắng quốc phòng năm 2019 rằng “Mỹ đang tham gia vào quá trình đổi mới công nghệ và thể chế để hướng tới đạt ưu thế quân sự tuyệt đối”.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

AI được dùng như thế nào?

Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng các công nghệ đột phá để khái niệm hóa và chiến thắng một loại hình chiến tranh mới.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc tin rằng để chiến thắng chiến tranh thông tin hóa, việc chiếm ưu thế trong việc đối phó với các hệ thống có ý nghĩa hơn là làm tiêu hao lực lượng đối phương. Do đó, chiến lược chính của quân đội Trung Quốc để đánh bại đối thủ trên chiến trường là làm gián đoạn hoặc tê liệt phe địch thông qua các hệ thống của phe địch. AI sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến tranh thông minh này, khi xác định mục tiêu và phá hủy các yếu tố quan trọng của hệ thống đối thủ.

Một trong những lợi thế của AI là giúp tăng tốc độ ra các quyết định quân sự. Cụ thể hơn, AI đặc biệt phù hợp với các chiến thuật chớp nhoáng. Như vậy, trong kịch bản quân đội Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công, tốc độ tấn công có thể làm suy yếu ý định phản ứng của đối thủ.

Tận dụng lợi thế này của AI, quân đội Trung Quốc dự kiến sẽ tập trung vào các nội dung như thuật toán, phát triển nền tảng không người lái và các vũ khí thông minh hóa, chủ yếu bao gồm tên lửa dẫn đường chính xác, phương tiện lướt siêu thanh (HGV), UAV, tấn công mạng, nhắm vào các lỗ hổng của hệ thống mạng chiến đấu Mỹ, khai thác các lợi thế để thực hiện chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (A2/AD).

Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng có thể áp dụng AI vào lĩnh vực chiến tranh nhận thức - nơi các chiến thuật khác thường như thông tin sai lệch, chiến lược gây ảnh hưởng trong chiến tranh tuyên truyền được sử dụng. Chiến tranh nhận thức được cho là một cách tiếp cận phù hợp với tư duy quân sự truyền thống của Trung Quốc rằng "tối cao của nghệ thuật chiến tranh là khuất phục kẻ thù mà không chiến đấu".

Phương Anh(Nguồn: The Diplomat )

Nguồn VTC: https://vtc.vn/trung-quoc-su-dung-ai-trong-chien-dau-the-nao-ar657040.html