Trung Quốc sử dụng vũ khí pháp lý mới để chống lại cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã nắm bắt một chiến thuật pháp lý mới để chống lại các cáo buộc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, làm dấy lên lo ngại ở Hoa Kỳ rằng việc Bắc Kinh hứa sẽ thực thi nghiêm ngặt luật bản quyền và bằng sáng chế sẽ bị phá hoại bởi các tòa án Trung Quốc.

Theo các luật sư, việc Trung Quốc ban hành lệnh chống kiện đã tạo rào cản cho các hành động pháp lý trên toàn cầu. Ảnh: Getty Images.

Theo các luật sư, việc Trung Quốc ban hành lệnh chống kiện đã tạo rào cản cho các hành động pháp lý trên toàn cầu. Ảnh: Getty Images.

Trong bốn vụ án lớn kể từ năm 2020, các tòa án Trung Quốc đã ban hành lệnh chống kiện nhằm ngăn chặn các công ty nước ngoài bảo vệ bí mật thương mại của họ bằng cách thực hiện các hành vi pháp lý, dù là ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Ba trong số các phán quyết có lợi cho các công ty viễn thông Trung Quốc, gồm Huawei Technologies Co., Xiaomi Inc. và BBK Electronics. Phán quyết thứ tư ủng hộ Tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc trong cuộc tranh chấp với gã khổng lồ viễn thông Thụy Điển Ericsson AB.

Trong trường hợp của Xiaomi, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh đã được cấp một lệnh chống kiện để chống lại InterDigital Inc., một công ty Delaware nắm giữ bằng sáng chế về công nghệ không dây và kỹ thuật số được sử dụng trong điện thoại thông minh.

Xiaomi, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, đã bán hàng triệu thiết bị cầm tay sử dụng bằng sáng chế InterDigital kể từ năm 2013, theo thông lệ ngành cho phép các công ty làm như vậy trong khi phí cấp phép đang được thương lượng.

Khi các cuộc đàm phán đổ vỡ sau bảy năm, năm ngoái, InterDigital đã quyết định kiện Xiaomi vì vi phạm bằng sáng chế, nhưng họ đã thất bại.

Theo yêu cầu của Xiaomi, một tòa án Trung Quốc ở Vũ Hán đã ban hành lệnh cấm InterDigital theo đuổi vụ kiện của họ đối với Xiaomi, dù vụ kiện xảy ra ở Trung Quốc hoặc bất kỳ nơi nào khác. Tòa án Trung Quốc cho biết, nếu InterDigital vẫn tiếp tục hành động, công ty sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt tương đương khoảng 1 triệu USD một tuần.

Đối với các luật sư thương mại và những người khác có quan hệ với các công ty Trung Quốc về quyền sở hữu trí tuệ, vụ việc của InterDigital là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc coi thường bằng sáng chế, bản quyền và bí mật thương mại của các công ty nước ngoài. Họ nói rằng tình hình vẫn chưa được cải thiện ở các khía cạnh chính, bất chấp những lời hứa của Bắc Kinh, bao gồm cả những cam kết được đưa ra trong thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung năm 2020.

"Chiến lược tăng trưởng và phát triển của Trung Quốc phụ thuộc vào hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ và cưỡng bức chuyển giao công nghệ", Charles Boustany, cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Louisiana và thành viên của Ủy ban Trộm cắp sở hữu trí tuệ, một nhóm vận động độc lập cho biết.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã không trả lời yêu cầu bình luận. Trước đây, Trung Quốc cho biết họ đã thực hiện nhiều bước cụ thể để cải thiện môi trường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả những thay đổi đối với luật bản quyền và bằng sáng chế để đáp ứng với thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã ký với Hoa Kỳ.

Theo các luật sư và những người khác theo dõi động thái của các tòa án Trung Quốc, các lệnh của Trung Quốc đã tiến thêm một bước nữa trong việc ngăn cản các hành động pháp lý trên toàn cầu.

Cũng theo các luật sư, việc khẳng định rằng quyền tài phán đối với phí cấp phép bằng sáng chế trên toàn cầu của Trung Quốc là một sự phá vỡ so với thông lệ tiêu chuẩn ở phương Tây.

Phúc Hà

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/trung-quoc-su-dung-vu-khi-phap-ly-moi-de-chong-lai-cao-buoc-danh-cap-tai-san-tri-tue-96618.html