Trung Quốc suy tính gì trong cuôc đua phát triển blockchain?

Chính phủ Trung Quốc đang dẫn đầu nỗ lực quốc gia nhằm phát triển công nghệ dựa trên hệ thống blockchain, qua đó nước này có thể chiếm lĩnh những lợi thế ban đầu trong lĩnh vực này.

Trung Quốc dường như đã hình thành những suy tính cặn kẽ về lợi ích của blockchain. (Nguồn: ALF News)

Bất kỳ cuộc tranh luận nào về “chiến tranh lạnh” công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đều nhắc đến vị trí của hai cường quốc trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G, điện toán lượng tử và chất bán dẫn. Trong khi đó, sự phát triển của blockchain, hay còn gọi là công nghệ chuỗi khối, lại không nhận được sự quan tâm, giám sát địa chính trị xứng đáng.

Về bản chất, blockchain là hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu giữ và truyền tải các khối thông tin, hay còn gọi là cuốn sổ cái. Đây là công nghệ sổ cái phân tán làm nền tảng cho nhiều ứng dụng, trong đó có đồng tiền số Bitcoin và có tiềm năng sử dụng trong thanh toán xuyên biên giới, quản lý chuỗi cung ứng và sản xuất, có thể giúp cắt giảm vai trò của các trung gian giao dịch như ngân hàng và phòng thanh toán.

Những người đề xuất khuyến nghị rằng blockchain sẽ cách mạng hóa các ngành công nghiệp, trong khi những ý kiến hoài nghi chỉ ra rằng những khó khăn với khả năng mở rộng của hệ thống này và vấn đề đặt ra là liệu công nghệ có thể tồn tại và phát huy được tiềm năng của nó hay không.

Về phần mình, Trung Quốc dường như đã hình thành những suy tính cặn kẽ về lợi ích của blockchain. Chính phủ Trung Quốc đang dẫn đầu nỗ lực quốc gia nhằm phát triển công nghệ dựa trên hệ thống này, qua đó nước này có thể chiếm lĩnh những lợi thế ban đầu trong lĩnh vực này.

“Mạnh tay” chi tiền cho blockchain

Ông Paul Triolo, Trưởng bộ phận công nghệ địa lý thực nghiệm tại Tập đoàn Á-Âu (Eurasia Group), một chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề công nghệ của Trung Quốc cho biết, dư luận Trung Quốc rất quan tâm đến blockchain.

Chuyên gia Paul Triolo tiết lộ, kể từ thời điểm lời kêu gọi tăng tốc trong phát triển blockchain của Chủ tịch Tập Cận Bình tại cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm nay, đột nhiên mọi cuộc bàn luận đều về blockchain.

Từ tháng Ba năm nay, đã có hơn 500 dự án liên quan tới blockchain đã được đăng ký tại Cơ quan quản lý Không gian mạng Trung Quốc, cơ quan quản lý Internet ở cấp trung ương.

Tại Hải Nam, khu vực thương mại tự do thứ 12 của Trung Quốc từ năm 2018, Chính quyền đã ra mắt khu vực thử nghiệm blockchain với khoản đầu tư lên tới 142 triệu USD nhằm cung cấp tài chính cho các công ty blockchain. Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm biến hòn đảo này trở thành một trung tâm công nghệ quốc gia.

Duncan Wong, Giám đốc điều hành (CEO) và là người sáng lập của công ty CryptoBLK, một doanh nghiệp khởi nghiệp về blockchain có trụ sở tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) bày tỏ mong muốn sau tuyên bố của ông Tập Cận Bình, ông sẽ được chứng kiến ngày càng nhiều ứng dụng dựa trên blockchain xuất hiện tại thị trường Trung Quốc Đại lục.

Theo báo cáo của hãng thông tin thị trường IDC công bố vào tháng 11 vừa qua, dự báo chi tiêu của Trung Quốc vào công nghệ blockchain sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 65,7% trong thời gian từ năm 2018 đến 2023.

Trong năm 2019, phần lớn đầu tư công nghệ blockchain của Trung Quốc là vào ngành ngân hàng. Các ngành sản xuất, bán lẻ, dịch vụ và chế tạo cũng thu hút nhiều đầu tư vào công nghệ blockchain. Về con số cụ thể, IDC cho rằng Trung Quốc sẽ chi khoảng 2 tỷ USD vào năm 2023 để phát triển công nghệ này.

Tham vọng tự chủ trong công nghệ

Doanh nhân Leo Cheng, người đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của Machi X, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) với việc sử dụng blockchain trong đăng ký sở hữu bản quyền âm nhạc và tự động hóa phân phối tiền bản quyền, cho rằng tiền số trong các giao dịch cá nhân là một bước tiến lớn cho các ngành công nghiệp

Một số công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc như “người khổng lồ” thương mại điện tử Alibaba hay JD.com đã thực sự phát triển nền tảng công nghệ blockchain. JD sử dụng blockchain nhằm theo dõi hoạt động nuôi gà tại các trang trại, điều đó cho phép khách hàng có thể truy xuất nguồn cung thực phẩm và có dữ liệu thực phẩm an toàn. Tập đoàn Alibaba cũng đã sử dụng blockchain trong theo dõi nguồn cung thực phẩm. Đáng chú ý, cả hai doanh nghiệp cũng tạo không gian mở để các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sử dụng các dịch vụ nền tảng này.

Theo chuyên gia Triolo, mặc dù blockchain có sự định hướng mang tính đón đầu và được khuyến khích bởi các điều kiện thuận lợi từ chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, hiện chưa rõ ứng dụng nào đang được chú trọng phát triển và mở rộng phạm vi thay vì chỉ đơn thuần về cung cấp và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Người đứng đầu bộ phận công nghệ địa lý thực nghiệm của Eurasia Group cũng nhận định thời điểm hiện tại vẫn là giai đoạn sơ khai của blockchain tại Trung Quốc, nhưng công nghệ non trẻ này đã hấp dẫn Chính phủ nước này, khi blockchain mang lại cơ hội cho cường quốc đông dân nhất thế giới trở nên tự chủ trong công nghệ có tiềm năng tạo ảnh hưởng toàn cầu trong tương lai gần.

Trung Quốc đã nhiều năm nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của chính mình cùng với đầu tư nhiều tiền cho nhập khẩu chip điện tử hơn cả nhập khẩu dầu. Với công nghệ trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc cũng đang trải qua giai đoạn chảy máu chất xám khi Mỹ luôn thu hút nhân tài từ nước này.

Trong khi đó, blockchain lại là lĩnh vực chưa được khai phá, không có quốc gia nào có lợi thế rõ ràng và Trung Quốc không phụ thuộc vào quốc gia nào để truy cập cả phần mềm hay phần cứng.

Theo hãng tin Tân Hoa xã, tại cuộc họp của Bộ Chính trị tháng 10/2019, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhằm tăng cường nghiên cứu cơ bản và đẩy mạnh khả năng đổi mới, sáng tạo, qua đó giúp cường quốc kinh tế số hai thế giới nước này giành lợi thế trong lĩnh vực mới nổi này.

Chưa thể là trung tâm của cạnh tranh Mỹ - Trung

Theo Triolo, blockchain không phải là một công nghệ hay năng lực độc quyền của Mỹ và Mỹ cũng không được coi là dẫn đầu về lĩnh vực này. Chính vì vậy, chuyên gia này bày tỏ sự quan tâm với blockchain – một công nghệ mới mà Trung Quốc có cơ hội không phải phụ thuộc vào các nguồn công nghệ bên ngoài như tình trạng hiện nay trong nhiều lĩnh vực trong đó có phần mềm và công nghệ bán dẫn.

Cho đến nay, Chính phủ Mỹ chưa có chính sách cấp liên bang đối với blockchain và Tổng thống Donald Trump cũng không công khai tán thành tầm quan trọng của công nghệ này như Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo ông Triolo, trong khi trí tuệ nhân tạo rõ ràng có những ứng dụng quân sự và công nghệ bán dẫn đóng vai trò không thể thiếu đối với các công nghệ thương mại hiện đại như điện thoại thông minh hay máy tính xách tay, blockchain là một công nghệ khuếch tán hơn, khó khăn hơn để nắm bắt và vẫn thiếu sự ứng dụng rộng rãi.

Rõ ràng, điều này có thể giải thích tại sao blockchain chưa trở thành một trung tâm của cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung.

Ở góc độ của doanh nhân, Leo Cheng tỏ ra rất lạc quan về blockchain, cho rằng công nghệ này sẽ tạo ra sự biến đổi cơ bản giống như tác động của Internet đối với công nghệ trong những năm đầu thiên niên kỷ, song mức độ ảnh hưởng sẽ ít nhận thấy hơn.

Như chuyên gia Triolo khẳng định, Chính phủ Trung Quốc đã phát hiện ra tiềm năng của blockchain, mặc dù hiện vẫn chỉ đang ở giai đoạn sơ khởi và đã mạnh mẽ gửi thông điệp: “Giải phóng và đưa blockchain vượt khỏi phạm vi Trung Quốc”.

(theo Blockcast)

Bảo Bảo

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/trung-quoc-suy-tinh-gi-trong-cuoc-dua-phat-trien-blockchain-106704.html