Trung Quốc tận dụng thời cơ, khoét sâu mâu thuẫn Mỹ-Nhật-Hàn
Trung Quốc đang nỗ lực tận dụng những bất đồng trong quan hệ của các nước láng giềng với Mỹ để tăng cường ngoại giao với các nước này.
Trung Quốc đang nỗ lực hết sức tận dụng lợi thế từ những bất đồng trong quan hệ của các nước láng giềng với Mỹ để tăng cường vị trí ngoại giao của mình trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và các nước đồng minh tại châu Á đang trúc trắc.
Tận dụng rạn nứt giữa Mỹ và đồng minh
Chiến thuật ngoại giao mới của Trung Quốc thể hiện rõ nhất qua chuyến thăm gần đây tới Hàn Quốc. Ở đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mềm mỏng hơn khi đề cập tới xung đột vốn có giữa Trung Quốc và Hàn Quốc về việc Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, thay vào đó tập trung hướng mũi rìu vào Mỹ.
Mối quan hệ giữa Washington, Seoul và Tokyo gần như đã bị ảnh hưởng nặng vì những lời phàn nàn từ chính quyền Tổng thống Trump về chi phí duy trì sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Hàn Quốc cũng như kêu gọi thay đổi cái mà Nhà Trắng coi là “mối quan hệ kinh tế không công bằng”.
Trong cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp cùng một số cựu quan chức trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc, ông Vương Nghị ám chỉ tình hình này tương tự như thương chiến giữa chính Trung Quốc và Mỹ.
“Thế giới đang đầy rẫy những bất ổn và thiếu cân xứng, đồng thời nền chính trị dựa vào sức mạnh và ép buộc đang đe dọa hòa bình, ổn định quốc tế, đe dọa quyền phát triển của các quốc gia”, Ngoại trưởng Trung Quốc nói.
Chuyến thăm lần này của ông Vương được xem là đầu tiên trong vòng 4 năm và được thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh muốn tăng cường quan hệ với các nước láng giềng.
Về phía xứ sở hoa Anh đào, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chuẩn bị có chuyến thăm Trung Quốc trong tháng 12 này. Thông tấn Kyodo đưa tin, ông Abe dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tham dự Hội nghị 3 bên với cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại tỉnh Tứ Xuyên.
Đây sẽ là cuộc gặp thứ 4 giữa lãnh đạo Nhật - Trung kể từ chuyến thăm gần đây của ông Abe tới Bắc Kinh hồi tháng 10 vừa rồi. Chuyến thăm đó là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật tới Trung Quốc kể từ năm 2011 trong bối cảnh hai nước mâu thuẫn vì những tuyên bố chủ quyền liên quan tới các hòn đảo trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư, còn Nhật gọi là Senkaku.
Khó bền vững lâu dài
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia như ông Lee Seong-hyon đến từ Viện Sejong tại Seoul nhận định rằng: “Hiện tại, việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước láng giềng là tốt nhưng mục đích cho những hành động của Trung Quốc là vì muốn đối kháng Mỹ chứ không phải vì lợi ích của các nước láng giềng”, ông Lee nói thêm.
Theo ông Lee, qua việc lợi dụng sự bất đồng giữa Seoul và Washington về chi phí quốc phòng, Bắc Kinh sẽ tìm cách thay đổi cán cân quan hệ của Hàn Quốc với cả Mỹ và Trung Quốc. Ông Lee cho rằng: “Trung Quốc có thể mời chào các nước láng giềng với những đề nghị hấp dẫn nhưng khi thất bại họ chuyển sang cưỡng ép”.
Thực tế, Hàn Quốc có lẽ đã thấm cái giá khi chọc giận Bắc Kinh. Đó là thời điểm khi Seoul đồng ý cho Mỹ đặt hệ thống tên lửa Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này vào năm 2016. Trung Quốc đã lập tức phản ứng đầy giận dữ vì cho rằng đây là mối đe dọa với an ninh của họ. Họ đáp trả bằng việc tẩy chay ngầm nhằm vào các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Trung Quốc, đồng thời chặn hoạt động tham quan du lịch từ nước này tới Hàn - vốn là nguồn đóng góp lớn vào ngân sách Seoul.
Giáo sư Jaeho Hwang, Giám đốc Trung tâm Hợp tác an ninh toàn cầu thuộc Đại học Nghiên cứu nước ngoài của Hankuk cho hay: “Tuy vấn đề THAAD cùng các lệnh trừng phạt kinh tế của Trung Quốc vẫn sẽ cản trở quan hệ Trung - Hàn nhưng vẫn còn có nhiều lý do để Bắc Kinh và Seoul tăng cường quan hệ đặc biệt là khi cân nhắc tới tình hình quốc tế mà Hàn Quốc đang phải đối mặt, cụ thể là mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Nhật và Mỹ đang ngày càng suy yếu”, ông Hwang nói và cho biết thêm:“Chuyến thăm của ông Moon tới Trung Quốc khoảng cuối tháng này sẽ trở thành cơ hội rất tốt để củng cố quan hệ song phương”.
Song, nhiều nhà quan sát trong khu vực hồ nghi rằng, chiến lược tiếp cận hai nước láng giềng ở Đông Á của Trung Quốc sẽ đem lại kết quả khá phức tạp. Ông Artyom Lukin, Giáo sư về Quan hệ quốc tế tại Đại học Viễn đông của Nga cho biết, Moscow gần như rất hài lòng trước những nỗ lực khai thác căng thẳng Mỹ và Hàn - Nhật của Bắc Kinh.
Đồng thời, ông cho rằng, Seoul và Tokyo sẽ đánh giá cách tiếp cận của Bắc Kinh một cách cẩn thận bởi nếu thực hiện nó sẽ như hành động phản bội Mỹ. Nhật Bản sẽ không hợp tác bất cứ việc gì với Trung Quốc nếu điều đó tạo ra rủi ro cho liên minh với Mỹ.