Trung Quốc tăng ảnh hưởng ở Trung Đông khi Mỹ rút lui

Mỹ đang tìm cách hạn chế can thiệp vào Trung Đông sau nhiều thập kỷ chiến tranh và biến động, nhường sân chơi này lại cho Trung Quốc.

Theo báo The New York Times, chỉ riêng tháng 1 năm nay, 5 quan chức cấp cao từ các nước Ả Rập giàu dầu mỏ đã tới thăm Trung Quốc để thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian thúc ép Trung Quốc về khoản đầu tư trị giá 400 tỉ USD mà Bắc Kinh đã cam kết đối với Tehran.

Vào thời điểm Mỹ đang tìm cách hạn chế can thiệp vào Trung Đông sau nhiều thập kỷ chiến tranh và biến động, Trung Quốc đã tăng cường quan hệ với các nước tại khu vực này, gồm cả những nước thân và không ưa Washington.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian (trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại tỉnh Giang Tô ngày 14-1 Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian (trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại tỉnh Giang Tô ngày 14-1 Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Báo The New York Times nhận định sau khi Mỹ rút lui khỏi Trung Đông, xu hướng các nước tại khu vực này tìm đến Trung Quốc để bán dầu mỏ, kêu gọi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hợp tác về công nghệ, an ninh sẽ được thúc đẩy.

Trung Quốc đón nhận cơ hội mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Đông. Ngược lại, các nhà lãnh đạo Ả Rập đánh giá cao việc Bắc Kinh "không can thiệp" vào công việc nội bộ của các nước khác và sẽ làm như vậy đối với đất nước của họ.

Ông Gedaliah Afterman, Giám đốc chương trình chính sách châu Á tại Viện Ngoại giao Quốc tế Abba Eban, Trường ĐH Reichman (Israel), nhận định: "Có cảm giác rằng Mỹ đang rút dần khỏi khu vực (Trung Đông) và đó là cơ hội cho Trung Quốc".

Lâu nay, mối quan tâm của Trung Quốc đối với Trung Đông được cho là bắt nguồn từ dầu mỏ. Gần một nửa số dầu thô nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ các nước Ả Rập. Trong số này, Ả Rập Saudi đứng đầu danh sách quốc gia bán nhiều dầu thô nhất cho Trung Quốc.

Dù vậy, trong những năm gần đây, Bắc Kinh còn đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Trung Đông, đồng thời cung cấp công nghệ viễn thông và quân sự.

Các công ty nhà nước Trung Quốc đang để mắt tới việc đầu tư cảng ở Chabahar - Iran. Họ cũng giúp tài trợ cho một khu công nghiệp tại cảng Duqm - Oman, xây dựng và vận hành một cảng container ở Abu Dhabi - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cùng với 2 cảng mới ở Israel.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian (phải) gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại tỉnh Giang Tô ngày 14-1. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian (phải) gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại tỉnh Giang Tô ngày 14-1. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Những động thái trên cho thấy Trung Quốc xem Trung Đông là khu vực rất quan trọng đối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" nhằm liên kết các thị trường và chuỗi cung ứng từ Ấn Độ Dương sang lục địa Á - Âu.

Nhà nghiên cứu Li Guofu, Viện Nghiên cứu quốc tế của Trung Quốc, bình luận: "Vào thời điểm chính sách trong và ngoài nước của Mỹ có nhiều biến động, các nước (Trung Đông) này cảm thấy rằng Trung Quốc không chỉ ổn định nhất mà còn đáng tin cậy nhất".

Đối với các nước Trung Đông, lợi ích của mối quan hệ với Trung Quốc rất rõ ràng: Bắc Kinh cam kết là người mua dầu khí lâu dài, nguồn đầu tư tiềm năng và không có sự phức tạp chính trị giống như khi họ quan hệ với Mỹ.

Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước vùng Vịnh lần đầu tiên vượt 200 tỉ USD và hợp tác giữa các bên đã mở rộng sang những lĩnh vực mới.

Phạm Nghĩa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/trung-quoc-tang-anh-huong-o-trung-dong-khi-my-rut-lui-2022020217015723.htm