Trung Quốc tăng cường hành động tại Thái Bình Dương: Khó khăn chiến lược cho Mỹ?
Trung Quốc đang có mối quan hệ ngày càng mạnh mẽ với đảo quốc Micronesia tại Thái Bình Dương.
Tại Trung Quốc hồi đầu tháng này, David Panuelo, Tổng thống Liên bang Micronesia, đã đến thăm Vạn Lý Trường thành. Và theo Huang Zheng, Đại sứ Trung Quốc tại Liên bang Micronesia, "mối quan hệ hữu nghị tuyệt vời giữa hai nước đã phát triển lên những tầm cao hơn nữa" trong chuyến thăm của ông Panuelo.
Theo tờ SCMP, đầu tư của Trung Quốc vào Micronesia cũng đã được thúc đẩy cùng với chuyến thăm của ông Panuelo, đánh dấu ba thập kỷ quan hệ ngoại giao song phương. Ông Panuelo cũng có các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lí Khắc Cường. Bắc Kinh đã cam kết đầu tư 72 triệu USD trong các thỏa thuận phát triển kinh tế của Micronesia.
Micronesia là một trong ba quốc gia Thái Bình Dương có thỏa thuận với Washington, được gọi là Hiệp ước Liên kết tự do (COFA), cho phép công dân của họ sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Đổi lại, Micronesia, nước láng giềng Palau và quần đảo Marshall cho phép Mỹ quyền tiếp cận không phận và lãnh hải của họ - hơn 2 triệu dặm vuông tại Thái Bình Dương. Đây là một yếu tố thiết yếu để Washington triển khai sức mạnh trong khu vực kể từ Thế chiến II.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo "tình bạn thân thiết" và quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn của Micronesia với Bắc Kinh có thể làm suy yếu mối quan hệ quốc phòng lâu dài của đảo quốc này với Mỹ.
Phần lớn tài trợ của Trung Quốc đã được chuyển đến bang Chuuk của Micronesia, nơi vào tháng 3 tới sẽ bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý độc lập.
Mặc dù dân số của Chuuk chưa tới 50.000 người, vùng biển của bang này bao gồm một trong những đầm phá sâu nhất và hấp dẫn nhất về mặt chiến lược, tạo thêm động lực quan tâm cho Bắc Kinh và mối quan ngại tiềm tàng đối với Washington khi hai nước cạnh tranh ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Cách Trung Quốc "nới lỏng các ốc vít"
Với dân số chỉ 113.000 người, Micronesia dựa vào kiều hối được gửi về nhà từ các công dân làm việc tại Mỹ cũng như sự hỗ trợ tài chính từ Washington theo COFA. Hiệp ước này dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2023 – điều tạo nên sự không chắc chắn về tương lai của mối quan hệ và khiến đầu tư của Trung Quốc vào nước này thậm chí còn có ảnh hưởng lớn hơn.
Derek Grossman, nhà phân tích cấp cao của Rand Corporation – một tổ chức tham vấn tại Washington cho biết, chuyến thăm của Panuelo đến Trung Quốc là một ví dụ hoàn hảo về cách [phía Trung Quốc] chỉ cần làm một chút để có được nhiều thứ. 100 triệu USD không phải là rất nhiều đối với họ và về cơ bản họ có thể nới lỏng các ốc vít [về COFA] với hành động đó".
Giá trị thương mại song phương Micronesia - Trung Quốc đã tăng gần 30% mỗi năm trong 5 năm qua, theo Bộ Ngoại giao Micronesia. Năm 2017, quốc đảo này đã ký vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, tài trợ của Trung Quốc tại Micronesia đã tham gia xây dựng các tổ hợp văn phòng và nhà ở cho các quan chức chính phủ, một trung tâm hội nghị mới ở thủ đô Palikir, cơ sở hạ tầng giao thông và trao đổi sinh viên, theo một báo cáo gần đây của Rand.
Jian Zhang, phó giáo sư tại UNSW Canberra thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho biết khoản đầu tư của Bắc Kinh đã phản ánh quyết định phát triển một mối quan hệ rộng lớn hơn, sâu sắc hơn.
Ông nói, mối quan tâm của Trung Quốc trong việc xây dựng quan hệ với Micronesia không chỉ là sự cạnh tranh ngoại giao với Đài Loan hay lợi ích kinh tế. Đó còn là nâng mối quan hệ này lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Trong chuyến thăm gần đây, ông Panuelo đã mô tả Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của Micronesia, và Mỹ là đối tác an ninh hàng đầu.
Cuộc bỏ phiếu có giá trị quan trọng
Đội ngũ của ông Panuelo đã gặp gỡ các sinh viên Micronesia đang học tập tại Trung Quốc và đại diện của Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, công ty sẽ xây dựng các con đường ở Chuuk. Dự án này được tài trợ một phần từ Bắc Kinh. Việc xây dựng khu tổ hợp làm việc của chính quyền Chuuk cũng được Bắc Kinh tài trợ và thống đốc bang này đã tháp tùng ông Panuelo trong chuyến thăm lần này.
Nếu Chuuk bỏ phiếu tách khỏi Micronesia vào tháng 3 tới, điều đó cũng có nghĩa là COFA bị phá vỡ - điều có thể đe dọa tới đặc quyền làm việc tại Mỹ của hàng ngàn người Chuuk và cũng sẽ mở ra cơ hội tiếp cận vùng biển của bang này cho các đối tác khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Chuuk là nơi có một trong những đầm phá sâu nhất ở Thái Bình Dương, một địa điểm có giá trị đặc biệt trong các hoạt động quân sự chiến lược và điều hướng tàu ngầm.
Ông Zhang cho biết Bắc Kinh sẽ tìm kiếm bất kỳ cơ hội nào để xây dựng một hải cảng có năng lực quân sự tiềm tàng.
Trung Quốc về lâu dài có nhu cầu có một chỗ đứng chiến lược trong khu vực, ông Zhang nói. Đây là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ở cấp độ chung, đó là một sáng kiến kinh tế nhưng một khía cạnh quan trọng của Con đường tơ lụa trên biển là phát triển một mạng lưới các hải cảng có vị trí chiến lược.