Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nhiên liệu bất chấp rủi ro

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng đáng kể khối lượng nhập khẩu các hàng hóa quan trọng như: LNG, sắt, than, ngoại trừ dầu thô.

Quốc gia tỷ dân đã tăng cường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), than, đồng và quặng sắt trong nửa đầu năm 2024 bất chấp khủng hoảng bất động sản vẫn tiếp diễn cũng như sự suy yếu của nền kinh tế.

Trước tình trạng trên, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về việc tại sao Bắc Kinh lại sẵn sàng bỏ ra nhiều chi phí để nhập khẩu những mặt hàng này.

Theo chuyên gia phân tích Clyde Russell, điều này có thể bắt nguồn từ xu hướng tích trữ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nhiên liệu quan trọng. Ảnh: Getty image

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nhiên liệu quan trọng. Ảnh: Getty image

Theo đó, lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu trong nửa đầu năm 2024 đã tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái ngược với mức tăng về tổng sản lượng, giá nhập khẩu lại giảm 0,8% xuống còn 31,7 tỷ USD. Điều này là do giá LNG vào đầu năm nay đã thấp hơn so với năm 2023.

Trong bốn tháng đầu năm, Trung Quốc đã thúc đẩy nhập khẩu khí đốt tự nhiên nhằm tăng cường dữ trữ cho các nhà máy điện trước mùa Hè khi giá nhiêu liệu này giảm một nửa so với năm ngoái. Cụ thể, lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc trong khoảng thời gian này ước tính đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.

Tương tự, nhập khẩu than cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các chuyên gia, điều này cũng đến từ việc giá nhiên liệu này suy giảm và nhu cầu dư trữ trước mùa Hè cao điểm.

Tiếp đó, lượng nhập khẩu quặng sắt trong nửa đầu năm đã tăng 6,8% trong khoảng thời gian tương tự. Ông Russel nhấn mạnh nhập khẩu quặng sắt là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang tận dụng nhiên liệu giá rẻ để thúc đẩy dự trữ.

Tuy nhiên, sự suy yếu nhu cầu thép trong nửa đầu năm 2024 trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản, khiến giá nhà mới tại Trung Quốc giảm vào tháng 6 với tốc độ kỷ lục kể từ năm 2015.

Năm nay, Trung Quốc đã tăng cường dự trữ quặng sắt, tận dụng lợi thế giá giảm từ mức cao nhất là 143 USD/tấn vào tháng 1 xuống dưới 100 USD/tấn vào tháng 4 trước khi duy trì ở mức ổn định khoảng 105-110 USD/tấn.

Vào tháng 6, xuất khẩu đồng, dầu diesel và nhôm tăng vọt so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, việc xuất khẩu đồng tăng lên mức cao kỷ lục trong bối cảnh nhu cầu nội địa chậm lại đã dẫn đến tình trạng dự thừa hàng hóa.

Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm 2,9% xuống còn khoảng 11,05 triệu thùng/ngày. Điều này xảy ra khi giá của mặt hàng tăng ổn định trong sáu tháng đầu năm. Giá dầu thô tăng liên tục từ tháng 1 đến đầu tháng 4, tuy nhiên đã giảm nhẹ vào tháng 5 và đầu tháng 6. Dù vậy, giá nhiên liệu này đã dần tăng trở lại, từ mức dưới 80 USD/thùng vào tháng 6 cho đến mức khoảng 85 USD một thùng trong tuần này.

Ông Russell cho biết nhu cầu dầu thô tại Trung Quốc không ổn định khiến nhiều nhà máy lọc dầu tại quốc gia này phải cắt giảm việc sản xuất nhiên liệu này.

Dù vậy, theo chuyên gia này, Bắc Kinh vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cũng như thúc đẩy mua dầu thô với giá rẻ ở những đối tác quen thuộc. Đây cũng là lý do khiến nước này hiện là khách hàng chính của dầu thô Nga, vốn đang bị các nước phương Tây bao vây, cấm vận.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trung-quoc-tang-cuong-nhap-khau-nhien-lieu-bat-chap-rui-ro.html