Trung Quốc tăng cường ve vãn một đồng minh của Mỹ

Bất chấp quan hệ đồng minh quân sự giữa Thái Lan và Mỹ, Bắc Kinh ngày càng gia tăng ảnh hưởng thông qua các cuộc tập trận chung và hợp đồng bán vũ khí cho Bangkok.

Cuộc tập trận chung giữa Không quân Thái Lan và Trung Quốc có tên Falcon Strike, kéo dài 11 ngày tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Thái Lan Udorn, khai mạc tuần trước. Đây chỉ là một trong những những dấu hiệu phản ánh quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Bangkok và Bắc Kinh, theo South China Morning Post.

Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ

Không lâu trước khi Falcon Strike khai mạc, đầu tháng 8, Bắc Kinh và Bangkok vừa đồng ý khôi phục hợp đồng cung cấp tàu ngầm S26T Yuan cho Hải quân Thái Lan trị giá 380 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã cắt đứt các kênh thông tin liên lạc quốc phòng với Mỹ nhằm đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới Đài Loan.

Quân đội Trung Quốc còn tổ chức hàng loạt cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn, mà mới nhất là cuộc tập trận hôm 15/8 sau khi một đoàn nghị sĩ Mỹ tới Đài Bắc.

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới thăm Thái Lan. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nói chuyến thăm là một phần các nỗ lực củng cố "mạng lưới đồng minh và đối tác không gì sánh được" của Mỹ ở khu vực.

 Cuộc tập trận Falcon Strike 2022. Ảnh: Reuters.

Cuộc tập trận Falcon Strike 2022. Ảnh: Reuters.

Về lý thuyết, một liên minh phòng thủ giữa Mỹ và Thái Lan hình thành theo Hiệp định Manila năm 1954, Thông cáo chung Thanat-Rusk năm 1962, cũng như Tuyên bố Tầm nhìn chung của liên minh phòng thủ Thái - Mỹ năm 2020. Từ năm 2003, Mỹ đưa Thái Lan vào danh sách đồng minh chủ chốt ngoài NATO.

Nhưng một thực tế là Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Thái Lan trong những năm gần đây. Các vũ khí Bangkok mua của Bắc Kinh rất đa dạng, từ xe tăng chủ lực VT-4 cho tới tàu đổ bộ tấn công Type 071E.

Bangkok củng cố quan hệ quốc phòng với Bắc Kinh một phần bởi Washington không chấp nhận tính chính danh của chính quyền quân sự Thái Lan cũng như cuộc đảo chính đưa phe quân đội lên nắm quyền từ 2014, theo giáo sư Zhang Mingliang, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam, tỉnh Quảng Châu.

"Nhưng tôi sẽ không lạc quan thái quá về quan hệ Thái - Trung, bởi có một đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Thái Lan là luôn có sự thăng trầm, tiến và lui, biến đổi", giáo sư Zhang nói trên South China Morning Post.

Ông Zhang cho rằng sự thay đổi có thể đến từ tình hình chính trị nội bộ, hoặc chỉ đơn giản là cách để Bangkok có thêm vị thế khi mặc cả lợi ích với các đối tác.

Tập trận Falcon Strike lần đầu được tổ chức năm 2015, chỉ một năm sau cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan.

Tại Falcon Strike năm nay, Trung Quốc triển khai một số máy bay hiện đại như tiêm kích J-10C, cường kích JH-7A, hay máy bay cảnh báo sớm KJ-500. Trong khi đó, Thái Lan đóng góp tiêm kích Saab JAS 39 Gripen do Thụy Điển sản xuất và máy bay cảnh báo sớm Saab 340.

Không quân hai nước sẽ thực hiện các bài tập hỗ trợ trên không, tấn công các mục tiêu mặt đất, triển khai lực lượng mặt đất ở nhiều mức độ.

Bởi tiêm kích hai bên được trang bị radar quét mảng pha điện tử, tên lửa không đối không, với sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm, nhiều khả năng sẽ có những bài tập mô phỏng thực chiến ở mức độ cao.

Tư lệnh Không quân Thái Lan Prapas Sornchaidee cho biết cuộc tập trận được tổ chức với mục đích "củng cố quan hệ và hiểu biết" với Trung Quốc.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố cuộc tập trận Falcon Strike nhằm "củng cố tin tưởng lẫn nhau và tình bạn giữa không quân hai nước, làm sâu sắc thêm hợp tác thực chất".

Khôi phục thỏa thuận bán tàu ngầm

Trung Quốc và Thái Lan gây bất ngờ khi đạt được thỏa thuận chuyển giao tàu ngầm S26T Yuan mà trước đó tưởng như đã đổ vỡ.

Theo hợp đồng ban đầu ký năm 2017, tàu ngầm Trung Quốc sẽ trang bị động cơ diesel MTU396 do Đức sản xuất. Tổng trị giá hợp đồng khoảng 380 triệu USD.

Tháng 4 vừa qua, tập đoàn MTU Friedrichshafen của Đức cho biết sẽ không bán động cơ diesel MTU396 cho Trung Quốc do một lệnh cấm vận vũ khí mà EU áp đặt lên Bắc Kinh.

Trung Quốc đề nghị thay động cơ MTU396 bằng động cơ diesel CHD620 cải tiến mà nước này tự sản xuất. Sau thời gian tranh cãi, Thái Lan cuối cùng chấp nhận động cơ mới với điều kiện đáp ứng một số điều kiện kỹ thuật.

 Trung Quốc và Thái Lan đã nhất trí tiếp tục hợp đồng cung cấp tàu ngầm. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc và Thái Lan đã nhất trí tiếp tục hợp đồng cung cấp tàu ngầm. Ảnh: Reuters.

Tập đoàn Đóng tàu và Viễn dương Quốc tế Trung Quốc, nhà sản xuất động cơ CHD620, đã chuyển giao thông số kỹ thuật của động cơ cho Hải quân Thái Lan để đánh giá toàn diện. Cuộc kiểm tra dự kiến hoàn tất vào 15/9.

Người phát ngôn Hải quân Thái Lan, Phó đô đốc Pokkrong Monthatphalin, cho biết nếu các thông số đáp ứng yêu cầu và động cơ nguyên mẫu vượt qua các bài thử nghiệm, hợp đồng tàu ngầm sẽ được xúc tiến hoàn tất.

"Nhưng nếu động cơ thay thế không vượt qua bài kiểm tra, hợp đồng sẽ bị hủy bỏ, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận về bồi thường hoặc hoàn tiền. Mặc dù vậy, nếu có thể, Hải quân Thái Lan không muốn hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận", Phó đô đốc Pokkrong nói.

Theo ông Ian Storey, chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), hợp đồng cung cấp tàu ngầm cho Thái Lan rất được Trung Quốc coi trọng.

"Hợp đồng sẽ giúp củng cố quan hệ Thái - Trung. Chỉ riêng lý do đó cũng đủ để Bắc Kinh cung cấp loại động cơ tốt nhất cho Bangkok", ông Storey nói.

Dù vậy, các chuyên gia cũng hoài nghi khả năng động cơ CHD620 có thể vượt qua các bài kiểm tra của Hải quân Thái Lan nếu các yêu cầu kỹ thuật sử dụng tiêu chuẩn động cơ MTU396 của Đức.

"CHD620 chưa bao giờ được sử dụng trên tàu ngầm trước đây, rất khó để biết liệu nó có đáp ứng các yêu cầu của Hải quân Thái Lan hay không", ông Storey nhận định.

Việc khôi phục kế hoạch mua tàu ngầm của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Ủy ban Ngân sách Quốc hội Thái Lan phục hồi khoản ngân sách trị giá 10 triệu USD để mua 2 tiêm kích tàng hình F-35A của Mỹ, không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Austin đến Bangkok và gặp Thủ tướng Prayuth Chanocha.

Thế nhưng phía Mỹ hiện chưa xác nhận có bán tiêm kích cho Thái Lan hay không. Tại Washington, nhiều chính trị gia khó chịu khi chứng kiến hợp tác quân sự giữa Bangkok và Bắc Kinh trở nên thân thiết, trong bối cảnh đối đầu chiến lược Mỹ - Trung ngày càng gay gắt.

"Quan hệ quốc phòng giữa Thái Lan và Trung Quốc bị xem là quá gần gũi. Đồng thời, hợp đồng F-35A phải được phê chuẩn bởi Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Quốc hội. Sẽ còn rất lâu quyết định đó mới được đưa ra", ông Storey nhận định.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-tang-cuong-ve-van-mot-dong-minh-cua-my-post1347594.html