Trung Quốc tăng hợp tác quân sự với Châu Phi khiến Phương Tây 'dè chừng'
Trung Quốc đã đề nghị cung cấp thêm viện trợ quân sự và đào tạo cho các nước châu Phi trong bối cảnh thời gian qua Bắc Kinh tìm cách tăng cường liên lạc an ninh với châu lục này trước nhiều thách thức của môi trường quốc tế.
Tờ South China Morning Post đưa tin Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã đưa ra lời đề nghị bao gồm việc chi 1 tỷ nhân dân tệ (140,5 triệu USD) viện trợ quân sự và đào tạo cho 6.000 quân nhân và 1.000 sĩ quan cảnh sát trong bài phát biểu đánh dấu lễ khai mạc Diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC) diễn ra vào ngày 5/9.
Bắc Kinh cũng sẽ mời 500 sĩ quan quân đội trẻ từ Châu Phi tới Trung Quốc và tham gia tập luyện, tuần tra với các đối tác châu Phi, cũng như giúp rà phá bom mìn.
Thông tin chi tiết về gói viện trợ này và những quốc gia nào sẽ được tham gia vẫn chưa được công bố, nhưng cam kết này chi tiết hơn cam kết được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh trước đó vào năm 2021, bao gồm đề nghị tham gia các dự án an ninh và huấn luyện chung chống khủng bố và gìn giữ hòa bình.
Thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ quân sự, an ninh cho các nước châu Phi trong những năm gần đây khi Bắc Kinh cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ. Năm ngoái, chính sách ngoại giao quân sự của Trung Quốc đã đưa châu Phi lên vị trí ưu tiên thứ hai, chỉ sau Đông Nam Á về số lượng các cuộc họp “cấp cao”, theo số liệu từ Viện Chính sách xã hội Châu Á.
Trong những tháng gần đây, quân đội Trung Quốc đã tham gia một loạt cuộc tập luyện với các nước châu Phi, bao gồm cả cuộc tập trận chống khủng bố với Tanzania và Mozambique vào tháng trước.
Trung Quốc cũng đã tham gia một cuộc tập trận hải quân với Nga và Nam Phi hồi đầu năm, điều này thu hút sự chú ý đặc biệt vì vai trò của Nam Phi là đối tác chiến lược của Mỹ. Trung Quốc từ lâu đã là điểm đến huấn luyện chính của quân đội các nước châu Phi, trong đó có hàng trăm chỉ huy cấp cao đã được đào tạo tại các cơ sở của quân đội Trung Quốc.
Đây cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho khu vực châu Phi cận Sahara từ năm 2019 đến năm 2023, cung cấp 19% tổng lượng vũ khí nhập khẩu và suýt vượt qua Nga, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm.
Ngoài vũ khí nhỏ, đây còn là nhà cung cấp chính các thiết bị như máy bay không người lái, xe tăng và xe bọc thép.
Liselotte Odgaard - một thành viên cấp cao tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho biết việc Trung Quốc tập trung xây dựng chiến lược lâu dài vào châu Phi có nghĩa là họ không chỉ coi đây là “nguồn tài nguyên chiến lược” mà còn đang cố gắng “xây dựng quan hệ chính trị” và lắng nghe quan điểm cũng như lợi ích của giới tinh hoa châu Phi vốn không phải là ưu tiên hàng đầu của hầu hết các nước phương Tây”.
Odgaard nhận định: “Ảnh hưởng của Trung Quốc cũng có khía cạnh an ninh, điều này phản ánh sự viện trợ quân sự của Trung Quốc. Chỉ đến bây giờ phương Tây mới cố gắng nghiêm túc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách lắng nghe tiếng nói của châu Phi… Câu hỏi đặt ra là liệu những nỗ lực đó có quá muộn hay không”.
Trung Quốc đã cung cấp một số hình thức viện trợ quân sự cho gần như mọi quốc gia trên lục địa khi nước này tìm cách tăng cường quan hệ và bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Cuối tháng trước, quân đội Trung Quốc đã tặng một loạt thiết bị khác chủ yếu là pháo và các phụ kiện của chúng cho Benin, quốc gia đã chứng kiến số lượng các cuộc tấn công của phiến quân ngày càng gia tăng
Trong khi đó, một quốc gia nữa là Djibouti ở vùng sừng châu Phi cũng là nơi đặt căn cứ hải quân ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc và các tàu chiến của quân đội Trung Quốc thường xuyên tham gia tuần tra chống cướp biển ở Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi Somalia.
Malcolm Davis - nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Úc cho biết hỗ trợ quân sự cho châu Phi có thể là một phần trong việc Bắc Kinh sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường để “giành quyền kiểm soát và hiện diện lớn hơn ở các khu vực có tầm quan trọng về mặt địa chiến lược”.