Trung Quốc tăng trưởng trì trệ, châu Á bị vạ lây

Nhu cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất suy yếu kết hợp với cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các nước láng giềng có quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhu cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất suy yếu, cùng với khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang tác động đến tăng trưởng ở các nước châu Á. Ảnh: Bloomberg

Nhu cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất suy yếu, cùng với khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang tác động đến tăng trưởng ở các nước châu Á. Ảnh: Bloomberg

Hàn Quốc ghi nhận sản lượng công nghiệp suy giảm tính theo tháng dài nhất trong gần nửa thế kỷ, trong khi các nhà xuất khẩu lớn khác ở khu vực Đông Á cũng bị tác động do nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc.

Các hoạt động sản xuất ở Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, được coi chỉ báo hàng đầu về sức khỏe của chuỗi cung ứng công nghệ trong khu vực, giúp củng cố tăng trưởng toàn cầu trong nhiều thập niên.

Xuất khẩu của nước này trong tháng 7 giảm với tốc độ mạnh nhất trong hơn ba năm, dẫn đầu là các lô hàng chip bán sang Trung Quốc. Chỉ số nhà quản trị mua hàng của ngành sản xuất ở Hàn Quốc, công bố hôm 1-9, cho thấy hoạt động của nhà máy giảm trong tháng 8, đánh dấu tháng thứ 14 suy giảm liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất trong lịch sử

Dữ liệu cũng cho thấy hoạt động sản xuất của Nhật Bản giảm tháng thứ 5 liên tiếp . Trong khi đó, Đài Loan chứng kiến sản lượng nhà máy giảm và nhu cầu nước ngoài yếu hơn.

Mối lo ngại gia tăng trong những tuần gần đây sau khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát, làm dấy lên lo ngại về tiêu dùng yếu, đồng nội tệ mất giá, lĩnh vực bất động sản tiếp tục bất ổn và mức nợ chính quyền địa phương không bền vững.

Theo dữ liệu chính thức công bố hôm 31-8, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc suy giảm tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 8.

“Khi Trung Quốc hắt hơi, châu Á sẽ bị cảm lạnh. Với việc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cự tuyệt các lời kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng đang suy yếu thông qua kích thích mạnh mẽ, toàn khu vực châu Á sẽ cảm nhận hậu quả”, Vincent Tsui, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Gavekal ở Bắc Kinh, nói.

Tsui cảnh báo, các trung tâm thương mại và tài chính trong khu vực như Hồng Kông và Singapore sẽ dễ bị tổn thương nhất khi kinh tế Trung Quốc suy yếu. Điều này là do nhu cầu của Trung Quốc lần lượt chiếm 13% và 9% GDP của Hồng Kông và Singapore.

Bộ Tài chính Hàn Quốc đã thành lập nhóm chuyên trách để theo dõi tình hình kinh tế của Trung Quốc. Hàn Quốc cũng công bố một ngày nghỉ lễ quốc gia mới nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

“Hàn Quốc khó có thể sớm phục hồi trừ khi nền kinh tế Trung Quốc bật dậy nhanh chóng”, Park Chong-hoon, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của chi nhánh của ngân hàng Standard Chartered ở Seoul, nói.

Ông cũng lưu ý những thách thức đối với kinh tế Hàn Quốc xuất phát từ căng thẳng Mỹ-Trung và chính sách tăng cường năng lực tự cung tự cấp của Trung Quốc nhằm thay thế hàng nhập khẩu.

Nền kinh tế Úc đã chứng tỏ sự kiên cường trong những năm gần đây khi trải qua căng thẳng thương mại với Trung Quốc, nước đã áp thuế quan đối với một số hàng hóa từ than đá, lúa mạch đến tôm hùm. Trong năm này, Bắc Kinh đã dỡ bỏ một số chính sách thuế đó.

Tuy nhiên, hiện tại, Úc dường như dễ bị tổn thương trước tình trạng bất ổn kinh tế của đối tác thương mại lớn nhất, với đồng đô la Úc giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ trong 10 tháng do kỳ vọng về tăng trưởng của Trung Quốc suy giảm.

Các doanh nghiệp lớn nhất Úc , bao gồm cả tập đoàn khai mỏ BHP, bắt đầu bày tỏ lo ngại về triển vọng kinh doanh của họ nếu Trung Quốc không thành công trong nỗ lực kích thích tăng trưởng.

Việt Nam, nước xuất khẩu chủ chốt về hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ cũng như đồ điện tử, báo cáo xuất khẩu quí 2 giảm 14% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sản xuất công nghiệp chậm lại trong năm nay.

Dữ liệu trong tháng này chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng của Malaysia chậm nhất trong gần hai năm, do thương mại với Trung Quốc suy giảm.

Nền kinh tế Thái Lan cũng tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự kiến trong quí 2, do bất ổn chính trị trong nước và lượng du khách Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng.

Các nhà phân tích của Gavekal cảnh báo các khu vực khác bên ngoài châu Á cũng sẽ hứng chịu nhiều tổn thất hơn khi kinh tế Trung Quốc trì trệ.

“Khi nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, các nhà cung cấp nước ngoài trong lĩnh vực nguyên liệu thô và máy móc sẽ phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Cú sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ không nhanh chóng đảo ngược và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện”, họ viết trong một báo cáo.

Theo Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-tang-truong-tri-tre-chau-a-bi-va-lay/