Trung Quốc: Tàu công nghệ cao đi vòng quanh đảo Đài Loan

Cuối năm 2023, một tàu nghiên cứu tiên tiến của Trung Quốc đã đi vòng quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc) trong một động thái hiếm hoi mà ít được báo cáo.

Được trang bị các thiết bị giám sát và theo dõi tiên tiến, tàu Chu Hải Vân đã thăm dò môi trường xung quanh đảo Đài Loan. Các nguồn tin từ Trung Quốc khẳng định, con tàu này chỉ nhằm mục đích nghiên cứu dân sự. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh và các thông tin nguồn mở khác cho thấy ranh giới giữa Chu Hải Vân và quân đội Trung Quốc đang trở nên vô cùng mờ nhạt, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nhận định.

Lộ trình bất thường

Ngày 30/10/2023, tàu Chu Hải Vân rời cảng nhà (thành phố Chu Hải) ở miền nam Trung Quốc để hướng về thành phố Đại Liên ở phía bắc. Tại Đại Liên, tàu đỗ tại một bến cảng do Viện Công nghệ Đo lường và Kiểm soát Đại Liên điều hành. Một trong những nhiệm vụ chính của viện này là nghiên cứu độ rung và âm học của tàu cho Hải quân Trung Quốc.

Tàu nghiên cứu Chu Hải Vân. Ảnh: Mapbox-Baird Maritime

Tàu nghiên cứu Chu Hải Vân. Ảnh: Mapbox-Baird Maritime

Thay vì quay trở lại qua eo biển Đài Loan, tàu Chu Hải Vân đã chọn một lộ trình về cảng nhà vô cùng bất thường. Trong vùng biển ngoài khơi bờ biển phía bắc Đài Loan, tàu giảm tốc độ xuống mức rất thấp, cho thấy có khả năng nó đã thực hiện một hoạt động nghiên cứu. Sau đó, tàu đi về phía đông của hòn đảo, một lộ trình không điển hình đối với một tàu nghiên cứu dân sự của Trung Quốc.

Khi đi dọc theo bờ biển Đài Loan, Chu Hải Vân đã đi rất sát (và dường như đã vượt qua trong thời gian ngắn) vùng tiếp giáp của đảo, chỉ cách bờ biển 24 hải lý. Theo giới quan sát, việc kiểm tra các ranh giới hàng hải của hòn đảo trong khi vẫn tuân thủ luật pháp quốc tế phù hợp với chiến thuật vùng xám ngày càng gia tăng của Bắc Kinh nhằm giảm bớt không gian chiến lược của Đài Bắc. Việc đi dọc theo biên giới của vùng tiếp giáp của đảo Đài Loan có thể đã cho phép tàu Chu Hải Vân thu thập thông tin về vị trí và hoạt động của các khí tài quân sự của Đài Bắc. Một số cơ sở quân sự quan trọng của Đài Loan, bao gồm các căn cứ không quân chính ở Hoa Liên và Đài Trung, ẩn mình dọc theo bờ biển phía đông nhiều đồi núi của hòn đảo này.

Đội tàu không người lái

Chu Hải Vân chỉ là một trong hàng chục tàu nghiên cứu của Trung Quốc quét qua các đại dương trên thế giới để thu thập dữ liệu về môi trường biển. Dữ liệu này rất quan trọng cho nghiên cứu khoa học và thương mại dân sự, nhưng cũng có thể hỗ trợ tình báo quân sự. Năng lực của Chu Hải Vân nổi bật ngay cả trong số tàu tiên tiến nhất của đội tàu nghiên cứu Trung Quốc. Nó được thiết kế để phục vụ như một tàu mẹ cho hơn 50 phương tiện không người lái trên không, trên mặt nước và dưới nước có thể được triển khai từ boong tàu trong khi đang di chuyển. Với tàu Chu Hải Vân làm trung tâm, các nền tảng nhỏ hơn này có thể đồng thời khảo sát một khu vực ba chiều rộng 160 km, cao 4.000 mét trên mặt biển và sâu 1.500 mét dưới bề mặt đại dương.

Lộ trình khác thường của tàu Chu Hải Vân quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Lộ trình khác thường của tàu Chu Hải Vân quanh đảo Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Yunzhou Tech, hãng sản xuất phương tiện mặt nước không người lái mặt nước (USV) chính đã giúp thiết kế Chu Hải Vân, các hệ thống tự động như vậy có thể hoạt động cùng nhau trong một “đội tàu không người lái”, đóng vai trò như một nhân tố gia tăng sức mạnh cho các hoạt động khảo sát. Dù những công nghệ này hỗ trợ nghiên cứu khoa học dân sự, nhưng chúng cũng có ứng dụng kép. Các USV và phương tiện dưới nước mà tàu Chu Hải Vân mang theo được trang bị các thiết bị nghiên cứu tiên tiến như sonar quét bên, mà các nhà nghiên cứu hải quân Trung Quốc đã xác định là hữu ích để phát hiện mục tiêu dưới nước như thủy lôi, tàu ngầm… Các hệ thống khác, như máy bay không người lái, có thể được sử dụng để giám sát hoặc theo dõi các khu vực mục tiêu từ trên cao.

Tàu cũng cung cấp một nền tảng cho Trung Quốc để thử nghiệm trực tiếp các hoạt động bầy đàn máy bay không người lái được kết nối thành một hệ thống. Đây là một lĩnh vực tập trung mới nổi cho các nhà quy hoạch quân sự cả ở Trung Quốc và Mỹ. Những chiến thuật này (bao gồm việc bao phủ hệ thống phòng thủ của đối phương bằng vô số máy bay không người lái giá rẻ) đã làm thay đổi cách thức tác chiến hiện đại diễn ra ở Ukraine. Chúng cũng có khả năng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong xung đột tiềm tàng giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Đặc biệt hơn, các hệ thống điều khiển, điều hướng của Chu Hải Vân được phần mềm trí tuệ nhân tạo tiên tiến hỗ t trợ, cho phép tàu hoạt động tự động trong thời gian dài mà không cần sự can thiệp của con người. Tính tự động trong việc điều hướng cho các tàu lớn trên mặt nước vẫn là một công nghệ mới nổi, và ít tàu cùng kích thước, quy mô với Chu Hải Vân có thể hoạt động mà không cần sự hướng dẫn của con người. Trong Hải quân Mỹ, Tàu Vận tải nhanh khảo sát mới (EPF 13) là tàu lớn nhất có khả năng hoạt động tự động. Với chiều dài 103 mét, nó chỉ dài hơn tàu Chu Hải Vân 14 mét.

Việc xây dựng Chu Hải Vân bắt đầu vào năm 2021 tại Xưởng đóng tàu Hoàng Phố ở Quảng Châu, một trong những xưởng đóng tàu hải quân nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Hình ảnh vệ tinh ngày 24/7/2022 cho thấy Chu Hải Vân neo đậu bên cạnh tàu khu trục Type 056A, một tàu chiến hiện đại của Hải quân Trung Quốc được thiết kế cho tác chiến chống tàu ngầm. Chu Hải Vân được Viện Nghiên cứu số 704 thuộc Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc chế tạo. Năm 2020, Bộ Thương mại Mỹ đưa Viện Nghiên cứu số 704 vào danh sách tổ chức mua trái phép thiết bị có nguồn gốc từ Mỹ để hỗ trợ quân đội Trung Quốc.

Các nhà thầu quốc phòng Mỹ đến Đài Loan

Khoảng 30 nhà thầu quốc phòng Mỹ đã đến Đài Loan (Trung Quốc) trong một chuyến thăm bất ngờ để gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị và công nghiệp của hòn đảo này giữa lúc căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan đang gia tăng, South China Morning Post đưa tin ngày 4/6.

Đây là lần thăm đầu tiên của đại diện từ các nhà cung cấp vũ khí nổi tiếng của Mỹ, như Lockheed Martin, Raytheon… kể từ khi ông Lại Thanh Đức nhậm chức lãnh đạo Đài Loan ngày 20/5. Dự kiến chuyến thăm này sẽ khiến Bắc Kinh phản ứng, khi đã cảnh báo Washington nhiều lần về việc cung cấp vũ khí cho Đài Bắc.

Nhóm nhà thầu, cùng với cựu chỉ huy Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ Thái Bình Dương Steven Rudder, tham dự Diễn đàn Công nghiệp quốc phòng Đài Loan-Mỹ được tổ chức kín ngày 6/6, CNA đưa tin.

Thái An (theo CSIS, SCMP, CNA)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-quoc-tau-cong-nghe-cao-di-vong-quanh-dao-dai-loan-post1644055.tpo