Trung Quốc: Taxi truyền thống lo mất khách vì nở rộ xe tự lái

Tại Vũ Hán và một số thành phố khác ở Trung Quốc, hoạt động taxi không người lái đang nở rộ khiến taxi truyền thống lo ngại có thể bị cướp mất khách.

Mục tiêu có mặt ở 100 thành phố

Dịch vụ taxi không người lái Apollo Go thuộc công ty công nghệ Baidu chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2022, đang hoạt động tại 3 tỉnh thành ở Trung Quốc. Riêng tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ Hồ Bắc, với 13,7 triệu dân, Apollo Go đã vận hành một đội xe hơn 500 chiếc.

Vũ Hán là thành phố đi tiên phong đầu tư mạnh vào công nghệ tự lái và mở cửa đường phố đô thị cho dịch vụ taxi tự lái. Thành phố này tự nhận là khu vực có dịch vụ tự lái lớn nhất thế giới.

Hiện ở các thành phố khác như Thâm Quyến, Thượng Hải cũng có dịch vụ xe tự lái nhưng chỉ được vận hành tại các khu vực hoặc đường chỉ định và không có quy mô lớn như Vũ Hán.

Một xe taxi tự lái tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Một xe taxi tự lái tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Theo ông Chen Zhou, Tổng giám đốc đơn vị tự lái của Baidu, dự báo dịch vụ taxi tự lái sẽ sớm mở rộng đội xe lên 1.000 chiếc, thậm chí vươn ra các tỉnh thành khác vào cuối năm nay. "Chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa Apollo Go tới 100 thành phố tính đến cuối thập kỷ", ông Chen nói.

Baidu khẳng định, dịch vụ này giành được cảm tình của khách hàng và trung bình nhận được từ 4,9 - 5 sao về chất lượng. Mới đây, Baidu cũng tuyên bố dịch vụ taxi robot sẽ hòa vốn trong quý IV năm nay và có lãi vào năm 2025.

Lo ngại về an toàn

Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải không ít thách thức. Thời gian gần đây, tại Vũ Hán đã nổi lên một luồng dư luận trái chiều.

Đã có hơn 300 đơn khiếu nại từ công dân gửi lên trang quản lý giao thông của chính quyền địa phương, cho rằng taxi phản ứng quá chậm chạp trước đèn tín hiệu giao thông.

Đầu tháng 7, đã xảy ra một vụ tai nạn liên quan tới taxi robot của Baidu. Trong vụ tai nạn trên, chiếc xe tay ga đã vượt đèn đỏ và xe tự lái không nhận diện được nên đã đâm thẳng vào. Rất may người đi xe máy không bị thương nghiêm trọng. Baidu đang phối hợp với cơ quan cảnh sát để điều tra làm rõ.

Vụ việc làm bùng lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc. Phần lớn dân mạng đứng về phía hãng xe Baidu vì cho rằng người đi xe máy đã vi phạm tín hiệu đèn giao thông.

Song, hãng tin AP cho biết vụ tai nạn cho thấy những thách thức trong khả năng xử lý tình huống phức tạp của xe tự lái.

Taxi truyền thống phản ứng

Nhiều đơn vị vận tải hành khách cũng phản ứng vì taxi tự lái có giá rẻ, giành mất khách của taxi truyền thống.

Hình ảnh bên trong xe taxi tự lái Apollo Go.

Hình ảnh bên trong xe taxi tự lái Apollo Go.

Đơn vị vận hành vận tải hành khách Wuhan Jianshe đã gửi thư lên cơ quan quản lý cho biết, có 4 trong 159 taxi của công ty phải dừng hoạt động từ tháng 4 này vì thu nhập giảm. Công ty cũng cáo buộc taxi tự lái đã chiếm hết việc của taxi truyền thống.

Tại Vũ Hán, một chuyến đi dài 10km trên phương tiện truyền thống có giá từ 18 - 30 Nhân dân tệ. Song một chuyến đi trên xe Apollo Go chỉ tốn từ 4 - 16 Nhân dân tệ.

Truyền thông địa phương từng dẫn lời chính quyền Vũ Hán cho biết, các tài xế trong thành phố nhận được trung bình 13,2 lượt xe/ngày nhưng robot taxi của Baidu phục vụ tới 20 lượt/ngày.

Bình luận về vấn đề này, ông Zhang Xiang, nhà nghiên cứu lĩnh vực ô tô tại Đại học Công nghệ Bắc Trung Quốc cho biết, thực trạng ở Vũ Hán cho thấy công nghệ xe tự lái đã tiến bộ đáng kể trong vài năm qua. Song thực tế dịch vụ này vẫn gặp khó khăn trong điều kiện đường sá phức tạp và luôn thay đổi, còn nhiều hạn chế khi đối mặt với những hành vi vi phạm luật giao thông.

Theo ông Zhang, việc đảm bảo an toàn và ổn định của taxi tự lái vẫn là ưu tiên hàng đầu. Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tối ưu hóa các thuật toán, giảm chi phí sản xuất bộ phận của xe không người lái và tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thông minh.

Ông Zhang nhận định: "Dự kiến sẽ mất ít nhất 10 năm để thương mại hóa trên quy mô lớn đối với dịch vụ taxi không người lái. Các thành phố cấp một và cấp hai sẽ đi đầu trong việc thực hiện thí điểm các dịch vụ gọi xe tự lái".

Chưa tác động đến thị trường

Theo ông Pan Helin, thành viên Ủy ban Chuyên gia về nền kinh tế thông tin và truyền thông thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ phân tích: "Hiện tại, ô tô không người lái sẽ không tạo ra thách thức đối với lĩnh vực taxi truyền thống vì người dân chỉ thiên về trải nghiệm công nghệ mới nổi, chưa kể số lượng tự lái trên đường vẫn ít hơn nhiều so với taxi truyền thống".

Ông đánh giá, trong thời gian ngắn, phương tiện lái tự động chưa thể có tác động nghiêm trọng đến thị trường việc làm và thay thế tài xế con người.

Thay vào đó, sự phát triển của ngành công nghiệp xe tự lái sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi thông minh của ngành công nghiệp ô tô, giúp tăng doanh số bán các thiết bị gắn trên xe và đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống kết hợp giữa xe và đường, hỗ trợ truyền thông tin từ phương tiện đến mạng lưới đường bộ để cải thiện hiệu quả giao thông.

Baidu - Công ty công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, được mệnh danh là "Google của Trung Quốc", không cung cấp thông tin chi tiết về chi phí nghiên cứu và phát triển taxi tự lái. Tuy nhiên Giám đốc điều hành Robin Li từng chia sẻ với Bloomberg, công ty đã chi 20 tỷ Nhân dân tệ cho phương tiện tự lái, riêng trong năm 2020. Ông Li cũng khẳng định Baidu đã quyết tâm đầu tư mạnh vào công nghệ xe tự lái trong vòng 10 - 20 năm tới.

Hãng vừa ra mắt mẫu xe tự lái thế hệ thứ sáu, là loại xe đa dụng chạy bằng pin có giá 204.600 RMB (28.316 USD). Xe chạy hoàn toàn bằng điện, có bốn chỗ và cabin rộng rãi, do đối tác Jiangling Motors sản xuất, có chiều dài 4,8m và chiều dài khoảng 2,8m.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/trung-quoctaxi-truyen-thong-lo-mat-khach-vi-no-ro-xe-tu-lai-192240718205455933.htm