Trung Quốc: Tên lửa đẩy Trường Chinh thực hiện sứ mệnh thứ 341
Trung Quốc đã phóng thành công ba vệ tinh dân sự lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh4B, Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc (CASC) cho biết.
Vụ phóng diễn ra vào lúc 11h13 sáng 25/7 theo giờ Bắc Kinh (10h13 giờ Hà Nội) từ Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc. Một lúc sau, cả ba vệ tinh đều đi vào quỹ đạo theo tính toán, Tân Hoa Xã cho biết.
Cụ thể, vệ tinh Tư Nguyên III 03 đã được tên lửa Trường Chinh 4B phóng vào vũ trụ lúc 11h13 (giờ Bắc Kinh). Đây là sứ mệnh thứ 341 của loạt tên lửa đẩy Trường Chinh.
Ngoài ra, trong lần phóng này còn có hai vệ tinh được sử dụng để phát hiện vật chất tối và thu thập dữ liệu thương mại tương ứng, Tân Hoa Xã cho biết. Hai vệ tinh này được phát triển bởi Công ty Công nghệ Du hành vũ trụ ASES Thượng Hải.
Theo Tân Hoa Xã, vệ tinh Tư Nguyên III 03, do Viện Hàn lâm Công nghệ vũ trụ Trung Quốc phát triển, sẽ kết hợp với vệ tinh Tư Nguyên III 02 để tạo thành mạng lưới có khả năng chụp các hình ảnh 3D có độ chính xác cao và thu thập dữ liệu diện rộng.
Mạng lưới này sẽ cung cấp dữ liệu cho điều tra nguồn tài nguyên đất của Trung Quốc, dự báo và ngăn ngừa thiên tai, phát triển nông nghiệp, quản lý nguồn nước, khảo sát môi trường và quy hoạch đô thị.
Trước đó, hôm 23/7, Trung Quốc đã phóng Tianwen 1 (Thiên Vấn -1) - tàu thăm dò đầu tiên lên Sao Hỏa. Theo tính toán sơ bộ, tàu thăm dò sẽ cần bảy tháng để tiếp cận bề mặt hành tinh, nếu nhiệm vụ thành công, tàu sẽ gửi dữ liệu nhận được về Trái Đất vào năm 2021.
Theo kế hoạch, sứ mệnh của Thiên Vấn-1sẽ bao gồm việc bước ra ngoài và xoay trong quỹ đạo của Sao Hỏa, hạ cánh và di chuyển trên bề mặt Hành tinh Đỏ. Nếu nhiệm vụ thành công, các nhà khoa học sẽ có thể nghiên cứu bầu khí quyển, đặc điểm địa chất, đặc điểm của từ trường hành tinh, giúp tìm hiểu về nguồn gốc và sự tiến hóa của Sao Hỏa và toàn bộ hệ mặt trời.
Đồng thời, mục tiêu chính của sứ mệnh là tìm ra những dấu hiệu sự sống có thể tồn tại trên Sao Hỏa, cũng như giúp các nhà khoa học tìm hiểu xem liệu các điều kiện trên hành tinh này có thể thay đổi để phù hợp với cuộc sống của con người trong tương lai hay không.