Trung Quốc tham vọng dùng tài chính số 'soán ngôi' USD trong giao dịch toàn cầu

Bằng việc lên kế hoạch và chuẩn bị trong nhiều năm, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai thử nghiệm phiên bản kỹ thuật số của đồng Nhân dân tệ (NDT) hồi đầu năm nay. Thông qua các mô hình tài chính số này, Trung Quốc đang muốn thực hiện tham vọng phá vỡ sự 'độc bá' của đồng USD trong giao dịch toàn cầu cũng như đưa đồng NDT trở thành đồng tiền được nhiều người sử dụng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

4 mô hình thử nghiệm tài chính số đã được triển khai tại 4 thành phố lớn của Trung Quốc với số tiền giao dịch lên đến 2 tỷ NDT (tương đương 300 triệu USD). Nếu mô hình này thành công và được triển khai rộng rãi, dự báo Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số lớn nhất thế giới, thậm chí đánh bại cả nền kinh tế số sử dụng đồng Euro đang được Ngân hàng Trung ương châu Âu dự định triển khai.

Mô hình tài chính số của chính phủ

Trung Quốc trong nhiều năm đã giới thiệu mô hình tài chính số sẽ là bước đột phá mới trong tương lai giúp cho việc giao dịch thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc quản trị của chính phủ Trung Quốc trong các mô hình tài chính số đã đi ngược với mục tiêu ban đầu của ngành này. Hầu hết trong nhiều năm qua, các ứng dụng tài chính số tại Trung Quốc đều được điều hành bởi các công ty tư nhân và nhà nước khó có thể can thiệp vào các hoạt động giao dịch trên các ứng dụng này.

Một đồng NDT kỹ thuật số chính thức do nhà nước Trung Quốc ban hành sẽ thay đổi điều này. Các giao dịch trên mô hình này sẽ được chính phủ theo dõi sâu sát về cách thức, cách tiêu tiền và vị trí của những người tham gia giao dịch. Điều này được cho là đi ngược lại mục tiêu ban đầu của đồng tiền kỹ thuật số. Bitcoin hay những loại tiền kỹ thuật số khác dựa trên một hệ thống blockchain phi tập trung, ngăn chặn bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào có được quyền kiểm soát.

Theo giáo sư kinh doanh Frank Xie tại đại học Nam Carolina cho biết đồng NDT kỹ thuật số về bản chất sẽ giúp tăng cường giám sát và kiểm soát của nhà nước đối với xã hội và nền kinh tế. Nó thúc đẩy tập trung quyền lực và đây có thể là lý do mà chính phủ Trung Quốc đang muốn gấp rút áp dụng rộng rãi tài chính số ở quốc gia này.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng muốn thông qua việc áp dụng rộng rãi đồng NDT số này để phá vỡ thế độc tôn của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu từ trước đến nay. Chẳng hạn như vào tháng trước, Đặc khu trưởng của Hồng Công, bà Carrie Lâm đã bị Hoa Kỳ đã liệt bà vào “danh sách đen” khiến bà không thể sở hữu bất cứ một tài khoản ngân hàng nào trên toàn cầu.

Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tài chính số tại nước này đã thật sự bùng nổ vào năm 2014, các nhà chức trách đã dành 6 năm để nghiên cứu trước khi đưa vào thí điểm tại 4 thành phố lớn là Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và thành phố mói Tây An.

Tương tự như tiền điện tử, đồng NDT số được áp dụng cùng với một số công nghệ blockchain: Mọi giao dịch đều được ghi lại và được theo dõi trong một sổ cái kỹ thuật số. Theo phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Phạm DIệc Phàm cho biết nó sẽ thay thế loại tiền mặt đang lưu hành hiện nay tại Trung Quốc

Sự phát triển của tài chính số cũng phục vụ các mục đích khác. Đồng NDT dễ truy xuất hơn sẽ giúp chính phủ quản lý nguồn cung tiền tệ của chính phủ tốt hơn. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ giảm bớt được sự ảnh hưởng của các công ty công nghệ tư nhân và hệ thống tài chính số của họ đến xã hội và hệ thống tài chính của quốc gia.

Mảnh ghép còn thiếu để kiểm soát toàn diện

Trong những năm gần đây, chính Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng họ đang cảm thấy bị đe dọa vì sự lớn mạnh không thể kiểm soát của các công ty công nghệ tư nhân như ứng dụng Alipay của Ant group và Wechat Pay của Tencent. Điển hình như vào năm 2013, Alipay đã tung ra thị trường một quỹ tiền tệ có tên Yu’e Bao, hay còn gọi là “Leftover Treasure”. Thời kỳ đỉnh điểm vào giữ tháng 5/2014, quỹ Yu’e Bao đã trả mức lãi suất lên đến 6%/năm cho các tài khoản tiền gửi, kèm theo điều kiện thanh khoản ngay lập tức. Quỹ này lớn mạnh đến mức các nhà quản lý Trung Quốc phải vào cuộc và buộc chương trình này phải giảm quy mô của nó. Họ lo ngại rằng nếu quỹ khổng lồ này sụp đổ vì một lý do nào đó, nền kinh tế Trung Quốc cũng có nguy cơ sẽ bị tàn phá.

Theo ông Anthony Chan, chiến lược gia đầu tư mảng châu Á của ngân hàng Thụy Sĩ UBP đã viết trong một báo cáo hồi đâu năm nay cho biết: “Từ lâu, Bắc Kinh đã lo ngại về sự độc quyền, sự ảnh hưởng xã hội của tài chính số do các gã khổng lồ công nghệ trong nước nắm giữ cũng như sự mất kiểm soát của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Những động thái gần đây của chính phủ Trung Quốc đã chứng minh nhận định này đúng. Vào tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã thể hiện quyền lực của mình đối với IPO của tập đoàn Ant Group. Các nhà lãnh đạo cấp cao của chính phủ Trung Quốc đã có cuộc gặp với tỷ phú Jack Ma, người đứng đầu của Alibaba, công ty mẹ của Ant Group chỉ vài ngày trước khi công ty phát hành cổ phiếu của họ lần đầu tiên tại Thượng Hải và Hồng Công.

Theo Giám đốc và nhà sáng lập của công ty môi giới tiền điện tử Finxflo tại Singapore, ông James Gillingham cho biết chính phủ Trung Quốc cũng lo ngại việc tài sản bị chuyển ra khỏi nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc tin rằng việc duy trì mức độ quyền kiểm soát đối với các hệ thống kinh tế, tài chính và xã hội trong nước là cách tốt nhất để duy trì ổn định và kiểm soát chính trị và nhờ đó nền kinh tế Trung Quốc “miễn dịch” trước các cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á và trên toàn cầu.

Theo giáo sư Frank Xie, một lượng lớn tài sản đã “chảy” khỏi Trung Quốc trong thời gian vừa qua vì chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ và dịch bệnh ở mức cao kỷ lục. Kiểm soát tài chính số chính là mảnh ghép còn thiểu để chính phủ Trung Quốc thực hiện giám sát toàn diện xã hội của họ.

Bên cạnh đó, việc tạo ra một đồng NDT số sẽ giúp Trung Quốc giảm các rủi ro kinh tế khác, đặc biệt là khi căng thẳng với Hoa Kỳ vẫn còn âm ỉ. Nếu chính phủ Mỹ cấm dịch vụ chuyển tiền, than toán hay giao dịch của một chủ thể giao dịch tại Trung Quốc đối với tất cả các hệ thống ngân hàng trên toàn cầu, NDT số có thể làm thay việc đó.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tham vọng thay thế đồng USD của Trung Quốc khó có thể trở thành hiện thực vì hiện nay đồng NDT chỉ chiếm 4,3% giao dịch toàn cầu trong khi có đến 88,3% giao dịch trên thế giới sử dụng đồng USD.

Cũng không rõ ràng người dân Trung Quốc sẽ đổ xô dùng mô hình tài chính số của chính phủ ban hành hay không khi có đến 800 triệu người tại Trung Quốc đang sử dụng ALipay và Wechat Pay. Bên cạnh đó, theo giáo sư Frank Xie, việc mất quyền riêng tư có thể khiến nhiều cá nhân do dự việc sử dụng đồng NDT số, nhất là đối với những giao dịch có giá trị lớn hoặc đối với những khối tài sản mà họ muốn chuyển ra nước ngoài.

Thiên Bảo

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ho-so/trung-quoc-tham-vong-dung-tai-chinh-so-soan-ngoi-usd-trong-giao-dich-toan-cau-86450.html