Trung Quốc than bị IP Mỹ lợi dụng hack Nga và Ukraine, Moscow đòi Meta dừng hành động 'cực đoan'

Đại sứ quán Nga tại Mỹ hôm 11.3 đã yêu cầu Washington dừng 'các hoạt động cực đoan' của Meta Platforms, công ty đã tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm với các lời nói bạo lực nhắm vào quân đội và giới lãnh đạo Nga.

Theo các email nội bộ của Meta Platforms mà hãng tin Reuters có được, công ty này sẽ cho phép người dùng Facebook và Instagram tại một số quốc gia kêu gọi bạo lực chống lại binh lính cùng lãnh đạo Nga trong bối cảnh cuộc tấn công Ukraine. Đây là sự thay đổi tạm thời với chính sách về lời nói căm thù của Meta Platforms.

"Do hậu quả của việc Nga tấn công Ukraine, chúng tôi đã tạm thời cho phép các hình thức thể hiện chính trị thường vi phạm các quy tắc của mình, chẳng hạn như lời nói bạo lực. Chúng tôi vẫn sẽ không cho phép những lời kêu gọi bạo lực chống lại dân thường Nga", một phát ngôn viên của Meta Platforms cho biết.

Theo email, các thay đổi chính sách tạm thời về kêu gọi bạo lực với binh sĩ Nga áp dụng cho Armenia, Azerbaijan, Estonia, Georgia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Nga, Slovakia và Ukraine.

Đại sứ quán Nga ở Mỹ tuyên bố: "Chính sách hung hăng của Meta dẫn đến việc kích động lòng căm thù và thù địch với người Nga là hành vi gây phẫn nộ".

Đại sứ quán Nga muốn các nhà chức trách Mỹ "ngăn chặn các hoạt động cực đoan của Meta và thực hiện các biện pháp để đưa thủ phạm ra trước công lý".

Meta Platforms cho người dùng Facebook, Instagram ở một số nước dùng lời bạo lực nhắm vào quân đội và giới lãnh đạo Nga

Tuần trước, Nga cho biết đang cấm Facebook trong nước để đáp lại những gì được cho là hạn chế quyền truy cập vào các phương tiện truyền thông Nga trên nền tảng này.

Nhiều mạng xã hội lớn đã công bố các hạn chế nội dung xung quanh cuộc tấn công Ukraine của Nga, bao gồm cả việc chặn các phương tiện truyền thông nhà nước RT và Sputnik ở Liên minh châu Âu (EU).

Twitter hạn chế phát tán các bài từ phương tiện truyền thông nhà nước Belarus

Twitter cho biết sẽ dán nhãn và hạn chế việc phát tán các bài đăng từ các phương tiện truyền thông nhà nước Belarus cùng các nhân viên cấp cao của họ, nhằm hạn chế thông tin sai lệch từ đồng minh của Nga trong cuộc tấn công Ukraine.

Các dịch vụ truyền thông xã hội, bao gồm cả Twitter, những năm gần đây đã bắt đầu gắn nhãn tài khoản các đài truyền hình nhà nước và trang web tin tức để lưu ý rằng các tổ chức này được chính phủ hậu thuẫn. Các tài khoản bị gắn nhãn và bài đăng của họ sẽ hạn chế xuất hiện trong kết quả tìm kiếm lẫn đề xuất trên Twitter.

Yoel Roth, người đứng đầu về tính toàn vẹn của trang Twitter, nói với các phóng viên rằng công ty sẽ gắn nhãn cho khoảng 15 tài khoản người Belarus, lớn nhất trong số đó là hãng tin BelTa với gần 37.000 người theo dõi.

"Chúng tôi đã thấy bằng chứng cho thấy những tài khoản này cũng như các chi nhánh của họ ở Nga tham gia vào cuộc chiến thông tin và đang sử dụng phương tiện truyền thông cùng các tài sản khác mà họ kiểm soát để tuyên truyền những câu chuyện có lợi, gây nhầm lẫn và đánh lạc hướng công chúng về những gì đang diễn ra",Yoel Roth nói.

Belarus từng là một trong những bệ phóng của Nga cho cuộc tấn công Ukraine vào tháng trước. Nga gọi các hành động của mình ở Ukraine là "hoạt động đặc biệt".

Alexander Lukashenko, Tổng thống Belarus, nói với Bộ Quốc phòng rằng nước này phải ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt đứt các đường tiếp tế của Nga và "tấn công người Nga từ phía sau", theo BelTa.

Chính sách của Twitter là chỉ gắn nhãn các phương tiện liên kết với nhà nước, "nơi nhà nước thực hiện quyền kiểm soát nội dung được biên tập thông qua các nguồn tài chính, áp lực chính trị trực tiếp hoặc gián tiếp, kiểm soát xuất bản và phân phối nội dung".

Yoel Roth cho biết Twitter đã dán nhãn truyền thông ở hơn 20 quốc gia lớn, với kế hoạch mở rộng ra toàn cầu.

Các hạn chế của chính phủ và doanh nghiệp với Belarus ngày càng gia tăng.

Tuần trước, EU đã cấm 70% tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Belarus. American Express và Dassault Systemes đã nằm trong số các công ty tạm ngừng kinh doanh tại đây.

Liên đoàn Điền kinh Thế giới đã cấm Belarus tổ chức các sự kiện sau khi cấm các vận động viên nướ này trước đó.

Trung Quốc than bị địa chỉ IP Mỹ lợi dụng tấn công mạng Nga và Ukraine

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã cho biết Trung Quốc đã hứng chịu các cuộc tấn công mạng liên tục kể từ tháng 2.2022, trong đó các địa chỉ IP ở Mỹ đã được sử dụng để chiếm quyền kiểm soát các máy tính Trung Quốc nhằm tấn công mạng vào Belarus, Nga và Ukraine.

Tân Hoa xã trích dẫn Nhóm kỹ thuật ứng phó khẩn cấp mạng máy tính quốc gia/Trung tâm điều phối của Trung Quốc (CNCERT/CC), một trung tâm kỹ thuật an ninh mạng dẫn đầu các nỗ lực ngăn chặn và phát hiện các mối đe dọa an ninh mạng với nước này.

"Theo dõi của CNCERT/CC cho thấy kể từ cuối tháng 2, mạng internet của Trung Quốc liên tục phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài. Các nhóm ở nước ngoài này đã tấn công bằng cách chiếm quyền điều khiển các máy tính trong nước để thực hiện các cuộc tấn công mạng vào Nga, Ukraine và Belarus. Sau khi phân tích, hầu hết địa chỉ cho các cuộc tấn công này đến từ Mỹ và một số đến từ nước khác như Đức, Hà Lan", bài viết trích dẫn lời của trung tâm.

Trung Quốc than bị địa chỉ IP Mỹ lợi dụng tấn công mạng vào Nga và Ukraine

Các cuộc tấn công mạng là điểm căng thẳng chính giữa Mỹ và các đồng minh của họ với Trung Quốc. Mỹ trước đây cáo buộc Trung Quốc thực hiện một chiến dịch gián điệp mạng toàn cầu.

Trung Quốc nói rằng không tham gia vào các cuộc tấn công mạng và gọi những cáo buộc như vậy là "lời bôi nhọ ác ý".

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trung-quoc-than-bi-ip-my-loi-dung-hack-nga-va-ukraine-moscow-doi-meta-dung-hanh-dong-cuc-doan-179093.html