Trung Quốc thành quốc gia mất ngủ
Theo báo cáo, có hơn 300 triệu người dân Trung Quốc bị rối loạn giấc ngủ. Trong đó, Gen Z là thế hệ phải vật lộn nhiều nhất với chứng mất ngủ vì nhiều lý do khác nhau.
Mỗi đêm, trước khi lên giường đi ngủ, Wu Xinyi luôn phải thực hiện hàng loạt nghi thức phức tạpo: phun hương hoa oải hương lên gối, thắp nến thơm và chườm nóng lên mắt.
Cô gái 25 tuổi nói rằng đó là cách duy nhất để đảm bảo có một đêm ngon giấc.
Wu đã 2 lần tham gia kỳ thi tuyển sinh cao học nhưng đều không đạt điểm cao. Cô đang cân nhắc chuyển hướng đi du học hoặc cố gắng thi vào dịch vụ dân sự Trung Quốc. Nỗi lo khiến cô thường xuyên mất ngủ.
Cô không phải người duy nhất khó chìm vào giấc ngủ mỗi đêm. Theo báo cáo của Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc, đất nước tỷ dân đã trở thành một "quốc gia của chứng mất ngủ" khi hơn 300 triệu người dân bị rối loạn giấc ngủ.
Gen Z là thế hệ phải vật lộn nhiều nhất với chứng mất ngủ vì nhiều lý do khác nhau.
Thế hệ mất ngủ
Những người như Wu cho rằng nguyên nhân mất ngủ là vì căng thẳng. Những người khác có tình trạng sinh lý gây khó ngủ. Ngày càng nhiều người nói rằng họ đơn giản thích thức khuya.
Mất ngủ trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Hashtag "những thanh niên thập niên 90 mất ngủ" thu hút 290 triệu lượt xem và hàng chục nghìn bình luận trên Weibo, trong đó nhiều người chia sẻ trải nghiệm của mình.
"Tôi không đủ can đảm kết thúc một ngày và bắt đầu một ngày mới", một tài khoản bình luận và nhận được nhiều ý kiến đồng tình.
Thế hệ millennials bị chứng mất ngủ thúc đẩy sự trỗi dậy của nền công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ khổng lồ ở Trung Quốc. Doanh số bán ứng dụng hỗ trợ ngủ, siro ngủ, gối ngủ, nến thơm, kẹo cao su cho giấc ngủ cùng hàng loạt sản phẩm liên quan đang bùng nổ.
Theo một báo cáo năm 2020 của các nhà nghiên cứu thị trường Leadleo, ngành "công nghiệp giấc ngủ" đã tăng gấp đôi quy mô so với năm 2015, ước tính đạt 400 tỷ nhân dân tệ. Đến năm 2030, con số này được dự đoán sẽ vượt quá 1.000 tỷ nhân dân tệ.
Theo báo cáo năm 2020 về thị trường trực tuyến thiết bị hỗ trợ giấc ngủ của Trung Quốc do viện nghiên cứu của gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com, sự tăng trưởng nhanh nhất đến từ nhóm khách hàng Gen Z (những người sinh sau năm 1995).
Băng bịt mắt, nút tai và đèn ngủ là những món hàng được tìm thấy trong giỏ hàng của những người trẻ tuổi hiện nay.
Tìm kiếm giải pháp
Zhang Xiaotong (24 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp) đã thử tất cả sản phẩm giúp cô đối phó với chứng mất ngủ do căng thẳng.
Cô đã thử xịt thuốc ngủ vào mặt nạ mắt nhưng không thấy hiệu quả. Hiện tại, cô uống thuốc viên melatonin mỗi đêm - một viên nếu là ngày bình thường, hai viên nếu có bài kiểm tra vào sáng hôm sau.
Zhang nói có thể buồn ngủ sau khi dùng melatonin, nhưng trong trường hợp căng thẳng, uống vài viên cũng không đủ giúp cô bình tĩnh lại.
"Tôi không thể biết liệu melatonin có thực sự hoạt động hay chỉ là giả dược giúp hỗ trợ tâm lý cho tôi. Tôi không quan tâm lắm, miễn là có một giấc ngủ ngon".
Những người bị mất ngủ cũng chọn nghe âm thanh ASMR như tiếng nhai, thì thầm hay âm thanh gõ vào lọ - một loại nội dung được thiết kế để kích hoạt phản ứng kích thích cảm giác tự động.
ASMR là thuật ngữ được đặt ra bởi Jennifer Allen, một nhà nghiên cứu an ninh mạng tại Mỹ. Nó đề cập đến cảm giác "râm ran" thú vị trong hộp sọ, da đầu hoặc lưng do kích thích thị giác, thính giác hoặc xúc giác.
Các video ASMR lần đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên các nền tảng xã hội Trung Quốc vào giữa những năm 2010 và bùng nổ vào năm 2017.
Chen Zitong được nhiều người coi là nghệ sĩ ASMR đầu tiên của Trung Quốc. Cô mô tả nội dung kênh của mình là "sử dụng âm thanh để mang lại cho khán giả cảm giác dễ chịu, thoải mái, và cũng để giúp họ ngủ".
Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Y khoa Hà Nam cho thấy hơn một nửa số người đã trải qua cảm giác giống như ASMR sau khi xem video ASMR. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra những phản ứng này hoặc tác động sinh lý của chúng. Đến nay, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy hàm lượng ASMR giúp tăng cường chất lượng giấc ngủ.
Điều đó cũng không ngăn ASMR hút một lượng lớn khán giả trong giới trẻ. Nhiều người nói rằng âm thanh đó giúp họ chống lại căng thẳng, mất ngủ và thậm chí là trầm cảm. Nhưng nội dung này cũng gây tranh cãi.
Năm 2018, các nhà quản lý Trung Quốc bắt đầu ban hành các quy tắc nghiêm ngặt nhắm vào ASMR, cho rằng một số người sáng tạo đang ngụy trang nội dung thô tục hoặc khiêu dâm thành ASMR. Người đứng đầu một số nền tảng trực tuyến hàng đầu đã được triệu tập đến một cuộc họp của chính phủ để thảo luận về vấn đề này.
Kể từ đó, nhiều công ty Internet đã kiểm soát nội dung ASMR.
Cuộc đàn áp đã gây khó khăn rất lớn cho các nghệ sĩ ASMR như Chen Zitong. Các video phát trực tiếp liên quan đến nội dung này bị cấm hoàn toàn và các nền tảng thậm chí còn đi xa hơn trong việc kiểm soát.
"Âm thanh nhịp tim mà nhiều người nghe yêu thích trước đây cũng bị cấm, vì nó yêu cầu chúng tôi phải đặt micro trên ngực để thu âm thanh. Một số người coi đó là nội dung khiêu dâm", Chen nói.
Nhưng khán giả ASMR vẫn chưa mất đi. Hầu hết nghệ sĩ đã chuyển sang tạo video hoặc podcast để tuân thủ các quy tắc mới. Người dùng vẫn có thể tìm thấy nội dung này miễn biết các từ khóa thay thế phù hợp.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-thanh-quoc-gia-mat-ngu-post1271242.html