Trung Quốc thắt chặt các quy tắc xuất khẩu công nghệ

Ngày 28/8, các Bộ phụ trách thương mại và khoa học công nghệ của Trung Quốc đã công bố những hạn chế mới đối với xuất khẩu công nghệ trí tuệ nhân tạo. Điều này có thể làm phức tạp thêm việc bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ, cũng như cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các hạn chế mới liên quan đến các công nghệ xử lý dữ liệu và máy tính như phân tích văn bản, đề xuất nội dung, lập mô hình giọng nói và nhận dạng giọng nói. Theo đó, các công nghệ trong danh sách điều chỉnh mới không được khai thác nếu không có giấy phép từ các cơ quan quản lý thương mại trong nước. Các hạn chế mới có thể gây khó khăn cho các cuộc đàm phán giữa công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance Ltd. và những người mua tiềm năng, vì chủ sở hữu TikTok đang phải đối mặt với áp lực từ Nhà Trắng để nhanh chóng bán các hoạt động của ứng dụng video ngắn phổ biến tại Mỹ hoặc đối mặt với lệnh cấm có hiệu lực.

Ngày 29/8, Tân Hoa Xã dẫn lời một cố vấn thương mại của Chính phủ Trung Quốc cho biết, ByteDance sẽ nghiên cứu danh sách các quy tắc xuất khẩu mới “nghiêm túc và thận trọng” xem xét có nên dừng các cuộc đàm phán bán hàng của mình hay không. ByteDance có được thành công trên phạm vi quốc tế nhờ vào sức mạnh công nghệ nội địa của Trung Quốc và việc cung cấp các thuật toán cập nhật cho các công ty ở nước ngoài là một hình thức xuất khẩu công nghệ.

Điều đó có nghĩa là bất kể ai là nhà điều hành mới của hoạt động kinh doanh quốc tế của ByteDance, rất có thể sẽ có một số chuyển giao công nghệ xuyên biên giới. Microsoft Corp., Walmart Inc. và Oracle Corp. đều bày tỏ sự quan tâm đến ứng dụng đột phá, thành công của ứng dụng này nằm ở nguồn cấp dữ liệu video được cung cấp bởi công cụ đề xuất nội dung do AI của ByteDance đưa ra.

Danh sách cập nhật các công nghệ bị cấm và hạn chế xuất khẩu, bao gồm cả nông nghiệp, dược phẩm và các ngành công nghiệp khác, cũng nêu rõ các hạn chế mới đối với công nghệ laser, mật mã, thiết kế chip và các danh mục công nghệ cao khác. Trong tuyên bố đăng trên trang web của Chính phủ Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã thực hiện những thay đổi lần cuối đối với danh sách xuất khẩu công nghệ vào năm 2008.

Việc điều chỉnh danh sách là bắt buộc, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ và "sự cải tiến liên tục" của Trung Quốc trong khả năng cạnh tranh công nghiệp. Công nghệ ngày càng trở thành trung tâm trong cuộc xung đột địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài TikTok, Nhà Trắng cũng đã nhắm mục tiêu ngày càng nhiều các công ty công nghệ Trung Quốc, cụ thể là tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei Technologies Co. và Tencent Holdings.

Trong hai năm qua, Chính phủ Mỹ đã vận động đưa công nghệ 5G của Huawei vào danh sách đen trên toàn cầu với lý do rủi ro bảo mật liên quan đến mối quan hệ của họ với Chính phủ Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã hạn chế quyền tiếp cận của Huawei vào các chip do nước ngoài sản xuất, làm giảm khả năng cung cấp các bộ phận của Huawei. Ứng dụng nhắn tin WeChat của Tencent, đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp Mỹ và thị trường Trung Quốc, phải đối mặt với lệnh cấm có hiệu lực tương tự như ứng dụng TikTok, vì lý do an ninh quốc gia.

Trong năm qua, Chính phủ Mỹ cũng đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc mua công nghệ của Mỹ. Hàng chục doanh nghiệp đã bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ kể từ tháng 10 năm ngoái. Các công ty này không thể mua một số công nghệ nhất định mà không có giấy phép, với lý do chính quyền Tổng thống Trump đưa ra là các mối quan ngại về an ninh quốc gia.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/trung-quoc-that-chat-cac-quy-tac-xuat-khau-cong-nghe-143032.html