Trung Quốc thay đổi lập trường, coi nguy cơ của Omicron giống cúm mùa

Sau khi mạnh tay nới lỏng chính sách phòng chống dịch với kế hoạch gồm 10 điểm công bố hôm 7/12, các quan chức Trung Quốc đang tiếp tục thể hiện sự thay đổi trong lập trường khi cho rằng các rủi ro liên quan Covid-19 đã giảm xuống...

Ông Zhong Nanshan, cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Ông Zhong Nanshan, cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, ông Zhong Nanshan, cố vấn y tế hàng đầu của Bắc Kinh, nói rằng tỷ lệ tử vong do biến thể Covid Omicron hiện tương đương với cúm mùa.

“Tỷ lệ tử vong vì Omicron là khoảng 0,1%, tương đương với cúm mùa thông thường và việc lây nhiễm biến thể này hầu như không ảnh hưởng tới phổi”, ông Zhong nói. “Hầu hết mọi người phục hồi sau 7-10 ngày”.

Phát biểu của ông Zhong được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc được cho là đang hướng tới chấm dứt chính sách Zero Covid mà nước này đã theo đuổi kể từ khi đại dịch bùng phát.

Ngày 10/12, nước này ghi nhận 10.514 ca nhiễm Covid mới, thấp hơn 20% so với một ngày trước đó. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ tính chính xác của con số này bởi vì số lượng người được xét nghiệm ít đi sau khi các quy định về xét nghiệm được nới lỏng.

“Trung Quốc cần khẩn trương tăng tỷ lệ tiêm mũi vacicne tăng trưởng bởi hoạt động đi lại trong kỳ nghỉ lễ sắp tới sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng”, ông Zhong nói trong cuộc phỏng vấn vào cuối tuần trước. “Rất khó để người dân ở yên một chỗ vào dịp Tết Nguyên đán 2023, vì vậy tôi khuyến nghị những người về quê dịp này nên tiêm mũi vaccine tăng cường, để nếu bị nhiễm virus thì các triệu chứng cũng nhẹ”.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc sẽ kéo dài từ ngày 21-27/1/2023, nhưng thường kéo dài khoảng 40 ngày do nhiều người có xu hướng nghỉ trước và sau thời gian nghỉ lễ chính thức. Vào dịp này, hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ trở về quê nhà để đoàn tụ với gia đình.

Ngày 11/12, Trung Quốc đã ban hành kế hoạch tăng cường năng lực của các cơ sở y tế cấp huyện nhằm bảo vệ người dân tại các khu vực nông thôn tốt hơn trước dịch bệnh. Chính phủ cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến dưới tăng cường năng lực của các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU), sớm nhất vào cuối tháng 12. Theo kế hoạch này, nhân viên y tế từ khoa nhi cũng như các khoa khác phải được đào tạo về chăm sóc bệnh nhân tại ICU.

Người dân mua thuốc tại một hiệu thuốc ở Bắc Kinh ngày 11/12 - Ảnh: Getty Images

Người dân mua thuốc tại một hiệu thuốc ở Bắc Kinh ngày 11/12 - Ảnh: Getty Images

Trong một bài xã luận đăng tải vào ngày 11/12, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - nói rằng các địa phương trên khắp nước này đã nhanh chóng áp dụng 10 biện pháp chống dịch Covid mới Ủy ban Y tế Quốc gia ban hành hôm 7/12. Các biện pháp này bao gồm giảm việc xét nghiệm hàng loạt và nới lỏng quy định cách ly. Các khu vực bao gồm Trùng Khánh và các thành phố thuộc Liêu Ninh, Sơn Đông và Quảng Đông đã kêu gọi trường học trở lại giảng dạy trực tiếp.

“Các biện pháp mới này sẽ dọn đường để Trung Quốc tối ưu hóa hơn nữa các biện pháp kiểm soát Covid trong tương lai và tiến tới tuyên bố thắng lợi trước đại dịch”, bài xã luận viết.

Cũng trong ngành 11/12, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời của ông Zeng Guang - từng là nhà dịch tễ học trưởng tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc - nói rằng các đề xuất hạ cấp kiểm soát Covid tại Trung Quốc từ loại A xuống loại B đã nhận được sự ủng hộ của các nhà khoa học trong nước.

“Một khi các nhà khoa học trong nước đạt được sự thống nhất rằng các biến thể virus tiếp tục gây ra ít nguy hiểm hơn, Trung Quốc sẽ hạ cấp kiểm soát Covid vào thời điểm phù hợp”, ông Zeng nói. “Hiện Trung Quốc phân loại Covid là bệnh loại B nhưng kiểm soát dịch bệnh này ở cấp độ bệnh loại A”.

Nhận định về tình hình chống dịch hiện tại ở Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Bund ở Thượng Hải hôm 10/12, ông John Waldron, Giám đốc hoạt động (COO) của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs Group Inc, cho rằng con đường mở cửa trở lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể “gập ghềnh”.

"Với kịch bản suy thoái nhẹ ở châu Âu và Mỹ, bối cảnh kinh tế của Trung Quốc có thể sẽ khó khăn hơn. Điều này rõ ràng sẽ gây tác động tiêu cực tới tăng trưởng của Trung Quốc”, ông Waldron nói và cho biết các ngân hàng đang đánh giá tác động của động thái xoay chiều chính sách Zero Covid của Bắc Kinh.

Ngọc Trang -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-thay-doi-lap-truong-coi-nguy-co-cua-omicron-giong-cum-mua.htm