Trung Quốc thí nghiệm làm gạch xây nhà trên Mặt trăng

Ngày 30/10, Trung Quốc đã cử 3 phi hành gia lên trạm vũ trụ có người ở cố định Thiên Cung, nơi họ sẽ tiến hành hàng chục thí nghiệm khoa học, một số liên quan đến việc xây dựng nơi ở của con người.

Các phi hành gia Cai Xozhe, Song Lingdong và Wang Haoze tham dự buổi lễ tiễn trước khi tham gia sứ mệnh du hành vũ trụ Thần Châu-19 tới trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc.

Các phi hành gia Cai Xozhe, Song Lingdong và Wang Haoze tham dự buổi lễ tiễn trước khi tham gia sứ mệnh du hành vũ trụ Thần Châu-19 tới trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tàu vũ trụ Thần Châu-19 và phi hành đoàn đã cất cánh trên tên lửa Long March-2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở Tây Bắc Trung Quốc lúc 4h27 sáng (giờ địa phương).

"Trong nhiệm vụ Thần Châu-19, 86 thí nghiệm khoa học công nghệ không gian sẽ được thực hiện trong các lĩnh vực khoa học sự sống không gian, vật lý vi trọng lực, vật liệu, y học, công nghệ mới", ông Lin Xiqiang, Phó Giám đốc Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) cho biết trong cuộc họp báo ngày 29/10.

Theo ông Lin, một trong những thí nghiệm này dự kiến sẽ bao gồm việc phơi gạch làm từ đất mô phỏng Mặt trăng với các điều kiện trong không gian. Nếu các cuộc thử nghiệm thành công, những viên gạch này có thể là vật liệu chính được sử dụng trong quá trình xây dựng một trạm nghiên cứu Mặt trăng cố định mà Trung Quốc hy vọng sẽ hoàn thành vào năm 2035, vì về mặt lý thuyết, điều này sẽ thuận tiện hơn so với việc vận chuyển vật liệu xây dựng từ Trái đất.

Những viên gạch này sẽ được gửi trong một chuyến bay vũ trụ chở hàng không người lái riêng biệt đến phi hành đoàn Thần Châu-19 vào tháng tới.

Tên lửa Long March-2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-19 cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền để thực hiện sứ mệnh có người lái tới trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Nguồn: Reuters.

Tên lửa Long March-2F mang theo tàu vũ trụ Thần Châu-19 cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền để thực hiện sứ mệnh có người lái tới trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Nguồn: Reuters.

Các chuyến bay vũ trụ có người lái Thần Châu là một hoạt động thường xuyên trong chương trình không gian của Trung Quốc trong 20 năm qua và đã tăng tần suất trong những năm gần đây khi Trung Quốc xây dựng và bắt đầu vận hành trạm vũ trụ "Thiên Cung", chính thức hoàn thành vào tháng 11/2022.

Trước đó, 2 phi hành gia của NASA được Boeing đưa lên Trạm vũ trụ quốc tế bằng tàu vũ trụ Starliner vào tháng 6, đã bị mắc kẹt ở đó do các vấn đề không lường trước được với hệ thống đẩy của tàu vũ trụ. Họ dự kiến sẽ trở về vào tháng 2/2025 trên tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon.

Trong cuộc họp báo hôm 29/10, ông Lin cho biết, để tránh những vấn đề tương tự, kế hoạch ứng phó khẩn cấp đã được "liên tục tối ưu hóa" để các phi hành gia có nhiều thời gian hơn để xử lý các tình huống như thiệt hại cho tàu Thần Châu-19 do mảnh vỡ không gian gây ra. Trong khi đó, tàu Thần Châu-20 và tên lửa đẩy của nó đã ở chế độ chờ và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ giải cứu khẩn cấp nếu cần thiết.

Ông Lin cho biết thêm, phi hành đoàn Thần Châu-19 dự kiến sẽ trở về Trái đất vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm tới. Hai trong số 3 phi hành gia lái tàu Thần Châu-19 đều sinh năm 1990 và lần đầu tiên thực hiện chuyến bay vào vũ trụ. Cô Wang Haoze cũng là nữ phi hành gia Trung Quốc thứ 3 được đưa vào không gian.

Trưởng phi hành đoàn, ông Cai Yuzhe (48 tuổi), từng là thành viên trong nhiệm vụ Thần Châu-14, đã hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung vào năm 2022.

Mai Phương (theo Reuters)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trung-quoc-thi-nghiem-lam-gach-xay-nha-tren-mat-trang-10293411.html