Trung Quốc thử nghiệm công nghệ khoan sâu, tham vọng khám phá cấu trúc Trái đất

Với tham vọng khám phá những ranh giới mới bên dưới bề mặt hành tinh của chúng ta, các nhà khoa học Trung Quốc đang tiến hành khoan một lỗ sâu 10.000m vào vỏ Trái đất.

Theo Tân Hoa Xã, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bắt đầu thực hiện việc khoan một lỗ sâu nhất từ trước đến nay trên Trái đất tại khu vực giàu dầu mỏ Tân Cương vào ngày 30/5/2023. Đây cũng là ngày Trung Quốc đưa phi hành gia dân sự đầu tiên vào vũ trụ từ sa mạc Gobi.

Dự án này do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc dẫn đầu với mục tiêu thu thập dữ liệu về cấu trúc bên trong của Trái đất, đồng thời thử nghiệm các công nghệ khoan sâu dưới lòng đất.

Trung Quốc khoan một lỗ sâu 10.000m với tham vọng khám phá lõi Trái Đất. Ảnh: Getty Images

Trung Quốc khoan một lỗ sâu 10.000m với tham vọng khám phá lõi Trái Đất. Ảnh: Getty Images

Theo báo cáo của dự án, một thiết bị nặng 2.000 tấn gồm mũi khoan và ống khoan hẹp sẽ đi sâu vào lòng đất, xuyên qua hơn 10 địa tầng lục địa hay các lớp kiến tạo đá, tiếp cận lớp kỷ Phấn Trắng trong vỏ Trái Đất với phần đá có niên đại khoảng 145 triệu năm. Quá trình khoan dự kiến kéo dài 457 ngày.

Quá trình khoan xuyên qua các lớp đá trong lòng đất có thể gặp khó khăn do dự án được thực hiện ở lưu vực sông Tarim - một vùng đất cứng, trũng do sông Tarim rút cạn. Khí hậu xung quanh thường khô hạn và ở giữa lưu vực là sa mạc TaklaMaTaklamakankan - một trong những vùng sa mạc lớn nhất thế giới và lớn nhất Trung Quốc.

Nhà khoa học Sun Jinsheng - Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết: "Những khó khăn mà dự án khoan phải đối mặt có thể so sánh với một chiếc xe tải lớn chạy trên hai dây cáp thép mỏng."

Năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các nhà khoa học nước này nỗ lực hơn nữa để đạt được những tiến bộ hơn trong việc khám phá sâu Trái đất. Những công trình nghiên cứu này có thể xác định các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng, đồng thời giúp đánh giá rủi ro của các thảm họa môi trường như động đất và núi lửa phun trào.

Về mặt cơ học, cấu trúc bên trong Trái Đất được chia thành 5 lớp chính gồm: thạch quyển, quyển mềm, lớp phủ giữa, lõi ngoài, và lõi trong. Về mặt hóa học, Trái đất gồm lớp vỏ, manti trên, manti dưới lớp vỏ, lõi ngoài và lõi trong.

Trái Đất có lớp vỏ silicate rắn ở ngoài cùng, manti rất nhớt, lõi ngoài lỏng và ít nhớt hơn manti, và lõi trong rắn. Những hiểu biết khoa học về cấu trúc bên trong Trái Đất dựa trên các quan sát về địa hình và độ sâu đáy biển, quan sát các đá ở các điểm lộ, các mẫu lấy từ bề mặt đất đến các độ sâu sâu hơn bởi hoạt động núi lửa, phân tích sóng địa chấn đi xuyên qua Trái Đất, đo đạc trường trọng lực của Trái Đất, và các thí nghiệm về tinh thể rắn trong nhiều điều kiện nhiệt độ và áp suất khác nhau trong lòng Trái Đất.

Hiện nay, hố nhân tạo sâu nhất trên Trái đất vẫn là hố khoan siêu sâu Kola của Nga, đạt độ sâu 12.262m (40.230 feet) vào năm 1989, sau 20 năm khoan.

Hồng Ngọc

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/trung-quoc-thu-nghiem-cong-nghe-khoan-sau-tham-vong-kham-pha-cau-truc-trai-dat-179230601171455226.htm