Trung Quốc thúc đẩy 'chọn lọc tự nhiên' trong lĩnh vực quỹ phòng ngừa rủi ro

Thị trường quỹ phòng ngừa rủi ro (hay còn gọi là quỹ phòng hộ) của Trung Quốc sẽ đối mặt với quá trình 'chọn lọc tự nhiên' mạnh mẽ, với các quy định mới sắp có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.

*Nỗ lực giám sát chặt chẽ lĩnh vực tài chính

Lĩnh vực quỹ phòng ngừa rủi ro trị giá 715 tỷ USD của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực mới từ các quy định nghiêm ngặt có hiệu lực từ 1/8 tới đây. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Lĩnh vực quỹ phòng ngừa rủi ro trị giá 715 tỷ USD của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực mới từ các quy định nghiêm ngặt có hiệu lực từ 1/8 tới đây. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Lĩnh vực quỹ phòng ngừa rủi ro trị giá 715 tỷ USD của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực mới từ các quy định nghiêm ngặt có hiệu lực vào tháng tới, trong đó buộc một số công ty đầu tư phải tìm kiếm nguồn vốn mới từ các "nhà cứu trợ" hoặc thậm chí phải đóng cửa.

Những quy định mới cho ngành vốn bị phân mảnh này sẽ áp đặt mức tài sản tối thiểu cao hơn để các quỹ được phép hoạt động, đồng thời đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn cho các khoản đầu tư và hoạt động tiếp thị của họ.

Các quy định này được đưa ra sau khi giới chức Trung Quốc trong năm nay đã siết chặt quản lý đối với các "quỹ định lượng", trong nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc nhằm thắt chặt giám sát đối với ngành tài chính. Quỹ định lượng là các quỹ sử dụng các mô hình thống kê và thuật toán máy tính để đưa ra những quyết định giao dịch.

Ông Zhang Kaihua, nhà sáng lập quỹ HuYang Private Fund Co có trụ sở tại Nam Kinh, đang bán ra tới 6,3% cổ phần công ty để tăng vốn. Theo ông Zhang, các quy định khắt khe hơn khiến hoạt động của quỹ ngày càng tốn kém, do đó HuYang đang tìm kiếm các đối tác mới để duy trì hoạt động kinh doanh.

Các quy định mới này yêu cầu một quỹ phòng ngừa rủi ro phải có tối thiểu 10 triệu NDT (1,38 triệu USD) để được thành lập và tài sản tối thiểu 5 triệu NDT để hoạt động. Quy định này là một thách thức cho nhiều nhà quản lý các sản phẩm được thiết kế riêng cho từng tài khoản. Bên cạnh đó, việc quảng cáo tới các nhà đầu tư tiềm năng thông qua hình thức livestream và các nền tảng công cộng khác cũng bị cấm.

Quỹ phòng ngừa rủi ro ở Trung Quốc là các quỹ tư nhân được quản lý lỏng lẻo, huy động tiền từ các tổ chức hoặc cá nhân giàu có. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Quản lý Tài sản Trung Quốc (AMAC), gần 300 quỹ phòng ngừa rủi ro như vậy trong số hơn 8.000 quỹ tại Trung Quốc đã ngừng hoạt động trong năm nay, do thị trường chứng khoán suy yếu, nền kinh tế trì trệ và tâm lý tiêu dùng yếu.

Việc thắt chặt các quy định đối với lĩnh vực quỹ phòng ngừa rủi ro trị giá 5.200 tỷ NDT (715 tỷ USD) của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách xây dựng một ngành tài chính gọn nhẹ và minh bạch hơn, có khả năng hỗ trợ các mục tiêu chiến lược về khả năng dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ và thịnh vượng chung.

*“Giọt nước tràn ly”

Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Ảnh: chinadaily.com.cn

Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Ảnh: chinadaily.com.cn

Các quy định sắp có hiệu lực là "giọt nước tràn ly" đối với nhiều người. Ông Chun Xu, quản lý quỹ tại JSVest Shanghai Ltd, đã đóng cửa công ty quản lý quỹ phòng ngừa rủi ro của mình trong năm nay. Ông cho rằng các quy định khắt khe hơn đang "hút cạn thanh khoản thị trường do những quỹ phòng ngừa rủi ro cung cấp. Theo ông, các nhà quản lý đang ưu tiên khía cạnh chính trị nhiều hơn hiệu quả thị trường.

AMAC, do Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) giám sát, cho biết các quy định mới này nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực quỹ phòng ngừa rủi ro mà hiện đang có quá nhiều công ty nhỏ và quản lý lỏng lẻo.

AMAC cho biết một số quỹ phải đóng cửa do thiếu năng lực đầu tư, mức độ tuân thủ và kiểm soát rủi ro thấp. Theo tổ chức này, đây là sự phản ánh bình thường của quy luật “chọn lọc tự nhiên”. AMAC cam kết tiếp tục hỗ trợ cho lĩnh vực quỹ tư nhân nói chung.

Ông Hu Bo, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý quỹ phòng ngừa rủi ro Professional Fund có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: "Ngành này đang trải qua giai đoạn đen tối nhất. Từ hoạt động đầu tư đến huy động vốn và marketing, các quy tắc đều được siết chặt".

Các quy định mới cũng giới hạn tỷ trọng của một tài sản đơn lẻ trong cơ cấu của một quỹ ở mức 25%. Nhiều nhà quản lý quỹ cho rằng quy định này có khả năng làm đảo lộn mô hình kinh doanh đặt cược quá lớn vào một số cổ phiếu nhất định của nhiều quỹ.

Lĩnh vực quỹ phòng ngừa rủi ro sẽ phải chịu một "cơn gió" nữa nếu chính phủ áp đặt những hạn chế đối với việc bán các quỹ phòng ngừa rủi ro thông qua ngân hàng – vốn là một kênh phân phối quan trọng đối với một số nhà quản lý tài sản - để ngăn chặn các khoản lỗ lớn cho khách hàng của ngân hàng.

Hai nguồn thạo tin cho hay Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc đã khởi động một cuộc tham vấn vào đầu tháng Sáu nhằm lấy ý kiến về việc liệu có nên tiếp tục duy trì kênh này cho các quỹ phòng ngừa rủi ro hay không. Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc chưa có bình luận gì về thông tin này.

Một số người dự đoán các quy định mới khắt khe hơn nói trên có thể chấm dứt sự tồn tại của hàng nghìn quỹ phòng ngừa rủi ro, phần lớn trong số đó là các quỹ nhỏ. Theo dữ liệu của AMAC, hơn 80% số quỹ phòng ngừa rủi ro ở Trung Quốc quản lý dưới 500 triệu NDT. Chỉ có 91 quỹ, tương đương 1,1% tổng số, quản lý hơn 10 tỷ NDT.

Mặc dù vậy, một số nhà quản lý quỹ đầu cơ lớn cho rằng các quy tắc chặt chẽ hơn sẽ có lợi cho ngành này khi giúp thanh lọc những quỹ hoạt động kém hiệu quả.

Khánh Ly (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trung-quoc-thuc-day-chon-loc-tu-nhien-trong-linh-vuc-quy-phong-ngua-rui-ro/341389.html