Trung Quốc: Thực thi cạnh tranh công bằng giúp kinh tế tư nhân phát triển

Việc quyết liệt thực thi Quy định về rà soát cạnh tranh công bằng tại Trung Quốc đang tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Dây chuyền sản xuất đèn LED của Công ty TNHH Cổ phần khoa học công nghệ quang điện Hoa Kiệt tỉnh Sơn Tây. Ảnh: Công Tuyên - PV TTXVN

Dây chuyền sản xuất đèn LED của Công ty TNHH Cổ phần khoa học công nghệ quang điện Hoa Kiệt tỉnh Sơn Tây. Ảnh: Công Tuyên - PV TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, tăng cường rà soát cạnh tranh công bằng là biện pháp cần thiết để tối ưu hóa môi trường kinh doanh và kích thích động lực nội sinh của các chủ thể kinh doanh ở Trung Quốc.

Sau khi Quy định về rà soát cạnh tranh công bằng chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2024, nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã tích cực triển khai các biện pháp để đảm bảo thực thi hiệu quả chính sách này, nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng hơn.

Theo đó, tỉnh Chiết Giang đã rà soát hơn 2.000 chính sách lớn, triển khai thử nghiệm rà soát cạnh tranh công bằng theo ngành và lĩnh vực, đồng thời ban hành hướng dẫn cho các lĩnh vực như xây dựng công trình, thu hút đầu tư và đấu thầu mua sắm của chính phủ.

Tỉnh Quảng Đông kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định về cạnh tranh công bằng, đặc biệt là loại bỏ các rào cản đối với việc gia nhập thị trường, hạn chế sự lưu thông tự do của hàng hóa và yếu tố sản xuất, cũng như điều chỉnh những chính sách gây bất lợi cho chi phí và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tỉnh Hồ Bắc triển khai hệ thống giám sát rà soát cạnh tranh công bằng toàn diện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn để theo dõi hơn 3.600 cơ quan ban hành chính sách trong tỉnh, qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các rào cản tiềm ẩn đối với doanh nghiệp.

Mới đây, Cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia cũng đã ban hành Biện pháp thực thi Quy định về rà soát cạnh tranh công bằng, chi tiết hóa các yêu cầu tổng thể, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tiêu chuẩn rà soát, cơ chế giám sát và quy trình thực thi. Biện pháp trên sẽ có hiệu lực vào ngày 20/4.

Trước đây, nhiều địa phương đặt ra các rào cản nhằm ưu tiên doanh nghiệp trong tỉnh khi đấu thầu hoặc đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe nhằm loại bỏ doanh nghiệp ngoài tỉnh. Để khắc phục điều này, các địa phương đã có nhiều biện pháp cụ thể. Chẳng hạn như tỉnh Chiết Giang ban hành Biện pháp rà soát cạnh tranh công bằng của tỉnh và thiết lập cơ chế giám sát các hành vi can thiệp thị trường không phù hợp. Tỉnh Hắc Long Giang ban hành Quy tắc rà soát cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực mua sắm chính phủ nhằm đảm bảo các quy trình đấu thầu công bằng. Tỉnh Giang Tô ứng dụng dữ liệu lớn để rà soát chính sách và tăng cường giám sát bên ngoài nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong các hoạt động kinh tế… Những chính sách này đã giúp loại bỏ nhiều rào cản cạnh tranh không lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào thị trường.

Bà Vương Tiểu Yến, Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Kim Đông Phương (thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc) nhận định: “Môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch giúp doanh nghiệp tự tin mở rộng đầu tư và đổi mới sản phẩm”. Bà cũng bày tỏ kỳ vọng rằng, với việc Biện pháp thực thi quy định về rà soát cạnh tranh công bằng có hiệu lực vào ngày 20/4 tới đây, những cải cách trong môi trường cạnh tranh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Quang Hưng (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trung-quoc-thuc-thi-canh-tranh-cong-bang-giup-kinh-te-tu-nhan-phat-trien/368293.html