Trung Quốc tiến bước lớn đến xây dựng căn cứ thường trực trên Mặt trăng
Bắc Kinh có kế hoạch phóng 3 tàu thăm dò Mặt Trăng để bắt đầu thiết lập sự hiện diện lâu dài trên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất.
Theo trang Asia Times, Trung Quốc đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng căn cứ do con người vận hành thường trực trên Mặt trăng, đánh dấu động thái mới nhất trong cuộc chạy đua không gian đang tăng tốc với Mỹ.
Bắc Kinh gần đây đã công bố một loạt các dự án đầy tham vọng khám phá không gian Mặt Trăng, bao gồm việc xây dựng một căn cứ thường trực, cho phép các nhà khoa học đóng quân ở đó.
Trong một tuyên bố vào Ngày Không gian 24/4, Phó Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) Wu Yanhua cho biết Bắc Kinh sẽ bắt đầu giai đoạn thứ tư của chương trình thăm dò Mặt Trăng trong năm nay, bao gồm nhiều nội dung.
Mục tiêu chính của giai đoạn này là tiến hành khám phá khoa học tại cực Nam của Mặt Trăng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một căn cứ Mặt trăng vĩnh viễn, cho phép con người lưu trú dài hạn.
Chương trình Mặt trăng của Trung Quốc hiện được chia thành ba giai đoạn, giai đoạn đầu tiên là “quay quanh Mặt trăng”, giai đoạn thứ hai là “hạ cánh xuống Mặt trăng” và giai đoạn thứ ba là “quay trở về từ Mặt trăng”. Nhưng tuyên bố của ông Wu chỉ ra rằng giai đoạn thứ tư của chương trình Mặt trăng mà nước này thực hiện sẽ là “ở lại Mặt trăng”.
Ông Wu tuyên bố rằng nỗ lực của Trung Quốc “sẽ là một trạm khoa học mở cửa cho tất cả mọi người và cùng được điều hành công khai bởi các quốc gia và tổ chức khác nhau”. Ông cho biết dự án căn cứ Mặt Trăng của Trung Quốc sẽ là một quá trình gồm ba bước và CNSA đã thảo luận về các mục tiêu chính của từng bước.
Trong giai đoạn đầu của dự án, Trung Quốc đặt mục tiêu khảo sát và xây dựng các cơ sở vật chất cần thiết trong 10 năm. Sau đó, Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng một trạm khoa học cho giai đoạn 2, với sự tham gia của các quốc gia, tổ chức và lĩnh vực tư nhân khác nhau. Giai đoạn thứ ba và cuối cùng sẽ tập trung vào các hoạt động trên Mặt trăng, nơi trạm sẽ cung cấp các điều kiện tốt cho giới khoa học toàn cầu.
Cũng trong giai đoạn đầu của dự án, ông Wu cho biết Trung Quốc sẽ phóng 3 tàu thăm dò Mặt Trăng – Hằng Nga -6, 7 và 8 trước năm 2030.
Hằng Nga-6 sẽ thu thập các mẫu từ “vùng tối” của Mặt trăng, trong khi Hằng Nga-7 sẽ tìm kiếm nước và các tài nguyên khác ở cực Nam và Hằng Nga-8 có sứ mạng xem xét việc sử dụng tài nguyên tại chỗ và ứng dụng công nghệ in 3D.
Ngoài những cuộc phóng tàu thăm dò Mặt trăng liên tiếp, Trung Quốc đang có kế hoạch thiết lập một chùm vệ tinh xung quanh Mặt trăng phục vụ mục đích liên lạc và điều hướng.
Ông Wu cũng cho biết về kế hoạch của Trung Quốc nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ tiểu hành tinh, có thể phát hiện và tấn công các tiểu hành tinh gây nguy hiểm. Theo đó, CNSA có kế hoạch thử nghiệm một hệ thống vào năm 2025-2026 bằng cách giám sát và làm chệch hướng một tiểu hành tinh để ngăn nó va vào Trái đất.
Trong khi đó, Giám đốc CNSA Zhang Keijian cho biết Trung Quốc “sẽ duy trì các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, sử dụng hòa bình và phát triển, đồng thời tuân thủ khái niệm hòa bình và hợp tác”. Bắc Kinh sẽ “đóng góp nhiều hơn vào việc khám phá vũ trụ, hạnh phúc của con người và sự tiến bộ của nền văn minh nhân loại, đồng thời hợp tác với các đối tác toàn cầu để xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại trong không gian vũ trụ”.
Những nỗ lực này phù hợp với kế hoạch tăng tốc của Trung Quốc nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng. Vào tháng 1 năm nay, Trung Quốc và Nga đã công bố kế hoạch thiết lập căn cứ chung trên Mặt trăng vào năm 2027 - sớm hơn 8 năm so với kế hoạch ban đầu.
Trung Quốc bị cấm tham gia vào các dự án chung với Mỹ bởi Luật sửa đổi Wolf, được thông qua năm 2011, cấm NASA hợp tác với Trung Quốc mà không có sự chấp thuận đặc biệt của Quốc hội. Do đó, Trung Quốc bị loại khỏi Chương trình Artemis do Mỹ đứng đầu nhằm thiết lập sự hiện diện lâu dài trên Mặt trăng.
Nga đã từ chối tham gia Chương trình Artemis, nói rằng chương trình này quá tập trung vào Mỹ. Moskva cũng quyết định rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên nước này liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Các cường quốc du hành vũ trụ như Trung Quốc, Nga và Mỹ đều đang bị thúc đẩy bởi các yếu tố chính trị, kinh tế và quân sự trong tham vọng Mặt trăng của họ.
Trước những xu hướng và hiện tượng gần đây có ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống quốc tế, chẳng hạn như sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, đại dịch COVID-19 và chiến tranh ở Ukraine, những mục tiêu này ngày càng được theo đuổi trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực lớn, phi hạt nhân hóa và sự xuất hiện của trật tự thế giới đa cực.
Vì vậy, Mặt trăng có thể ngày càng trở thành điểm nóng mới giữa các quốc gia, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ một cuộc xung đột quyền lực lớn