Trung Quốc tiếp tục khẳng định phát triển ấn tượng về AI

Ngoài việc đứng đầu về cấp bằng sáng chế về AI, quốc gia tỷ dân còn đứng đầu về ứng dụng công nghệ này.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong việc ứng dụng AI tạo sinh, nhấn mạnh những bước tiến quốc gia này đạt được trong lĩnh vực công nghệ đang thu hút sự quan tâm toàn cầu.

Trong một cuộc khảo sát với 1.600 người trong các ngành công nghiệp trên toàn thế giới do viện SAS và Coleman Parkes Research của Mỹ phối hợp thực hiện, 83% người Trung Quốc cho biết họ đã sử dụng AI tạo sinh, cao hơn 16 quốc gia và khu vực khác trong cuộc khảo sát, bao gồm cả Mỹ với 65% người đã áp dụng công nghệ này.

Quốc gia tỷ dân đứng đầu về ứng dụng công nghệ này. Ảnh: SCMP

Quốc gia tỷ dân đứng đầu về ứng dụng công nghệ này. Ảnh: SCMP

Các ngành được khảo sát bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, y tế, viễn thông, sản xuất, bán lẻ và năng lượng.

Kết quả này cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực AI tổng hợp kể từ khi công ty OpenAI phát hành ChatGPT vào tháng 11/2022. Thành công của công ty Mỹ đã thúc đẩy hàng chục công ty Trung Quốc đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và tung ra phiên bản riêng của nền tảng này.

Tuần trước, một báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới thuộc Liên Hợp quốc cho thấy Trung Quốc đứng đầu về việc cấp bằng sáng chế Ai tạo sinh, với việc 38.000 bằng đã phê duyệt trong khoảng thời gian từ 2014-2023. Trong khi đó, nước đứng thứ hai là Mỹ chỉ mới cấp 6.276 bằng sáng chế trong cùng thời kỳ.

Trong khi nhiều ông lớn AI hàng đầu thế giới, bao gồm OpenAI, phải đối mặt với những hạn chế tại Trung Quốc, gã khổng lồ công nghệ của quốc gia tỷ dân như: ByteDance hay công ty khởi nghiệp Zhipu đang dần cho thấy những bước tiến mạnh mẽ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất AI tạo sinh ở Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển các sản phẩm giá rẻ.

Theo báo cáo của SAS, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công nghệ giám sát tự động liên tục (CAM), một mô hình đang gây ra tranh cãi trong lĩnh vực AI.

Udo Sglavo, người phụ trách bộ phận AI ứng dụng và mô hình hóa tại SAS cho biết, việc công nghệ này có thể thu thập và phân tích lượng lớn dữ liệu về hoạt động, hành vi và thông tin liên lạc của người dùng có thể dẫn đến việc vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Điều này đến từ sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về mức độ dữ liệu được thu thập hoặc cách sử dụng dữ liệu đó.

Sglavo cảnh báo: “Sự thiếu minh bạch của các thuật toán được cài đặt trong CAM có thể gây ra rủi ro cho người sử dụng”.

Ông cho biết tiến bộ của Trung Quốc trong CAM đang giúp nước này củng cố tham vọng trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về công nghệ giám sát và trí tuệ nhân tạo.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trung-quoc-tiep-tuc-khang-dinh-phat-trien-an-tuong-ve-ai.html