Trung Quốc tiếp tục lên tiếng quan ngại về tình hình xung đột Nga-Ukraine
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết tình hình ở Ukraine đang trở nên 'nghiêm trọng', đồng thời kêu gọi các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Ukraine và Nga.
Tờ South China Morning Post dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 11-3 cho biết tình hình ở Ukraine đang trở nên nghiêm trọng và Trung Quốc vô cùng quan ngại, khi các cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây vẫn tiếp diễn mà không có dấu hiệu xuống thang.
Ông Lý hôm 11-3 đã kêu gọi các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Ukraine và Nga, cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt do phương Tây đưa ra có thể làm tổn hại sự phục hồi kinh tế thế giới.
“Tình hình hiện tại ở Ukraine thực sự đáng lo ngại và cần phải nỗ lực hết sức để hỗ trợ phía Nga và Ukraine vượt qua khó khăn để đàm phán đạt được một kết quả hòa bình” - ông Lý nói.
“Chúng tôi ủng hộ và khuyến khích mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là ngăn chặn căng thẳng leo thang hoặc thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát” – vị thủ tướng nói thêm.
Lặp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh về tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và các mối quan tâm về an ninh của tất cả quốc gia, ông Lý cho biết Trung Quốc đang đánh giá tình hình của riêng mình và “sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế để đóng một vai trò tích cực cho việc sớm lập lại hòa bình”.
Theo South China Morning Post, Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua các biện pháp ngoại giao, song mối quan hệ của Trung Quốc với Nga - được hai quốc gia mô tả là “không có giới hạn” - được cho đã khiến phương Tây nghi ngờ.
Phía Trung Quốc tránh lên án Nga về chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine. Nước này cũng phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Moscow, làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc có thể giúp Nga bù đắp tác động kinh tế từ các lệnh trừng phạt đó.
Ông Lý hôm 11-3 đã bỏ qua câu hỏi về vấn đề này, chỉ nói rằng các lệnh trừng phạt có thể làm tổn thương tất cả mọi người.
“Nền kinh tế thế giới hiện phải vật lộn với tác động của đại dịch và các tác động khác, và các biện pháp trừng phạt được đề cập sẽ tác động trực tiếp đến sự phục hồi kinh tế thế giới, gây bất lợi cho tất cả các bên” - ông Lý nói.
Kể từ khi các lực lượng của Nga tiến vào Ukraine, giá hàng hóa đã tăng lên mức cao kỷ lục, làm dấy lên lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thậm chí là suy thoái.
Hôm 10-3, bà Kristalina Georgieva - giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - cho biết IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vào tháng tới, với lý do xung đột, các lệnh trừng phạt đối với Nga và lạm phát dai dẳng.
Bà Georgieva cũng nói với hãng tin CNBC rằng thời gian của cuộc chiến là sự không chắc chắn chính đối với nền kinh tế toàn cầu.
Hy vọng về một kết thúc nhanh chóng đối với khủng hoảng tại Ukraine vẫn còn mờ mịt, trong bối cảnh ngày 11-3 ghi nhận thông tin về các hoạt động quân sự của Nga gần các sân bay ở các thành phố Ivano-Frankivsk và Lutsk phía tây Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận các động thái trên và cho biết một cuộc tấn công tầm xa, chính xác cao đã được thực hiện nhằm vào hai sân bay quân sự ở hai thành phố.
Quân đội Nga cũng đang tiến về phía Kiev từ phía tây bắc và phía đông.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ thông báo Washington, cùng Liên minh châu Âu (EU) và nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ thu hồi quy chế thương mại “tối huệ quốc” của Nga.
Động thái này sẽ mở đường cho Mỹ và các đồng minh áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Nga như một phần trong nỗ lực gây sức ép lên nền kinh tế Nga vốn đã gần suy thoái.
Phát biểu trước các thành viên chính phủ hôm 10-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các lệnh trừng phạt sẽ phản tác dụng lại với chính phương Tây, nói thêm rằng Moscow sẽ giải quyết các vấn đề của mình và trở nên mạnh mẽ hơn.