Trung Quốc tiếp tục tung đòn nhắm vào đế chế của tỷ phú Jack Ma

Cuộc điều tra vi phạm về các hoạt động độc quyền cho thấy quyết tâm của Trung Quốc nhằm 'bẻ cánh' những gã khổng lồ Internet như Alibaba.

Trung Quốc đã bắt tay vào cuộc điều tra các hoạt động độc quyền sai quy định tại Alibaba Group Holding, đồng thời triệu tập Ant Group đến tham dự cuộc họp cấp cao về các quy định tài chính. Động thái trên thể hiện ý muốn của chính quyền Bắc Kinh nhằm tăng cường giám sát đối với hai trụ cột trong đế chế Internet của tỷ phú Jack Ma.

Theo Bloomberg, cuộc điều tra được công bố vào ngày 24/12 đánh dấu bước khởi động trong kế hoạch trấn áp "viên ngọc quý" thuộc quyền thống trị rộng lớn của Ma, bao gồm mọi thứ từ thương mại điện tử, hậu cần đến truyền thông xã hội. Không những vậy, tỷ phú Jack Ma phải đối mặt với nỗ lực ngày càng lớn của chính quyền Bắc Kinh trong ý định kiềm chế sự bành trướng của lĩnh vực Internet lan rộng trong nền kinh tế Trung Quốc những năm nay.

Trước đó, dự thảo các quy tắc chống độc quyền công bố hồi tháng 11 cho phép chính phủ có khả năng và phạm vi quản chế rộng hơn. Với quy tắc này, chính quyền Bắc Kinh nhắm đến mục tiêu kiểm soát và kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ trong nước, mà nổi bật nhất là Jack Ma.

Sự e ngại của chính quyền Bắc Kinh

Từng được ca ngợi là động lực của sự thịnh vượng, phát triển kinh tế và là biểu tượng cho sức mạnh công nghệ quốc gia, nay Alibaba và các đối thủ tầm cỡ như Tencent phải đối mặt với thái độ khó chịu cùng áp lực ngày càng tăng từ cơ quan quản lý.

 Chính quyền Trung Quốc thúc đẩy điều tra chống độc quyền đế chế Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Ảnh: Bloomberg.

Chính quyền Trung Quốc thúc đẩy điều tra chống độc quyền đế chế Alibaba của tỷ phú Jack Ma. Ảnh: Bloomberg.

Những ông trùm Internet đã thành công thu hút hàng trăm triệu người dùng và tạo được sức ảnh hưởng đến hầu hết khía cạnh của cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc. Điều này dấy lên lo ngại cho giới cầm quyền khi các công ty tư bản đang chi phối quá sâu rộng trong nền kinh tế xã hội.

Dong Ximiao, nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính Internet Zhongguancun, cho biết: “Điều này thể hiện rõ ràng chính quyền Trung Quốc đang gia tăng và phối hợp nhiều hành động nhằm kiềm chế đế chế của Jack Ma. Những công ty như Alibaba là minh chứng cho cái gọi là 'lớn quá cũng không tốt' của Trung Quốc”.

“Chính quyền Trung Quốc muốn những công ty nhỏ hơn, ít có quyền kiểm soát và tuân thủ quy định nhiều hơn”

- Dong Xiaomin, Viện Tài chính Internet Zhongguancun -

“Chính quyền Trung Quốc muốn những công ty nhỏ hơn, ít có quyền kiểm soát và tuân thủ quy định nhiều hơn”, ông Dong nói thêm.

Theo nguồn tin, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường đã và đang vào cuộc điều tra Alibaba về hành vi độc quyền. Các cơ quan quản lý, bao gồm Ngân hàng Trung ương và Cơ quan giám sát Ngân hàng sẽ triệu tập riêng tập đoàn Ant Group của vị tỷ phú đến cuộc họp kín để thúc đẩy thắt chặt các quy định tài chính.

Đà giảm chung của các công ty lớn

Những động thái o ép này có nguy cơ đe dọa sự phát triển của công ty dịch vụ tài chính trực tuyến lớn nhất thế giới. Trong tuyên bố trên WeChat, Ant Group cho biết sẽ nghiên cứu và tuân thủ tất cả yêu cầu của cơ quan quản lý. Tỷ phú Jack Ma, nhà đồng sáng lập nổi tiếng của Alibaba và Ant, hoàn toàn im ắng và biến mất khỏi công chúng kể từ đợt IPO "hụt" của Ant Group hồi tháng trước.

Tuy nhiên, một số người quen cho biết vị tỷ phú không thể hiện trạng thái suy sụp về tinh thần. Thay vào đó, phát ngôn chỉ trích công khai của ông hồi đầu tháng 11 đã hé lộ Bắc Kinh dần mất kiên nhẫn trước sức mạnh vượt trội của các ông trùm công nghệ. Giới chức Trung Quốc dần coi các tập đoàn Internet lớn là mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và tài chính mà chính quyền Trung Quốc ưu tiên hàng đầu.

 Alibaba và Ant Group đối mặt nhiều khó khăn vì thái độ khắt khe gần đây của chính quyền Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Alibaba và Ant Group đối mặt nhiều khó khăn vì thái độ khắt khe gần đây của chính quyền Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Trong một tuyên bố, Alibaba cho biết họ sẽ hợp tác với cơ quan quản lý trong quá trình điều tra và khẳng định hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Jack Ma và Bắc Kinh đã khiến cổ phiếu Alibaba tại Hong Kong giảm 8,9%, mức thấp nhất trong 5 tháng gần đây.

Alibaba cũng dẫn đầu danh sách các công ty thua lỗ nhiều nhất kể từ sự kiện Ant Group bị buộc tạm hoãn IPO hồi tháng 11. Ước tính, đến nay, tổng thiệt hại mà ông trùm công nghệ gánh chịu lên đến hơn 100 tỷ USD.

Bên cạnh Alibaba, nhiều ông lớn Internet khác cũng đối mặt khó khăn bởi thái độ khắt khe từ chính phủ. Theo số liệu từ Bloomberg, tập đoàn Tencent giảm hơn 2%, gã khổng lồ dịch vụ Internet Meituan giảm hơn 4%. SoftBank Group, cổ đông lớn nhất của Alibaba, cũng giảm 2,9% khi giao dịch tại Tokyo.

Giới đầu tư chia thành nhiều thái cực trong việc dự đoán thái độ trong tương lai của Bắc Kinh với Jack Ma. Đến nay, giới chức Trung Quốc luôn hạn chế đề cập đến những kế hoạch hay động thái đối phó, kìm hãm khắc nghiệt nhắm vào Alibaba. Tuy nhiên theo nguồn tin, Bắc Kinh đang chuẩn bị đưa ra các quy định chống độc quyền mới.

Thái độ khắt khe đối với những ông trùm Internet

Từ lâu, hệ sinh thái Internet của Trung Quốc tuy được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh của Google và Facebook, nhưng lại được thống trị bởi hai công ty lớn nhất là Alibaba và Tencent. Hai gã khổng lồ công nghệ nắm giữ mạng lưới đầu tư chằng chịt và rộng khắp các lĩnh vực, từ AI đến công nghệ tài chính.

Sự bao trùm và bảo trợ của những gã khổng lồ này tiếp tục mở đường cho thế hệ người khổng lồ mới như công ty thực phẩm và du lịch Meituan và Didi Chuxing - Uber của Trung Quốc. Ngoài Alibaba và Tencent, những công ty sáng giá khác tại thị trường Trung Quốc rất hiếm, đơn cử chỉ có ByteDance, công ty mẹ sở hữu TikTok.

 Tencent, Alibaba và Ant Group đầu tư vào một loạt công ty thuộc lĩnh vực công nghệ, Internet. Ảnh: Bloomberg.

Tencent, Alibaba và Ant Group đầu tư vào một loạt công ty thuộc lĩnh vực công nghệ, Internet. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, các quy tắc chống độc quyền mới sẽ làm đảo lộn hiện trạng đó với nhiều hệ quả tiềm ẩn, từ nhẹ đến nặng tùy thuộc mức độ khắt khe. Các công ty có thể bị phạt tiền hoặc buộc rời khỏi ngành nếu vi phạm quy định. Đây là dấu hiệu xấu cho tương lai lĩnh vực Internet ở Trung Quốc.

Tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố chống lại các tổ chức độc quyền là ưu tiên hàng đầu. “Chống độc quyền trở thành một vấn đề cấp bách và sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh khác. Tăng trưởng hoang cuồng tại các thị trường cần phải được hạn chế bởi luật pháp", tờ này khẳng định.

Đứng trước mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa giới tài phiệt và chính quyền, cơ hội để Ant Group tái xúc tiến kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu trong năm tới sẽ ngày càng mỏng manh khi Trung Quốc đại tu các quy tắc quản lý ngành công nghiệp fintech đang bùng nổ.

"Không có gì mà chính quyền Bắc Kinh không kiểm soát. Bất cứ điều gì vượt khỏi tầm kiểm soát, bộ máy cầm quyền sẽ áp đặt quản giáo ngay lập tức"

- Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich (Singapore) -

Theo nguồn tin, Trung Quốc đã thành lập riêng một lực lượng đặc nhiệm để giám sát Ant Group. Lực lượng này do Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính, một cơ quan quản lý hệ thống tài chính dẫn đầu. Nhóm có nhiệm vụ thường xuyên yêu cầu Ant Group giao nộp các loại dữ liệu và tài liệu khác, nghiên cứu sự tái cấu trúc của Ant và soạn thảo các quy tắc khác cho ngành công nghiệp fintech.

"Không có gì mà chính quyền Bắc Kinh không kiểm soát. Bất cứ điều gì vượt khỏi tầm kiểm soát, bộ máy cầm quyền sẽ áp đặt quản giáo ngay lập tức", ông Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich (Singapore) nhận xét.

Bùi Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-tiep-tuc-tung-don-nham-vao-de-che-cua-ty-phu-jack-ma-post1166498.html