Trung Quốc tìm cách thúc đẩy tăng trưởng trở lại

Nếu Bắc Kinh không tìm được công cụ chính sách phù hợp, các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng sẽ dần giảm xuống mức thấp hơn trong phạm vi mục tiêu 6 - 6,5% của năm 2019.

Tất cả các số liệu kinh tế vĩ mô gần đây nhất được công bố đều đang cho thấy những tín hiệu xấu đi của kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế quý II giảm sút. Các số liệu về khoản vay mới, lượng cung tiền và gia tăng tài chính xã hội trong tháng 7/2019 đều ở mức thấp hơn dự kiến, đồng thời tốc độ tăng trưởng khu vực sản xuất cũng sụt giảm đáng kể, tất cả đã cho thấy bức tranh kinh tế ảm đạm của Trung Quốc. Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và giá sản xuất (PPI) đều thể hiện nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ rơi vào trạng thái đình lạm (tăng trưởng thấp nhưng lạm phát cao) trong những tháng sắp tới.

Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh cơ cấu chính sách

Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh cơ cấu chính sách

Kinh tế Trung Quốc trong quý II ước đạt mức tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng 6,4% của quý I. Diễn biến của nhiều chỉ số vĩ mô tiếp tục theo chiều hướng xấu đi. Cụ thể, đà mở rộng của khu vực sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 7 chưa có thêm sự cải thiện khi chỉ số PMI tổng hợp và PMI lĩnh vực chế biến chế tạo đã giảm xuống sát ngưỡng thu hẹp, lần lượt đạt 50,6 điểm và 50,2 điểm. Tiêu dùng chỉ đóng góp 60% vào tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm, giảm từ mức 76% trong cả năm 2018.

Ngoài ra, tranh chấp thương mại với Mỹ đang kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống và tạo ra một môi trường kinh doanh bất ổn. Để tránh vòng thuế quan mới nhất của Tổng thống Donald Trump, một số nhà sản xuất đã chuyển hoạt động sang nước khác, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thất nghiệp gia tăng và nhu cầu tiêu dùng suy giảm.

Trong khi đó, theo số liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố hôm 12/8/2019, các khoản vay bằng đồng Nhân dân tệ (CNY) tăng thêm trong tháng 7 là 1,06 nghìn tỷ so với tháng trước, lượng cung tiền M2 vào cuối tháng tăng 8,1%. Số dư cho vay CNY vào cuối tháng 7 là 147,02 nghìn tỷ CNY, tăng 12,6%. Số liệu cũng cho thấy mức tăng của quy mô tài chính xã hội trong tháng 7/2019 là 1,01 nghìn tỷ CNY, thấp hơn nhiều so với mức trung bình dự kiến là 1,5 nghìn tỷ CNY, thấp hơn 210,3 tỷ CNY so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế đang đến từ tình trạng đình lạm. Lạm phát đã liên tục gia tăng trong những tháng gần đây, đạt 2,8% trong tháng 7 - mức lạm phát cao nhất được ghi nhận trong vòng 17 tháng qua. Sự gia tăng mạnh trở lại của lạm phát chủ yếu là do sự gia tăng của giá nhập khẩu các mặt hàng năng lượng và giá lương thực thực phẩm. Nhiều phân tích cho rằng, do tình hình căng thẳng nguồn cung thịt heo không thay đổi do dịch bệnh, thêm vào đó là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ tiếp tục diễn biến căng thẳng đã làm tăng chi phí cung ứng nông sản và khiến CPI vẫn còn điều kiện gia tăng nhất định.

Trong khi chỉ số CPI liên tục gia tăng thì chỉ số sức mua PPI đã liên tục giảm sút, hiện ở mức thấp nhất trong ba năm qua, chính thức bước vào khu vực giảm phát (biểu hiện khi kinh tế suy thoái).

Mặc dù đang đối mặt với nhiều áp lực trong tăng trưởng như vậy nhưng dư địa để PBoC có thể nới lỏng chính sách tiền tệ đang khá hạn hẹp. Việc đồng CNY liên tục mất giá trong thời gian qua đang khiến PBoC gặp nhiều khó khăn trong việc đưa ra các quyết định nới lỏng.

Ông Chu Hạo, nhà kinh tế về Trung Quốc tại Ngân hàng Thương mại Đức (Commerzbank) chia sẻ, vì những hạn chế về tỷ giá hối đoái nên về mặt chính sách, Trung Quốc không có nhiều biện pháp đối phó. Hơn nữa, thực tế cho thấy việc tiếp tục nới lỏng chính sách trong thời gian ngắn cũng không có hiệu quả, do đó trước mắt Trung Quốc chỉ có thể tiếp tục con đường như hiện nay - điều chỉnh cơ cấu chính sách.

Theo đó, hầu hết các nhà phân tích đều đồng thuận rằng trong ngắn hạn khả năng cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và cắt giảm lãi suất của PBoC là rất nhỏ. Trong khi đó, PBoC sẽ vẫn coi việc điều chỉnh cơ cấu tín dụng và giảm chi phí là mục tiêu quan trọng của chính sách trong thời gian tới.

Một giải pháp khác được các chuyên gia gợi ý có thể giúp giải quyết tình trạng đình lạm tại Trung Quốc là thông qua các biện pháp thuế. Trên thực tế, vào cuối quý I, chính quyền của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tung ra một gói kích thích kinh tế trị giá gần 2000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 291 triệu USD) thông qua các biện pháp giảm thuế và phí cho hệ thống doanh nghiệp. Mặc dù vậy, các kết quả đạt được chưa như kỳ vọng khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm sâu hơn trong quý II vừa qua.

Thực tế này đang làm dấy lên kỳ vọng rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều ưu đãi tài chính hơn, chẳng hạn như nới lỏng điều kiện tín dụng để kích thích doanh nghiệp và người tiêu dùng chi tiêu hoặc tung thêm một số gói kích thích kinh tế mới. Tuy nhiên, giải pháp này cũng đang gặp một số cản trở nhất định khi tổng nợ của Trung Quốc đã tăng lên mức hơn 40.000 tỷ USD trong quý I/2019 (tương đương 304% GDP Trung Quốc, theo số liệu của Viện Tài chính quốc tế). Hiện nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ tăng cao nhất trong số các thị trường mới nổi.

Như vậy, nếu Bắc Kinh không tìm được công cụ chính sách phù hợp, các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng sẽ dần giảm xuống mức thấp hơn trong phạm vi mục tiêu 6 - 6,5% của năm 2019.

Minh Đức

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/trung-quoc-tim-cach-thuc-day-tang-truong-tro-lai-91261.html