Trung Quốc tính toán gì trong đợt đánh thuế mới nhất?
Chính quyền Bắc Kinh lần đầu tiên đưa dầu thô Mỹ vào danh sách hàng hóa chịu thuế, đồng thời khôi phục thuế quan với ô tô từ Mỹ – một động thái còn khá kiềm chế nhưng có trọng điểm rõ ràng.
Đợt đánh thuế mới dự kiến áp dụng mức thuế bổ sung 5% hoặc 10% với 5.078 mặt hàng nhập khẩu Mỹ, lần lượt thực hiện qua hai đợt 1.9 và 15.12.
Đặc biệt, dầu thô kể từ ngày 1.9 sẽ bị áp thuế suất 5%. Thuế suất 5 - 25% cũng tái áp đặt cho ô tô cùng một số phụ tùng từ ngày 15.12.
Tổng thống Donald Trump ngay sau đó lập tức đáp trả bằng quyết định tăng thuế với 550 tỉ USD hàng Trung Quốc và kêu gọi doanh nghiệp Mỹ rời khỏi thị trường châu Á này.
Về kế hoạch thuế quan hai nền kinh tế vừa công bố, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa - Vương Huy Diệu nhận xét: “Mỹ hiện đánh thuế với gần như tất cả hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả từ chính quyền Bắc Kinh chẳng thể nào sánh được về quy mô, vì vậy họ cần chọn mục tiêu rõ ràng”.
“Trung Quốc là thị trường lớn nhất của xe hơi Mỹ. Thuế quan chắc chắn làm giảm nhu cầu thị trường”, ông Vương phân tích.
Thuế quan với ô tô cùng phụ tùng nhập từ Mỹ sắp khôi phục - Ảnh: CBS News
Còn theo tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc): “Đợt đánh thuế nhằm mục đích gây thiệt hại cho ngành sản xuất Mỹ cũng như làm suy yếu vị thế nhà sản xuất dầu số 1 thế giới mới mà Mỹ đang nắm giữ”.
Động thái đánh vào dầu thô, ô tô kết hợp thuế bổ sung với đậu tương có thể ảnh hưởng đến tài chính. Nhân dân Nhật báo viết: “Trước quyết tâm cùng sức mạnh như vậy, thị trường tài chính Mỹ khó lòng ổn định được”.
Đem lại thêm nhiều việc làm cho người dân Mỹ là một trong những cam kết do ông Trump đưa ra lúc tranh cử Tổng thống. Sau khi nắm quyền, nhà lãnh đạo Washington luôn nỗ lực thực hiện lời hứa bằng cách tập trung hơn vào ngành công nghiệp ô tô, gây sức ép buộc các doanh nghiệp mở rộng xưởng sản xuất ngay tại quê nhà.
Nhà nghiên cứu Cao Linh Vân thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) đánh giá chính quyền Bắc Kinh chọn lựa mặt hàng áp thuế rất kỹ lưỡng: “Đối tượng phải chi trả nhiều hơn chủ yếu là doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Phía Mỹ lại có ít nguồn hàng thay thế”.
Trong khi đó, Trung Quốc còn cố gắng giảm thiểu tác động cho người tiêu dùng trong nước bằng cách "tha" cho mặt hàng thuốc và vaccine.
Cẩm Bình (theo SCMP)