Trung Quốc 'trả miếng' Mỹ sau đạo luật Hong Kong
Trung Quốc thông báo sẽ hoãn các chuyến thăm của Hải quân Mỹ đến Hong Kong và trừng phạt nhiều tổ chức phi chính phủ của Mỹ để đáp trả việc Tổng thống Donald Trump ký 2 đạo luật về dân chủ và nhân quyền liên quan đến Hong Kong.
Chưa rõ bản chất các biện pháp trừng phạt là gì, nhưng bước đi này dường như để hiện thực hóa lời đe dọa của Trung Quốc rằng Mỹ sẽ phải chịu hậu quả cho quyết định của mình.
Các bước đi này là để “đáp trả hành vi phi lý của Mỹ”, SCMP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua tại Bắc Kinh. Bà Hoa cho rằng Đạo luật Dân chủ và nhân quyền Hong kong “can thiệp nghiêm trọng” vào công việc nội bộ của Trung Quốc. “Trung Quốc thúc giục Mỹ sửa chữa lỗi lầm và dừng bất kỳ hành động hay lời nói nào nhằm can dự vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong và Trung Quốc”, bà Hoa nói.
Đạo luật vừa được ông Trump ký cho phép chính quyền Mỹ trừng phạt các quan chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền và yêu cầu phải đánh giá thường niên địa vị thương mại ưu đãi mà Washington dành cho Hong Kong. Luật mới sẽ dẫn đến việc Mỹ kiểm tra kỹ hơn các thương vụ bán cho Hong Kong những công nghệ lưỡng dụng, nghĩa là vừa có thể dùng cho mục đích thương mại vừa phục vụ mục đích quân sự, để bảo đảm các sản phẩm đó không bị chuyển về đại lục.
Bà Hoa nói rằng cùng với việc hoãn chuyến thăm của các tàu và máy bay quân sự Mỹ, Trung Quốc sẽ trừng phạt các tổ chức như Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ, Viện quốc gia Dân chủ vì các vấn đề quốc tế, tổ chức Quan sát nhân quyền, Viện Cộng hòa quốc tế, Ngôi nhà tự do và các tổ chức khác mà bà Hoa nói là đã “hành động xấu” trong đợt bất ổn ở Hong Kong.
Trung Quốc từ lâu đã cáo buộc các tổ chức và chính phủ nước ngoài đứng sau đợt biểu tình suốt 6 tháng qua ở Hong Kong. “Họ phải gánh một phần trách nhiệm cho tình hình hỗn loạn ở Hong Kong và họ cần phải bị trừng phạt và trả giá”, bà Hoa nói.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói nước này “sẽ có những hành động cần thiết khác” đối với Mỹ, tùy thuộc vào diễn biến tình hình.
Trong các tổ chức vừa bị Trung Quốc đưa vào danh sách trừng phạt, Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ nhận ngân sách trực tiếp từ quốc hội Mỹ, trong khi những tổ chức còn lại nhận tiền từ nhiều nguồn khác nhau.
Ðàm phán thương mại chững lại
Ông Derek Mitchell, chủ tịch Viện quốc gia Dân chủ vì các vấn đề quốc tế, tuần trước lên tiếng rằng những cáo buộc tổ chức của họ thông đồng với người biểu tình là “giả dối”. Ông Mitchell khẳng định tổ chức này không có vai trò gì trong đợt biểu tình hiện nay ở Hong Kong, và cho rằng cáo buộc này là kiểu “lan truyền thông tin sai sự thật và không thừa nhận bản chất của phong trào là bắt nguồn từ sự bất bình thực sự”.
Trong điều kiện bình thường, nhiều tàu của hải quân Mỹ đến thăm Hong Kong hằng năm. Truyền thống này có từ trước khi thành phố được chuyển giao về cho Trung Quốc năm 1997 và được Bắc Kinh đồng ý cho duy trì. Thỉnh thoảng Trung Quốc hoãn những chuyến thăm như vậy nếu quan hệ hai bên căng thẳng.
Tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc từ chối cho tàu đổ bộ Mỹ USS Wasp thăm Hong Kong vài ngày sau khi Washington trừng phạt quân đội Trung Quốc vì mua vũ khí của Nga. Tuy nhiên, lãnh đạo quốc phòng hai nước vẫn cam kết đưa hợp tác quân sự thành “nhân tố ổn định” cho quan hệ song phương.
Trang tin Axios cuối tuần qua dẫn nguồn tin thân cận với nhóm đàm phán của Tổng thống Trump nói rằng tiến trình đàm phán “đang chững lại vì dự luật Hong Kong”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cần thời gian để dư luận trong nước dịu xuống, nguồn tin nói.
Đang có những lo ngại rằng mâu thuẫn Mỹ - Trung gia tăng trong vấn đề Hong Kong có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của đôi bên nhằm tiến tới thỏa thuận thương mại sơ bộ để có thể xuống thang cuộc chiến thương mại kéo dài.