Trung Quốc: Trúng đậm nhờ nuôi vịt giữa 'bão' dịch tả heo châu Phi
Dịch tả heo châu Phi hoành hành khiến sản lượng thịt heo ở Trung Quốc giảm mạnh, đẩy nhiều nông dân nuôi heo vào tình cảnh điêu đứng nhưng lại giúp những nông dân nuôi vịt trúng đậm nhờ giá thịt vịt tăng do nhu cầu các nguồn protein thay thế thịt heo tăng mạnh.
Trên một mảnh đất rộng 30 ha ở huyện Gia Tường, một trung tâm nuôi gia cầm ở tỉnh Sơn Đông, hơn nửa triệu con vịt lông trắng đang được nuôi để đẻ trứng và cung cấp nguồn cung thịt giá rẻ hơn so với thịt heo cho các căng-tin ăn uống ở hàng ngàn nhà máy trên khắp Trung Quốc. Số vịt này được nuôi trong 60 chuồng trại thuộc sở hữu của công ty Shenghe Group.
Giữa lúc sản lượng thịt heo giảm mạnh do các tác động của dịch tả heo châu Phi, giá thịt vịt đang tăng chóng mặt ở Trung Quốc. Shenghe Group đang lên kế hoạch tăng đàn vịt, nâng sản lượng thêm 30% trong năm nay để thu lợi nhuận kỷ lục.
“Thị trường hiện nay đang rất thuận lợi nhờ dịch tả heo châu Phi”, Wang Shuhong, Chủ tịch Shenghe Group, nói.
Shenghe Group đang bán khoảng 300.000 vịt con ra thị trường mỗi ngày.
Theo số liệu chính thức, dịch tả heo châu Phi đã làm giảm quy mô đàn heo của Trung Quốc hơn 25%. Ước tính có đến 50% heo nái ở Trung Quốc bị chết do nhiễm dịch hoặc bị tiêu hủy để ứng phó với tả heo châu Phi. Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) dự báo sản lượng thịt heo của Trung Quốc sẽ giảm 30% trong năm nay, tương đương khoảng 16 triệu tấn. Điều này đang đẩy giá thịt heo lên mức cao kỷ lục và tạo ra khoảng trống lớn trong nguồn cung protein động vật ở Trung Quốc.
Giá thịt heo đã tăng khoảng 35% trong vòng một năm qua, khiến nhu cầu thịt gia cầm tăng mạnh ở nước này. Giá ức gà đang đắt hơn 20% so với một năm trước đây nhưng giá ức vịt tăng gấp ba lần lên mức 14.600 nhân dân tệ (49 triệu đồng)/ tấn, theo Shenghe Group.
Dù đã tăng cao nhưng giá ức vịt chỉ mới bằng phân nửa so với giá thịt heo.
Khoảng 80% tổng đàn vịt của thế giới được nuôi tại Trung Quốc. Theo truyền thống, thịt vịt được người dân miền nam Trung Quốc ưa chuộng. Lưỡi vịt chiên, chân vịt om, cổ vịt cay, lẩu lòng vịt là những món ăn thịnh hành ở miền nam Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thịt vịt được sử dụng nhiều hơn để chế biến các món ăn ở các công ty dịch vụ ăn uống chuyên cung cấp các suất ăn cho các căng tin ở trường học, nhà máy, công ty và doanh trại quân đội. Những nơi này giờ đang dần chuyển sang sử dụng thịt vịt thay thế cho thịt heo đang có giá bán quá cao.
Một quản lý thu mua ở một công ty dịch vụ ăn uống đang cung cấp suất ăn cho 100 khách hàng lớn ở Trung Quốc cho biết anh đã thay thế khoảng 20-30% thịt heo trên các thực đơn bằng thịt vịt hoặc thịt gà.
“Chúng tôi có thể chuyển sang sử dụng thịt vịt và thịt gà nhiều hơn nữa nhưng chúng tôi lo ngại giá thịt gia cầm đang tăng quá nhanh”, vị quản lý này nói.
Giá vịt con một ngày tuổi đang được các trang trại vịt như Shenghe Group bán với giá khoảng 6 nhân dân tệ (10.100 đồng)/con, cao gấp ba lần so với hồi tháng 7 năm ngoái.
Dong Xiaobo, Tổng giám đốc chi nhánh của công ty Orvia (Pháp), nhà cung cấp vịt đẻ lớn thứ hai ở Trung Quốc, cho biết giá vịt đẻ giảm vào tháng trước khi các nông dân trì hoãn thả nuôi mới do thời tiết mùa hè nóng bức nhưng giá đang tăng trở lại và sẽ còn tăng cao nữa. Orvia cho biết các khách hàng đã đặt mua hết đàn vịt đẻ của công ty trong sáu tháng tới. Thậm chí, nhiều chủ trang trại nuôi heo cũng gọi điện đến đặt mua vịt để nuôi sau khi chịu thiệt hại lớn do đàn heo chết vì nhiễm tả heo châu Phi.
Dong Xiaobo nói: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến điều này trong hơn 10 năm chúng tôi có mặt ở thị trường Trung Quốc”.
Khi dịch tả heo châu Phi tiếp tục lây lan, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa kêu gọi các nông dân nuôi gia cầm hỗ trợ bù đắp khoảng trống nguồn cung protein để duy trì ổn định kinh tế và xã hội.
Giới phân tích cảnh báo tả heo châu Phi có thể ảnh hưởng đến nhiều trang trại heo nữa. Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch dự báo trong giai đoạn 2019-2021, sản lượng thịt heo của Trung Quốc sẽ duy trì dưới mức sản lượng của năm 2018
Với tổng sản lượng chỉ khoảng 5 triệu tấn vào năm ngoái, nguồn cung thịt vịt ở Trung Quốc còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao ở Ngân hàng Raboban, cho biết rào cản để gia tăng đàn vịt thấp hơn gà giò vì con giống luôn sẵn có.
Các nông dân nuôi gà giò phụ thuộc gần như hoàn toàn vào gà giống nhập khẩu vốn đang bị hạn chế bởi các quy định cấm nhập khẩu mà Trung Quốc đang áp đặt với một số thị trường quan trọng do dịch cúm gia cầm.
Tuy nhiên, bất cứ kế hoạch gia tăng đàn vịt nào cũng có những rủi ro nhất định. Chẳng hạn, ở các hệ thống chuồng trại vịt với mật độ nuôi đông đúc, các dịch bệnh như cúm gia cầm dễ dàng lây lan nhanh. Hơn nữa, khi sản lượng thịt heo phục hồi, vẫn chưa rõ các nông dân nuôi vịt có duy trì thị phần thịt cao hơn trước đây được không.
Nhiều nông dân Trung Quốc từng bỏ nuôi vịt trong giai đoạn 2012-2016 khi sản lượng dư thừa khiến họ thua lỗ.
Tuy nhiên, Wang Shuhong, Chủ tịch Shenghe Group, không tỏ ra lo lắng. Ông nói: “Sản lượng thịt heo ở Trung Quốc không thể tăng trong 3 năm tới và sẽ phải mất 5 năm để phục hồi”.
Theo Reuters
Khánh Lan