Trung Quốc trừng phạt thứ trưởng Lithuania và phản ứng của Đài Loan

Đài Loan lên án quyết định của Trung Quốc trừng phạt Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Truyền thông Lithuania - bà Agne Vaiciukeviciute sau khi bà đến thăm hòn đảo.

Trong một tuyên bố được đăng tải trên trang web Cơ quan Đối ngoại Đài Loan vào ngày 13-8, Đài Bắc đã lên án quyết định của Trung Quốc về việc trừng phạt Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Truyền thông Lithuania, bà Agne Vaiciukeviciute, sau khi bà đến thăm Đài Loan, gọi đây là "đòn trả đũa phi lý".

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12-8 thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt lên bà Vaiciukeviciute vì bà đã đến thăm Đài Loan, động thái mới nhất trong căng thẳng ngoại giao giữa Bắc Kinh với quốc gia vùng Baltic, theo hãng tin Reuters.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Truyền thông Lithuania, bà Agne Vaiciukeviciute. Ảnh: CNA

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Truyền thông Lithuania, bà Agne Vaiciukeviciute. Ảnh: CNA

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến công du của bà Vaiciukeviciute "đã vi phạm nguyên tắc một Trung Quốc, can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc và làm xói mòn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc".

"Trước hành vi khiêu khích của bà Vaiciukeviciute, Trung Quốc đã quyết định trừng phạt đối với bà Vaiciukeviciute, đình chỉ mọi hình thức liên lạc với Bộ Giao thông vận tải và Truyền thông Lithuania cũng như ngừng trao đổi và hợp tác về vận tải đường bộ quốc tế” - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.

Bộ Giao thông vận tải và Truyền thông Lithuania cho biết họ lấy làm tiếc về thông báo của Trung Quốc.

“Bắc Kinh đang lựa chọn tiếp tục và gia tăng các hành động phi pháp chống lại [một] quốc gia thành viên liên minh châu Âu (EU)” - cơ quan này cho hay trong một tuyên bố.

"Điều này không chỉ bất lợi đối với sự phát triển mối quan hệ của Trung Quốc với các nước dân chủ trên thế giới mà còn làm đảo ngược chính sách của Bắc Kinh từ trước tới này về việc không cản trở sự phát triển quan hệ đôi bên cùng có lợi với Đài Loan, một trong những nền kinh tế tiến bộ nhất thế giới” - tuyên bố nhấn mạnh.

Thông báo mới nhất của Trung Quốc được đưa ra sau khi bà Vaiciukeviciute dẫn đầu một phái đoàn gồm 11 thành viên thăm và làm việc tại Đài Loan trong 5 ngày (từ ngày 7 đến ngày 11-8). Chuyến thăm nhằm trao đổi về việc thành lập thành phố kết nghĩa giữa Cao Hùng và thành phố cảng Klaipeda.

Tại Đài Bắc, Thứ trưởng Vaiciukeviciute nói rằng Đài Loan và Lithuania là "những người bạn tốt” và chuyến thăm của bà trong khuôn khổ trao đổi kinh tế và văn hóa.

Trước bà Vaiciukeviciute, Lithuania đã cử một phái đoàn cấp thứ trưởng đầu tiên do bà Jovita Neliupsiene - Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Đổi mới dẫn đầu nhằm thông báo kế hoạch mở văn phòng đại diện của nước này tại Đài Loan.

Ngày 11-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng chuyến thăm của phái đoàn Lithuania “cố ý xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và can thiệp rõ ràng vào công việc nội bộ của Trung Quốc” và do đó, Bắc Kinh sẽ có "biện pháp đáp trả quyết liệt".

Chuyến thăm của đoàn Lithuania diễn ra vài ngày sau chuyến công du lịch sử tới Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Phản ứng trước chuyến thăm của bà Pelosi, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp đáp trả bao gồm tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, trừng phạt kinh tế hòn đảo cũng như hủy nhiều cơ chế hợp tác song phương Mỹ-Trung.

Bên cạnh đó, chuyến công du của Thứ trưởng Lithuania được thực hiện trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Vilnius căng thẳng sau khi quốc gia vùng Baltic thông báo cho phép Đài Loan mở “Văn phòng đại diện Đài Loan ở Lithuania” hồi tháng 11 năm ngoái.

Đáp lại, Bắc Kinh hạ cấp quan hệ với Lithuania thành cấp “đại biện” (charge d'affaires), tức dưới cấp đại sứ, hạn chế tiếp xúc ngoại giao cấp quốc gia và ngừng cấp thị thực cho nước này. Ngoài ra, Bắc Kinh còn tăng thêm rào cản với doanh nghiệp Lithuania trong việc làm ăn với công ty Trung Quốc cũng như thúc giục Vilnius "sửa chữa sai lầm".

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/trung-quoc-trung-phat-thu-truong-lithuania-va-phan-ung-cua-dai-loan-post693813.html