Trung Quốc tung 'ngoại giao chớp nhoáng' đẩy bật ảnh hưởng Mỹ tại châu Âu?
Trung Quốc đang tìm cách tạo ra sức hấp dẫn ở châu Âu để đẩy lùi chiến dịch của Mỹ là kêu gọi các đồng minh không hợp tác với Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khởi động chuyến công du châu Âu kéo dài một tuần vào thứ Ba (25/8), với các điểm dừng theo kế hoạch tại Italy, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức. Chuyến đi này diễn ra sau hai chuyến thăm châu Âu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – khi quan chức này cảnh báo rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn so với Nga.
Ổn định hình ảnh Trung Quốc
Tới Rome để có cuộc gặp với người đồng cấp Luigi Di Maio, ông Vương Nghị nói với các phóng viên rằng quan hệ của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) đang có xu hướng tích cực. "Nhưng quan hệ của chúng ta đang hứng chịu những khiêu khích và cả những tổn hại từ các thế lực bên ngoài, vì vậy chúng ta phải tập trung vào lợi ích chung của mình," ông Vương cho biết nhưng không xác định cụ thể các lực lượng bên ngoài này.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc chưa bao giờ muốn tiến hành chiến tranh lạnh," ông Vương Nghị nói. "Chúng tôi không để các quốc gia khác làm như vậy để thúc đẩy lợi ích riêng tư của họ, làm tổn hại đến lợi ích của các quốc gia khác".
Đối với Trung Quốc, chuyến công du châu Âu này là một phần trong nỗ lực rộng hơn để ổn định các mối quan hệ chính trên thế giới, đặc biệt khi Mỹ tìm cách ngăn Huawei Technologies không tham gia vào việc phát triển các dự án mạng 5G tại nhiều nước trên thế giới, điều chỉnh lại chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn các ứng dụng Trung Quốc như TikTok và WeChat truy cập dữ liệu của Mỹ. Trung Quốc gần đây đã giảm bớt lời lẽ chống lại Hoa Kỳ và cả hai bên trong tuần này đã tái khẳng định cam kết của họ đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Ngoài chuyến thăm của ông Vương Nghị đến châu Âu, các quan chức ngoại giao khác của Trung Quốc gần đây cũng đã thực hiện các chuyến đi đến Singapore và Hàn Quốc. Dương Khiết Trì, một ủy viên Quốc vụ, người giám sát các vấn đề đối ngoại của Trung Quốc, cũng thúc đẩy tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên trong năm nay giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, một đồng minh khác của Mỹ.
"Những gì Trung Quốc đang làm là giữ cho quan hệ với các nước khác bình thường và thể hiện bản thân theo cách khách quan hơn", Gao Zhikai, cựu nhà ngoại giao Trung Quốc và là phiên dịch viên cho cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, nói. "Khi có những sự bóp méo do Mỹ tạo ra, Trung Quốc có quyền đưa tình hình trở lại bình thường."
Ông Vương Nghị phát biểu tại Rome rằng ông muốn tăng cường hợp tác với các nước châu Âu trong việc chống lại đại dịch, cũng như "bảo vệ chủ nghĩa đa phương" và coi sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu Vành đai & Con đường của Trung Quốc là động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế với Italy. Công ty PipeChina và Snam SpA của Italy đã nhất trí về một dự án hợp tác đối với thị trường khí đốt Trung Quốc vào ngày ông Vương Nghị đến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Di Maio cho biết.
Các quan hệ chiến lược
Ý nghĩa chiến lược của châu Âu đối với Bắc Kinh đã tăng lên khi quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ xấu đi và ông Pompeo thì tìm cách xây dựng một khối các nước chống Trung Quốc, theo một nhà nghiên cứu giấu tên tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc trực thuộc chính phủ. Nhà nghiên cứu này cho biết, trong khi hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU trực tuyến vào tháng 6 không diễn ra suôn sẻ, Bắc Kinh nhận thấy mối quan hệ đang ấm lên khi châu Âu tìm cách phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Đầu tháng này, ông Pompeo đã có bài phát biểu trước Thượng viện Séc, trong đó ông nói rằng "sóng đã xoay chiều" chống lại Trung Quốc ở Mỹ và cũng đang bắt đầu ở châu Âu.
Ông nói: "Sự thống trị thế giới của Trung Quốc không phải là điều không thể tránh khỏi," ông nói cho biết thêm Mỹ đã loại bỏ "những kẻ trộm tài sản trí tuệ Trung Quốc" và trừng phạt "những kẻ vi phạm quyền con người trong chính phủ Trung Quốc".
Hôm thứ ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian ca ngợi mối quan hệ của Trung Quốc với Pháp, điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến công du của ông Vương Nghị ở châu Âu. Người phát ngôn này đề cập rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã có 4 cuộc điện đàm trong năm nay với người đồng cấp Emmanuel Macron.
Zhao nói: "Trung Quốc và Pháp đều là những quốc gia lớn trong Hội đồng Bảo an và cũng có truyền thống độc lập. "Chúng tôi phải tiếp tục thực hiện sự đồng thuận của hai người đứng đầu đất nước của chúng tôi."