Trung Quốc và bàn cờ ảnh hưởng tại lục địa Đen
Theo tờ The Economist, hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, bao gồm từ quần áo đến nồi chiên không dầu tràn ngập thị trường, đang thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ở châu Phi.

Khu phố Vịnh Camps, một trong bảy khu dân cư sang trọng, tập trung nhiều triệu phú nhất của Cape Town, còn được gọi là 'Prime 7'. Ảnh: Hồng Minh - p/v TTXVN
Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đạt 296 tỷ USD, trong đó giá trị hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang châu Phi lên tới 179 tỷ USD, vượt xa mức 117 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu ở chiều ngược lại. Một phần nguyên nhân của tình trạng này đến từ việc Bắc Kinh đẩy mạnh hỗ trợ các nhà máy trong nước nhằm kích thích nền kinh tế, qua đó thúc đẩy xuất khẩu sang châu Phi - dự kiến tăng 12% trong năm nay.
Trước thực trạng đó, nhiều quốc gia châu Phi lâu nay vẫn liên tục kêu gọi Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa của họ tiếp cận thị trường rộng lớn của nền kinh tế thứ hai thế giới. Vì vậy, thông báo hồi trung tuần tháng Sáu của Trung Quốc về việc sẽ miễn thuế nhập khẩu cho toàn bộ hàng hóa từ các nước châu Phi – trừ Eswatini– đã được các chính phủ châu Phi đón nhận như một tín hiệu tích cực.
The Economy cho rằng, mặc dù tác động tức thời của chính sách này có thể chưa đáng kể, song về dài hạn, nó có thể giúp các nền kinh tế châu Phi hòa nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phân mảnh.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng đầu của phần lớn các quốc gia châu Phi. Nếu như năm 2003, chỉ có 18/53 nước châu Phi giao thương với Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ, thì hiện tại, con số này là 52/54. Tuy nhiên, phần lớn trao đổi thương mại giữa hai bên vẫn chủ yếu là nguyên liệu thô – những mặt hàng vốn đã được miễn thuế từ trước ngày 12/6.
Hầu hết hàng xuất khẩu của châu Phi sang Trung Quốc đến từ ba quốc gia: Angola giàu dầu mỏ, Congo giàu khoáng sản và Nam Phi là trung tâm xuất khẩu khoáng sản. Mặc dù Bắc Kinh từng cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho các mặt hàng chế biến và nông sản từ châu Phi kể từ năm 2021, song trên thực tế, tỷ trọng của các nhóm hàng này trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc vẫn còn rất nhỏ.
Trong ngắn hạn, việc gỡ bỏ thuế quan có thể giúp một số ngành công nghiệp của châu Phi cải thiện tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ông Hasit Shah – nhà xuất khẩu trái bơ từ Kenya – cho biết mức thuế 7% hiện tại là một rào cản và việc miễn thuế “sẽ giúp chúng tôi cạnh tranh tốt hơn với trái cây từ Peru”, vốn đã được miễn thuế nhập khẩu khi vào thị trường Trung Quốc. Đại diện Hiệp hội Rượu vang Nam Phi, Maryna Calow cũng kỳ vọng động thái này sẽ giúp các sản phẩm trong nước đủ sức cạnh tranh với rượu vang từ Australia và Chile – hai nước đã được hưởng ưu đãi thuế từ lâu.
Tuy nhiên, giới chuyên gia bình luận, thuế quan không phải là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp châu Phi khi tiếp cận thị trường Trung Quốc. Ông Omar Bagersh – doanh nhân ngành cà phê – cho rằng trở ngại thực sự đến từ “vấn đề hậu cần và các nút thắt thể chế,” như quy định kiểm dịch thực vật hay thủ tục hành chính phức tạp.
Về lâu dài, châu Phi chỉ có thể tận dụng tối đa lợi ích nếu có thể sản xuất nhiều hơn những mặt hàng mà Trung Quốc thực sự cần. Bà Deborah Brautigam – chuyên gia tại Đại học Johns Hopkins – cho rằng chính sách miễn thuế có thể tạo ra chuyển biến rõ rệt “tại một số quốc gia có thu nhập trung bình đang có năng lực sản xuất cạnh tranh”. Đồng thời, điều này có thể khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các khu công nghiệp do chính họ xây dựng ở châu Phi – không chỉ để phục vụ thị trường sở tại mà còn hướng đến xuất khẩu ngược trở về Trung Quốc. Tuy vậy, ông Carlos Lopes – chuyên gia tại Đại học Cape Town – nhấn mạnh cần có “một bộ chính sách có chủ đích hơn” để thực sự gắn kết châu Phi vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, các nước châu Phi sẽ không từ bỏ Mỹ. Từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn thi hành các mức thuế đối ứng mới (được công bố ngày 2/4), nhiều chính phủ châu Phi đã nỗ lực tìm cách làm dịu quan hệ với Washington. Trước hết, họ trải thảm đỏ cho các tập đoàn Mỹ, đặc biệt là Starlink – công ty cung cấp Internet vệ tinh của tỷ phú Elon Musk. Congo đã ký thỏa thuận với Starlink hồi tháng 5/2025. Lesotho – quốc gia bị áp thuế tới 50% – cũng đã mở cửa thị trường.
Tiếp theo là lĩnh vực khai khoáng: Madagascar đang chào mời dự án khai thác uranium; Nam Phi thảo luận với giới chức Mỹ về crom; Congo mở cửa cho đầu tư vào mỏ lithium; trong khi Namibia chào đón vốn của Mỹ vào ngành đất hiếm.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trung-quoc-va-ban-co-anh-huong-tai-luc-dia-den/378933.html