Thiếu một nửa không cân, thiếu một phần không vững

Mỗi khi công ty thưởng cho nhân viên bằng tiền hoặc vật chất, thì nhân viên mặt mũi tỏa hào quang, lao động hăng say ra trò. Nhân viên hò reo, 'Đấy, vật chất quyết định ý thức'. Câu này tự dưng trở thành câu cửa miệng ở mức 'quốc dân'.

Nhất là thời bao cấp, người lao động muốn có thêm đồng ra đồng vào không phải dễ nên câu này bị hiểu “méo” hết cả nghĩa. Thậm chí trong vở “Tôi và chúng ta” của kịch tác gia Lưu Quang Vũ thì câu này được đưa vào dễ gây hiểu lầm. Vật chất và ý thức được dân gian hóa và được hiểu rằng vật chất tương đương với tiền của, còn ý thức chỉ là tinh thần lao động. Có tiền thì làm vui vẻ, không tiền thì làm chiếu lệ. Cách nói rút gọn này có thể chấp nhận vui trên sân khấu hài hoặc khi chém gió trà dư tửu hậu thì được. Nhưng nếu hiểu đúng như vậy thì sẽ gây hiểu lầm tai hại, rất nguy hiểm.

“Vật chất quyết định ý thức" là một nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng, một trường phái triết học do K. Marx và F. Engels sáng lập, sau này được V. Lenin phát triển và ứng dụng thành công với Cách mạng Tháng Mười. Đây là một nguyên lý quan trọng trong triết học Mác - Lênin, đặc biệt trong việc hiểu mối quan hệ giữa tồn tại khách quan và tư duy con người. Vật chất ở đây là thuộc phạm trù triết học chứ không phải những khái niệm thô thiển như tiền bạc, của cải.

Khi hiểu sai sẽ dẫn đến những tư duy cực đoan, hiểu sai giá trị lao động và thậm chí hiểu sai phẩm giá con người. Với cách hiểu thô hiển như vậy sẽ không hiểu vì sao có những người lao động cống hiến quên mình, nhà trí thức hy sinh mọi nguồn lực cá nhân, những chiến sĩ sẵn sàng tham gia đơn vị cảm tử.

Có những nhà quản lý khi thành công vẫn e dè việc thăng thưởng cho nhân viên. Lại có những nhà quản lý luôn kích hoạt nhân lực bằng tiền bạc. Cũng có những nhà quản lý thành công lớn nhờ việc hào phóng với quân sĩ. Thí dụ kinh điển trong cổ sử Trung Hoa khi so sánh hai kỳ phùng địch thủ là Lưu Bang và Hạng Vũ. Theo Tư Mã sử gia kể rằng, Hạng Vũ thường nói lời nhân nghĩa, lại ân cần hỏi han binh sĩ, nhưng khi họ lập được công, Hạng Vũ không chịu phong thưởng, chỉ giữ chặt ấn tín trong tay đến mòn cả góc, khiến sĩ tốt chán nản. Trong khi đó, Hán Vương Lưu Bang dù khinh người, nhưng nếu quân tướng thắng trận, đoạt thành, sẽ được thưởng lớn, được phong tước, chia đất đai nên những anh tài đều theo Lưu Bang cả.

Khi thành hoàng đế, Lưu Bang cho phép tả hữu đánh giá thoải mái, thì Hàn Tín nói, “Bệ hạ tuy khinh người. Nhưng hễ sai người đánh chiếm được thành trì, thu phục được vùng đất nào thì đều chia cho họ cai quản, cùng hưởng lợi với thiên hạ. Vì thế mà người tài trong thiên hạ đều về với Hán vương cả”.

Cách quản lý kiểu Lưu Bang thì bổng lộc không chỉ là của cải mà là một thái độ trân quý công lao sĩ tốt. Sau này có một tập đoàn công nghệ của Việt Nam cũng có một câu nói gây sốc: “Từ khi phát minh ra tiền, người ta không cần nói lời cảm ơn nữa”. Có thể hiểu một cách tích cực rằng, hỡi ngài quản lý, ngài hãy trả công xứng đáng đi! Ngài sẽ không cần phải cảm ơn.

Các nhà khoa học thử trí thông minh của thú rừng. Họ nuôi, huấn luyện một số thú rừng và thấy khả năng hiểu và làm theo của thú rừng luôn ở mức đáng kinh ngạc. Khi họ dừng cho ăn thì những con thú này không theo lệnh nữa và lạnh nhạt như chưa từng quen biết. Nhưng thú nuôi thì dù đói dù no, vẫn luôn quấn quýt cùng người chủ.

Ngày trước hay hỏi nhau anh chị làm cơ quan nào; nay thôi, vì năm nay tập đoàn này, năm sau đã công ty khác, không biết đằng nào mà lần. Gần đây, việc tuyển nhân sự của mọi đơn vị đều khó khăn bởi nhân viên 9X, Gen Z nhảy việc đều đều. Ở đâu trả lương cao hơn là họ nhảy việc. Với 9X thì khoảng 77% có ý định nhảy việc. Trung bình cứ từ 2 tới 4 năm nhảy việc một lần. Những người trẻ thường nghĩ tới cá nhân nhiều hơn là cùng ghé vai đẩy một con thuyền tập thể vượt qua sóng gió. Những nhân lực thế hệ Gen Z tập trung vào giá trị bản thân, tự do nên khó yêu cầu họ chung thủy cùng một gia đình nào. 96% có ý định nhảy việc rơi vào độ tuổi 18 - 24 tuổi. Với Gen Z thì 62% rời bỏ việc trong năm đầu tiên và nhiều người nhảy việc nhiều lần trong một năm.

Một câu nói thường nghe “lợi ích là mãi mãi” được nhiều người tâm đắc nhưng thực ra chỉ đúng một nửa. Chỉ tôn thờ lợi ích cực đoan sẽ làm cho các giá trị trung thành bị rung chuyển. Những giá trị có ý nghĩa lớn về đạo đức, danh dự, lòng trung thành và hy sinh không thể đo đếm mới đảm bảo cho xã hội vững vàng.

Câu chuyện lợi ích và đạo đức, thành thật mà nói, thiếu một nửa không cân, thiếu một phần không vững.

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/thieu-mot-nua-khong-can-thieu-mot-phan-khong-vung-i773114/