Trung Quốc và 'bộ ba hiểm họa' suy giảm tăng trưởng
Tỷ lệ tăng trưởng 6,2% trong quý II/2019 của Trung Quốc là tốc độ chậm nhất kể từ khi nước này bắt đầu báo cáo số liệu hàng quý. Mức ước tính sơ bộ quý II/2019 chỉ từ 6-6,5%.
Mặc dù các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ được nối lại sau hai tháng gián đoạn, nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với rắc rối từ một số lĩnh vực khác, tờ Business Insider dẫn lời nhà kinh tế trưởng Richard Koo của Viện Nghiên cứu Nomura viết trong một báo cáo được công bố mới đây. Nomura là Viện nghiên cứu kinh tế và tư vấn quản trị lớn nhất Nhật Bản.
Một phần lớn sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đến từ khả năng cung cấp lao động rẻ hơn so với các quốc gia công nghiệp khác ở quy mô lớn. Một “bộ ba hiểm họa các yếu tố làm suy giảm tăng trưởng” có thể loại bỏ lợi thế sản xuất này của Trung Quốc và chuyển các khoản đầu tư nước ngoài quan trọng sang nơi khác, ông Koo viết. Dưới đây là ba mối đe dọa chính mà chuyên gia Koo đưa ra.
Bẫy thu nhập trung bình
Khi sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã làm tăng “cơn thủy triều kinh tế” cho gần 1,4 tỷ công dân của họ, tiền lương cũng tăng lên. “Cái bẫy thu nhập trung bình” này gây nguy hiểm cho thị trường lao động chi phí thấp của đất nước, khi lợi ích sản xuất rời khỏi Trung Quốc đến các quốc gia đòi hỏi ít chi phí hơn, ông Koo nói.
Ở mức lương hiện tại, tỷ lệ hoàn vốn của các nhà sản xuất của Trung Quốc gần bằng mức được thấy ở các quốc gia sản xuất mới nổi như Việt Nam, Bangladesh. Cuộc chiến tranh thương mại tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm cuộc di cư này và mang lại “những tác động tiêu cực rất lớn cho Trung Quốc”. “Điều đó, cùng với những rào cản mà các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất tại Mỹ và các thị trường khác phải đối mặt, cho thấy sự suy giảm đáng kể về đầu tư trong nước có thể sẽ tiếp diễn”, ông Koo viết.
Dân số sẽ sớm tụt giảm
Dữ liệu nhân khẩu học cho thấy, dân số làm việc của Trung Quốc bị thu hẹp vào đầu những năm 2010, và theo chuyên gia Koo, xu hướng này dự báo sự sụt giảm dân số ròng bắt đầu ngay từ năm 2032.
Sự kết hợp giữa một cái bẫy thu nhập trung bình và sự suy giảm dân số thấp thoáng là “cực kỳ hiếm” đối với một quốc gia có sức mạnh kinh tế như Trung Quốc. “Chỉ riêng hai yếu tố này sẽ đặt ra một thách thức khó khăn cho bất kỳ quốc gia nào”, chuyên gia Koo phân tích.
Chỉ 13 năm trước, khi dự báo tăng trưởng tụt giảm bắt đầu, quốc gia này nên tập trung vào phát triển tài sản trí tuệ của riêng mình và xoay trục khỏi việc đóng vai trò là “công xưởng của thế giới”, ông Koo nói thêm.
Chiến tranh thương mại
Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bước sang năm thứ hai và ngoài việc trì hoãn đánh thuế, cam kết tiếp tục đàm phán, đã không có nhiều tiến triển hướng đến việc giải quyết tranh chấp.
Theo ông Koo, Trung Quốc có thể đã quá nhanh chóng xoay trục từ đầu tư nước ngoài sang đổi mới trong nước với kế hoạch Made in China 2025, và cuộc chiến thương mại có thể gây tổn hại cho các ngành sản xuất vốn lâu nay đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. “Nền kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài, không chỉ về bí quyết sản xuất mà còn về tiếp thị và bán hàng ở nước ngoài. Do vậy, chính quyền nên đối xử với vốn nước ngoài tốt hơn so với họ đã làm”, chuyên gia của Nomura viết.
Nếu nước này hy vọng sẽ phục hồi và duy trì đầu tư nước ngoài, họ sẽ phải đi đến thỏa thuận thương mại với Tổng thống Donald Trump trước cuộc bầu cử năm 2020, ông Koo nói.