Trung Quốc và Mỹ đưa tàu chiến vào vùng biển tranh chấp

Trung Quốc và Mỹ đã điều tàu sân bay vào vùng biển gây tranh cãi ở Biển Đông, mở ra cuộc tranh giành hải phận mới nhất giữa các đối thủ chiến lược vào thời điểm căng thẳng gia tăng trong khu vực.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở eo biển Miyako. Ảnh: AP

Bài liên quan

Tàu sân bay Trung Quốc và 5 tàu chiến đi qua Okinawa ra Thái Bình Dương

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines: Trung Quốc muốn chiếm nhiều Biển Đông hơn

Trung Quốc và Hàn Quốc cam kết hợp tác phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

Chính sách ngoại giao ASEAN của Trung Quốc đẩy lùi sự 'bao vây' của Mỹ

Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện hải quân của 2 nước ở Ấn Độ-Thái Bình Dương đồng thời làm nổi bật nguy cơ xung đột quân sự giữa các cường quốc, khi Bắc Kinh tăng cường khẳng định các yêu sách hàng hải của họ trong khu vực, còn Washington tập trung chiến lược phòng thủ vào việc chống lại Bắc Kinh.

Căng thẳng diễn ra trong bối cảnh tranh chấp ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Manila về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc mà Philippines nói là lực lượng dân binh nhưng Trung Quốc nói là tàu đánh cá ở rặng san hô Whitsun ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines hôm thứ Hai (5/4) cho biết tuyên bố của Trung Quốc rằng các tàu thuyền đang trú ẩn khỏi thời tiết xấu là "sai sự thật trắng trợn, cùng với đó là các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines". Biển Tây Philippines là cách Philippines nói về Biển Đông.

Manila cũng bác bỏ khẳng định của Bắc Kinh rằng bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp là ngư trường truyền thống của Trung Quốc và một lần nữa yêu cầu các tàu thuyền rời khỏi khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ ngay lập tức.

“Với mỗi ngày trì hoãn, Cộng hòa Philippines sẽ đệ đơn phản đối ngoại giao”, tuyên bố cho biết.

Mỹ, Nhật Bản và Indonesia cũng tăng cường sức ép lên Trung Quốc về tranh chấp vào tuần trước. Hôm Chủ nhật (4/4), một nhóm tấn công hàng không mẫu hạm của Mỹ do tàu USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông từ eo biển Malacca, theo trích xuất thông tin vệ tinh của CSSSPI.

Tổ chức này cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin cũng đang hoạt động ở Biển Hoa Đông và tiến sát sông Dương Tử của Trung Quốc vào hôm thứ Bảy (3/4).

Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako ngoài khơi phía Tây Nam Nhật Bản cũng vào thứ Bảy, vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc thúc giục Nhật Bản “dừng mọi động thái khiêu khích” đối với quần đảo Điếu Ngư đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông, mà Tokyo gọi là Senkaku.

Tokyo đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về luật tuần duyên mới của Trung Quốc khi cho phép lực lượng bán quân sự của họ sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài bị coi là xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển Trung Quốc, cũng như lo ngại về sự hiện diện gia tăng của lực lượng tuần duyên Trung Quốc ở vùng biển gần các đảo tranh chấp.

Căng thẳng ở eo Biển Đài Loan gia tăng

Căng thẳng khu vực cũng gia tăng liên quan đến Đài Loan khi Bắc Kinh đã tăng cường các chiến thuật chiến tranh “vùng xám” trong những tháng gần đây.

10 máy bay chiến đấu của Quân đội Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không phía Tây Nam của Đài Loan vào thứ Hai (5/4), sau khi máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc bay gần hòn đảo này vào hai ngày cuối tuần (3/4 và 4/4), Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết.

Mỹ cũng đã tiến hành một loạt cuộc tập trận với các đồng minh trong khu vực vào tuần trước, bao gồm với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, với Australia ở phía đông Thái Bình Dương và với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Ông Ben Schreer, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Macquarie ở Sydney, cho biết việc tàu sân bay Mỹ đi qua Biển Đông nhằm chống lại các tuyên bố rộng lớn của Bắc Kinh đối với vùng biển này và báo hiệu cho các đồng minh, chẳng hạn như Philippines, rằng Washington là một "đồng minh hiệp ước đáng tin cậy và có khả năng”.

Đồng thời, cuộc tuần tra của tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Hoa Đông đã tìm cách thể hiện tham vọng của Bắc Kinh trong việc sử dụng nhóm tàu sân bay để bảo vệ những gì họ coi là lợi ích lãnh thổ cốt lõi của mình, ông nhận định.

Ông nói rằng: “Đó là một tín hiệu cho Nhật Bản, Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực rằng hải quân Trung Quốc đang dần phát triển các khả năng tác chiến tàu sân bay, mặc dù hiện tại họ vẫn chưa đạt được điều này”.

Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết Washington đang phát đi tín hiệu cam kết duy trì sự hiện diện quân sự đáng tin cậy trong khu vực với các đồng minh và tìm cách ngăn cản “bất kỳ hành động quyết liệt nào” Bắc Kinh tại rặng san hô Whitsun.

Ông nói, Mỹ cũng đã thực hiện các cuộc tập trận hải quân khi cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Malaysia ở Biển Đông diễn ra vào năm ngoái. Ông Koh cho biết các hoạt động của Hải quân Trung Quốc trong khu vực, bao gồm việc quá cảnh mới nhất ở eo biển Miyako, là hành động khẳng định “khả năng hoạt động chống lại rào cản của Mỹ đối với các lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.

Ông nói: “Sự hiện diện liên tục và dày đặc trong các vùng biển trong khu vực đang đặt ra lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc đụng độ ngẫu nhiên hoặc không cố ý".

Ông Xue Chen, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, lặp lại quan điểm đó, nói rằng có nguy cơ xảy ra lỗi do con người trong "các tình huống căng thẳng cao" và lưu ý rằng lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ đã tăng tần suất và quy mô hoạt động của họ ở biển Đông và Nam Trung Quốc và đang tiến gần hơn đến lãnh thổ Trung Quốc.

Ông nói rằng sự hiện diện của tàu USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông dường như là một thông điệp gửi đến Trung Quốc nhưng ông không tin rằng điều có liên quan đến tranh chấp rặng san hô Whitsun.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-va-my-dua-tau-chien-vao-vung-bien-tranh-chap-post126685.html