Trung Quốc và Nga đang lập liên minh 4 nước đối trọng với Bộ Tứ (Quad) của Mỹ?

Các chuyên gia cho rằng sau khi cuộc khủng hoảng Afghanistan nổ ra, một cơ chế 'New Quad' (Bộ tứ mới) do Bắc Kinh và Moscow chủ đạo đang hình thành để đối phó với Bộ Tứ (Quad) của Washington.

 Tàu chiến của 4 nước trong Cơ chế Bộ Tứ tiến hành tập trận Malabar 2021 ở gần Guam (Ảnh: Indian Express)

Tàu chiến của 4 nước trong Cơ chế Bộ Tứ tiến hành tập trận Malabar 2021 ở gần Guam (Ảnh: Indian Express)

Bốn quốc gia thuộc "Cơ chế Đối thoại An ninh Bộ Tứ" (Quad) do Mỹ chủ đạo đã tổ chức “Malabar 2021 Naval Exercise” (Cuộc tập trận trên biển Malabar-2021) từ ngày 26 đến 29/8. Quân đội Mỹ tuyên bố, cuộc tập trận chung này thể hiện nỗ lực của các nước cùng chí hướng nhằm duy trì một trật tự trên biển dựa trên luật lệ.

Tuyên bố này của quân đội Mỹ thường được giới truyền thông coi là bốn quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia sẽ áp dụng các hành động chung để cùng nhau ứng phó với mối đe dọa an ninh của Trung Quốc trong khu vực. Bốn quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia thường cùng hành động ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tạo ra một cơ chế hợp tác để “cùng nhau duy trì an ninh và ổn định khu vực và ngăn chặn các thế lực xấu”.

Truyền thông Ấn Độ đưa tin Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản bắt đầu cuộc tập trận hải quân Malabar "high-voltage” (điện áp cao) ngoài khơi đảo Guam từ thứ Năm (26/8) “vào lúc cả thế giới đang ngày càng quan tâm đến sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Tháng 12/2019, tàu khu trục Tây Ninh của Trung Quốc cùng các tàu của Nga và Iran tập trận chung ở Ấn Độ Dương và Vịnh Oman (Ảnh: AFP).

Kể từ khi thành lập cơ chế "Bộ tứ", Ấn Độ luôn được các nhà phân tích coi là thành viên im lặng và ít quan trọng nhất trong 4 nước; và phía Ấn Độ dường như tỏ ra rất nhiệt thành về cuộc tập trận chung trên biển này của 4 nước.

Tiến sĩ Timothy R. Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết việc Ấn Độ tham gia cuộc tập trận Malabar năm nay với một số tàu chiến, điều này cho thấy cơ chế “Bộ Tứ” (Quad) có xu hướng hợp tác chặt chẽ hơn giữa các thành viên.

Ông Heath nói: “Kể từ sau cuộc xung đột gây chết người ở biên giới Trung-Ấn đến nay, New Delhi đã bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên trong nhóm Đối thoại Bộ Tứ để ngăn chặn sự xâm lược hơn nữa của Trung Quốc”.

Ngoại trưởng các nước Bộ Tứ họp tại Tokyo tháng 7/2020 (Ảnh: Reuters).

Cơ chế "Bộ Tứ mới" gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Pakistan đang hình thành

Rajeev Agarwal, một chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng ở Ấn Độ, mới đây đưa ra quan điểm cho rằng sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, Ấn Độ lo ngại vì phải đối phó với một liên minh “New Quad” (Bộ Tứ mới) do Trung Quốc và Nga chủ đạo có thể đang hình thành.

Ông Rajeev Agarwal đã viết trên tờ The Times of India ra ngày 22/8 rằng Afghanistan bị Pakistan thù địch, Trung Quốc hiếu chiến và Iran không chắc chắn bao vây, và Ấn Độ cũng phải luôn cảnh giác về diễn biến của tình hình. Nga đối với Ấn Độ có thể được coi là một đồng minh đáng tin cậy vì có mối quan hệ lâu đời và truyền thống cũng như thiện chí quân sự và ngoại giao của nước này.

Ông viết: “Tuy nhiên, đừng quên rằng hồi tháng 3 năm nay và gần đây nhất là vào tháng 8, Nga đã không đồng ý cho phép Ấn Độ tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan”.

Các nhà phân tích quân sự được VOA phỏng vấn cho rằng với những diễn biến mới nhất của tình hình hiện nay ở Afghanistan và quan hệ địa chính trị giữa Trung Quốc và Nga trong khu vực, cấu trúc “Bộ Tứ mới” theo giới phân tích Ấn Độ thì không phải là không thể.

Tiến sĩ Richard Weitz, sự hình thành "Bộ Tứ mới" đã bắt đầu xuất hiện... (Ảnh: TA).

Tiến sĩ Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị và Quân sự tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn của Washington cho rằng Nga và Trung Quốc lâu nay đã hợp tác sâu rộng trong nhiều vấn đề, trong đó có Afghanistan. Trong tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm về vấn đề này. Tehran cũng mong muốn hợp tác với Bắc Kinh và Moscow về vấn đề Afghanistan.

Ông Weitz cho rằng sự hình thành của "Bộ Tứ mới" đã bắt đầu xuất hiện ở một mức độ nào đó. Ông phân tích nói, mặc dù mối quan hệ của Pakistan với Trung Quốc rất tốt, nhưng mối quan hệ của Islamabad với Moscow lại rất tồi tệ. Trong những năm 1980, Pakistan đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc hỗ trợ lực lượng nổi dậy Afghanistan chống Liên Xô. Trong những năm 1990, các nhà phân tích Nga gọi Pakistan là “quốc gia thất bại” và lo ngại vũ khí hạt nhân của nước này có thể rơi vào tầm kiểm soát của những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan.

"Nhưng trong vài năm trở lại đây, quan hệ song phương giữa Nga và Pakistan đã được cải thiện: họ thậm chí còn tổ chức một số cuộc tập trận chung. Do đó, nếu một cơ chế 4 nước gồm Trung Quốc, Nga, Iran và Pakistan được hình thành thì cũng là điều hợp lý”, Richard Weitz nói.

Một số nhà phân tích quân sự cũng cho rằng do sự phức tạp và bất đồng trong quan hệ giữa 4 nước Trung Quốc, Nga, Iran và Pakistan, e rằng khó có thể hình thành một mối quan hệ như cơ chế "đối thoại Bộ Tứ" như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Tiến sĩ Timothy Heath ở RAND cho rằng "New Quad" sẽ là một liên minh lỏng lẻo (Ảnh: usnews).

Tiến sĩ Timothy R. Heath, nhà phân tích quân sự cấp cao tại RAND Corporation, cho rằng Trung Quốc, Pakistan, Iran và Nga đúng là có một số điểm bất bình chung với Mỹ và các nước phương Tây; nhưng sự bất đồng giữa họ cũng rất lớn. Họ không chia sẻ các giá trị hoặc tầm nhìn chung giống như Mỹ và các đối tác trong Bộ Tứ (Quad), tức là cùng cam kết quản trị dân chủ và một trật tự dựa trên quy tắc.

Ông Heath cho rằng ngay cả khi Trung Quốc, Nga, Iran và Pakistan hình thành nên cái gọi là cơ chế "New Quad" mà các học giả Ấn Độ lo ngại, thì "cả hai cũng đều là các nhóm không chính thức, nhưng Cơ chế đối thoại bốn bên (Quad) của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia đã cho thấy rằng chính phủ 4 nước có bằng chứng về sự hợp tác toàn diện và tăng cường khả năng tương tác quân sự thực sự trong một loạt vấn đề. Còn cái gọi là bốn nước Trung Quốc, Nga, Iran và Pakistan (CRIP) đã không cho thấy bất cứ điều gì gần với loại hình hợp tác liên chính phủ cả.

Tàu hải quân các nước Bộ Tứ tham gia cuộc tập trận Malabar-2021 (Ảnh: IT).

Liệu việc chống Trung Quốc bằng cơ chế “Bộ Tứ” của Mỹ có đạt hiệu quả?

Kể từ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, Washington luôn hy vọng sẽ phát triển cơ chế "Bộ Tứ" (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia thành một liên minh có thể chống lại Trung Quốc hiệu quả. Tuy nhiên, giới phân tích nhìn chung không có cái nhìn sáng sủa cho lắm về điều này. Mặt khác, Bắc Kinh luôn giữ thái độ cảnh giác và ăn miếng trả miếng trước ý định này của Washington.

Hai ngày trước cuộc tập trận quân sự chung trên biển Malabar - 2021 của 4 nước do Mỹ chủ đạo gần bờ biển Guam, quân đội Trung Quốc ngày 24/8 đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận bắn đạn thật ở phía nam Biển Đông gần tỉnh Quảng Đông và bờ biển đông bắc Liêu Ninh, trên vùng biển Hoàng Hải và Bột Hải.

Tiến sĩ Richard Weitz, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị và Quân sự tại Viện Hudson, cho rằng chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng gần đây của Bắc Kinh có thể khiến nỗ lực của Washington chống lại Bắc Kinh dễ giành được sự ủng hộ từ các nước khác.

"Do đó, Mỹ có thể sử dụng cơ chế “Bộ Tứ” để nhằm vào Trung Quốc dễ dàng hơn trước đây; tất nhiên, chủ yếu trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế, chứ không phải các vấn đề quân sự. Mặc dù vậy, cơ chế bộ Tứ có thể không đủ để thúc đẩy Bắc Kinh ngừng gây áp lực với các nước thành viên trong cơ chế Quad”, Weitz nói.

Tiến sĩ Timothy R. Heath, nhà phân tích quân sự cấp cao tại RAND Corporation, cho rằng mặc dù các nước trong cơ chế đối thoại 4 bên Quad thực sự lo lắng về tính chất xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc, nhưng cũng có một số khác biệt giữa các quốc gia thành viên. Mỗi nước thành viên của Bộ tứ đều có quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc, và họ không muốn gây nguy hại cho những mối quan hệ kinh tế này. Ngoài ra, mức độ nhất trí giữa các nước thành viên Bộ tứ trong một số vấn đề cũng không nên được phóng đại quá mức.

Cơ chế đối thoại Quad ngày càng chặt chẽ. Trong ảnh: nguyên thủ 4 quốc gia thành viên tổ chức hội nghị cấp cao trực tuyến tháng 3/2021 (Ảnh: AP).

"Ví dụ, hiện không rõ Ấn Độ có muốn cam kết giúp Nhật Bản đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) đến mức nào; cũng như không rõ mức độ cam kết của Australia đối với cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc”, ông Heath nói.

Theo quan điểm của Timothy R. Heath, cơ chế đối thoại 4 bên không phải là "NATO châu Á" vì nó không phải là một tổ chức chính thức, vì vậy các quốc gia thành viên không bắt buộc làm giống như "NATO" yêu cầu khi một quốc gia thành viên đối đầu hoặc xung đột với Trung Quốc, các nước thành viên khác có nghĩa vụ hỗ trợ trong việc bảo vệ các quốc gia đối tác. Cơ chế "Quad" hiện nay vẫn là một nhóm không chính thức và được tổ chức lỏng lẻo.

Timothy R. Heath nói: "Một trong những khía cạnh giá trị nhất của cơ chế Bộ Tứ (Quad) là, nếu Bắc Kinh tiếp tục đe dọa, nó có thể phát triển thành một liên minh chính thức. Trung Quốc cần tôn trọng khả năng này. Một khía cạnh có giá trị khác của cơ chế Bộ Tứ là tổ chức này sẽ trở thành một trung tâm của các nỗ lực hợp tác quốc tế, khuyến khích Trung Quốc cân nhắc tuân theo 'trật tự dựa trên quy tắc' do Mỹ thúc đẩy, chứ không phải cố gắng áp đặt một trật tự do Trung Quốc chủ đạo".

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/trung-quoc-va-nga-dang-lap-lien-minh-4-nuoc-doi-trong-voi-bo-tu-quad-cua-my-post149958.html