Trung Quốc và Pháp phóng vệ tinh thiên văn quan sát các vụ nổ tia gamma

Ngày 22/6, Trung Quốc đã phóng một vệ tinh thiên văn là công trình phối hợp giữa các nhà khoa học Trung Quốc và Pháp, để quan sát các vụ nổ tia gamma ở những nơi xa nhất của vũ trụ.

Vệ tinh giám sát vật thể biến thiên đa băng tần (SVOM) trên không gian được phóng bằng tên lửa Trường Chinh-2C. Ảnh: Xinhua

Vệ tinh giám sát vật thể biến thiên đa băng tần (SVOM) trên không gian được phóng bằng tên lửa Trường Chinh-2C. Ảnh: Xinhua

Theo Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc, vệ tinh giám sát vật thể biến thiên đa băng tần (SVOM) trên không gian, được phóng bằng tên lửa Trường Chinh-2C từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Vệ tinh nặng hơn 900kg được lắp đặt 4 thiết bị khoa học, trong đó có 2 thiết bị do Trung Quốc phát triển và 2 thiết bị do Pháp phát triển. Các thiết bị này có trường quan sát rộng và có độ chính xác cao.

Wei Jianyan, làm việc tại Đài quan sát thiên văn quốc gia của Viện Khoa học Trung Quốc và là một trong những nhà nghiên cứu chính của dự án SVOM, cho biết nhóm mong đợi một số khám phá quan trọng, như những vụ nổ tia gamma sớm nhất xảy ra khi vũ trụ vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, giúp nghiên cứu sự tiến hóa của vũ trụ. Mục tiêu khoa học chính của SVOM bao gồm tìm kiếm và định vị nhanh chóng các vụ nổ tia gamma khác nhau, đo đạc và nghiên cứu toàn diện các đặc tính bức xạ điện từ của các vụ nổ này, nghiên cứu năng lượng tối và sự tiến hóa của vũ trụ thông qua các vụ nổ này và quan sát các tín hiệu điện từ liên quan đến lực hấp dẫn.

Bertrand Cordier, nhà nghiên cứu chính người Pháp của dự án SVOM, làm việc tại Ủy ban Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế Pháp, cho biết bằng cách sử dụng các vụ nổ tia gamma làm công cụ để quan sát vũ trụ sơ khai, sẽ giúp quan sát được những ngôi sao đầu tiên và đây cũng là cách duy nhất để có được thông tin về vũ trụ từ thời xa xưa.

Khi lên quỹ đạo cách Trái Đất 625 km, vệ tinh sẽ gửi dữ liệu về các đài quan sát. Thách thức chính là các vụ nổ tia gamma diễn ra cực kỳ ngắn, khiến các nhà khoa học phải thao tác rất nhanh để có thể kịp thời thu thập thông tin. Sau khi phát hiện vụ nổ tia gamma, SVOM sẽ gửi cảnh báo đến các đài quan sát nơi sẽ luôn có các đội ngũ trực 24/24 giờ. Trong vòng khoảng 5 phút, các đội sẽ phải thiết lập lại một mạng lưới kính thiên văn trên mặt đất thẳng hàng chính xác với trục của nguồn vụ nổ để thực hiện các quan sát chi tiết hơn.

Theo giới chuyên gia, dù không phải dự án độc nhất nhưng SVOM vẫn có ý nghĩa trong bối cảnh hợp tác không gian giữa Trung Quốc và phương Tây. Năm 2018, Trung Quốc và Pháp cũng đã cùng phóng CFOSAT, vệ tinh hải dương học chủ yếu được sử dụng trong khí tượng biển. Một số nước châu Âu đã tham gia chương trình thám hiểm Mặt Trăng Thường Nga của Trung Quốc.

Lê Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trung-quoc-va-phap-phong-ve-tinh-thien-van-quan-sat-cac-vu-no-tia-gamma-20240622171110867.htm