Trung Quốc và phương Tây cạnh tranh trong các siêu dự án ở Ai Cập

Trung Quốc đang tham gia cuộc đua với các đối thủ quốc tế trong trào lưu bùng nổ các siêu dự án và phát triển cơ sở hạ tầng ở Ai Cập. Điều này dựa trên chiến lược của Tổng thống Abdel Fatah el-Sisi về hiện đại hóa và chuyển đổi ở quốc gia đông dân nhất Trung Đông.

“Ai Cập luôn yêu thích các siêu dự án. Chính phủ đã và đang xây dựng các liên minh thông qua việc ký kết thỏa thuận kinh tế với nhiều quốc gia trong vài năm qua. Vì thế không thiếu các dự án ra đời” - ông Mohamed el-Dahshan, người sáng lập Công ty phát triển quốc tế OXCAN nhận định. Tháng 1-2021, Chính phủ Ai Cập đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Siemens (Đức) về việc xây dựng tuyến tàu điện cao tốc trị giá 23 tỷ USD. Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của đất nước hiện đang được xây dựng ở thành phố El Dabaa ven biển Địa Trung Hải do Công ty hạt nhân Rosatom (Nga) đứng đầu. Ngay cả kho báu khảo cổ của Ai Cập cũng bị cuốn vào trào lưu này. Công ty xây dựng quốc tế Besix (Bỉ) đang hợp tác với một công ty Ai Cập để xây dựng Bảo tàng Grand Ai Cập ở Giza. Đây sẽ là bảo tàng lớn nhất thế giới khi nó mở cửa vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, ví dụ sinh động nhất về sự thay đổi của Ai Cập nằm ở 35km về phía Đông của Thủ đô Cairo, nơi chính phủ đang xây dựng một siêu đô thị đủ sức chứa cho cả nội các với 29 bộ và hơn 5 triệu cư dân. Mặc dù Trung Quốc không phải là nước duy nhất tham gia vào việc xây dựng thủ đô hành chính mới, nhưng đây lại là một trong những nước tham gia được đánh giá cao nhất. Các ngân hàng Trung Quốc đang tài trợ khoảng 85% cho dự án trị giá 3 tỷ USD, bao gồm 20 tòa tháp. Một trong số đó, khi hoàn thành cao 385m sẽ là tòa nhà cao nhất ở châu Phi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tại Bắc Kinh tháng 4-2019

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tại Bắc Kinh tháng 4-2019

Sức hút Ai Cập trong mắt nhà đầu tư Trung Quốc

Bà Lucille Greer - một học giả về Trung Quốc và Trung Đông tại Trung tâm Wilson (Washington, Mỹ) nói với hãng Al Jazeera rằng: “Trung Quốc chỉ là người mới đến. Sự ổn định của Ai Cập và những nỗ lực gần đây của chính phủ làm cho quốc gia này trở nên hấp dẫn đầu tư nước ngoài hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Điều đó đã thu hút Trung Quốc”.

Ai Cập là một quốc gia quan trọng nằm dọc theo sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Lý do là bởi nó có vị trí địa lý quan trọng, nằm ở giao điểm của 3 nền văn minh Ảrập, Địa Trung Hải và châu Phi. “Ai Cập là trung tâm chính sách Trung Đông của Trung Quốc, đặc biệt là về chính trị và kinh tế” - Giáo sư Degang Sun tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) nhận xét.

“Quy mô thị trường của Ai Cập chắc chắn hấp dẫn đối với Trung Quốc. Trong khi đó, sự ổn định tương đối và môi trường đầu tư thân thiện với các đối tác quốc tế khiến nước này trở thành điểm đến đầu tư thiết yếu của Trung Quốc” - ông Chuchu Zhang, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Phúc Đán cũng đồng quan điểm.

Ở cấp độ chính trị, mối quan hệ của Trung Quốc và Ai Cập đã đi qua một chặng đường dài. Dưới thời nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa Gamal Abdel Nasser, Ai Cập là quốc gia Trung Đông và châu Phi đầu tiên công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1956. Mối quan hệ lịch sử đó đã được nuôi dưỡng dưới thời Tổng thống Abdel Fatah el-Sisi. Kể từ khi trở thành Tổng thống vào năm 2014, ông đã 6 lần đến Bắc Kinh. Ai Cập cũng là nước nhận đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lớn nhất châu Phi.

Trong khi các quốc gia như Anh, Mỹ và UAE trước đây từng bỏ xa Trung Quốc với tư cách là các nhà đầu tư lớn nhất, thì hiện nay Bắc Kinh đang rút ngắn khoảng cách đó. Đại sứ Trung Quốc tại Ai Cập Liao Liqiang từng thông báo, các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào quốc gia Bắc Phi đạt gần 7 tỷ USD vào năm 2019. Cả 2 chính phủ đều mong muốn có được sự hội tụ các lợi ích kinh doanh. Trong chuyến thăm đến Ai Cập năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Sáng kiến của Trung Quốc về “Vành đai và con đường” và “Tầm nhìn Ai Cập 2030” có các mục tiêu kinh tế chung”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ai Cập. Quốc gia Trung Đông này có thâm hụt thương mại khoảng 11 tỷ USD với Bắc Kinh. Dân số trẻ hơn 100 triệu người của Ai Cập chắc chắn khiến nước này trở thành một thị trường khổng lồ cho Trung Quốc ở Trung Đông. Nhưng một số người nói rằng, Cairo có thể tận dụng vị thế của mình tốt hơn trong mối quan hệ mới này. Thực tế, các hợp đồng giữa Ai Cập và Trung Quốc để đi đến ký kết cần nhiều thủ tục và thời gian hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Đơn cử, thỏa thuận cho dự án tòa tháp ở thủ đô mới mất nhiều vòng đàm phán sau khi các công ty Trung Quốc rút lui vào nhiều thời điểm khác nhau và Bắc Kinh đã bày tỏ lo ngại về tính khả thi kinh tế.

Toàn cảnh siêu dự án Thủ đô Hành chính mới của Ai Cập, cách Cairo 35km về phía Đông

Toàn cảnh siêu dự án Thủ đô Hành chính mới của Ai Cập, cách Cairo 35km về phía Đông

Vùng đất của các đối thủ cạnh tranh

Bức tranh sinh động nhất là khu vực kênh đào Suez, một trong những điểm đến đầu tư tích cực nhất Ai Cập hiện nay. Đối với Trung Quốc, kênh đào là một mấu chốt quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa tới thị trường châu Âu. Không có gì ngạc nhiên khi tập đoàn nhà nước Trung Quốc TEDA là nhà đầu tư lớn nhất vào khu công nghiệp kênh đào Suez (gần thành phố Ain Sokhna). Tập đoàn này điều hành một khu công nghiệp với 85 công ty và hơn 4.000 nhân viên. Jushi - một công ty sản xuất sợi thủy tinh của Trung Quốc, là một trong những khách thuê lớn nhất. Sự hiện diện của nó tại con kênh đã đưa Ai Cập trở thành nhà sản xuất sợi thủy tinh lớn thứ ba trên thế giới. Gần như tất cả các sản phẩm sợi thủy tinh được sản xuất tại nhà máy đều được xuất khẩu sang châu Âu.

Ai Cập có hiệp định miễn thuế với EU về các sản phẩm công nghiệp và là thành viên của Thị trường chung Đông và Nam Phi. Ai Cập cũng thuộc Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi, hiện đang hoàn tất thỏa thuận thương mại giữa các thành viên. Tuy nhiên, các cường quốc châu Âu đã để ý đến đối thủ cạnh tranh mới là Trung Quốc. Vào năm 2020, họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Jushi và các đối tác Ai Cập vì lợi dụng những gì họ cho là “trợ cấp không công bằng” cho phép bán phá giá sản phẩm. “Nhiều đối tác phương Tây lâu đời không vui khi thấy ai đó cạnh tranh với họ ở những quốc gia mà họ coi là đối tác truyền thống của họ” - ông el-Dahshan nói.

Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục cho rằng họ hành động trên tinh thần không can thiệp vào các quốc gia như Ai Cập. Nhưng khi căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây leo thang, nhiều người đang suy nghĩ lại về việc Bắc Kinh tuyên bố họ là một đối tác thương mại lành mạnh. “Trung Quốc dành nhiều thời gian để nói về không can thiệp, nhưng ở một mức độ nào đó, chúng ta cần nhận ra rằng thương mại và đầu tư được coi là hành động can thiệp. Tiền sẽ đổi chủ, mọi thứ sẽ chuyển động, và kết quả là mọi người sẽ thay đổi quan điểm về Trung Quốc” - bà Lucille Greer, học giả về Trung Quốc và Trung Đông tại Trung tâm Wilson (Washington, Mỹ) nói. Giới chuyên gia cũng đặt câu hỏi, Trung Quốc luôn nói muốn tăng cường hợp tác thương mại, nhưng tại sao họ lại cần một căn cứ quân sự ở Djibouti?

Ai Cập đang mở rộng, đến năm 2030 dân số dự kiến sẽ tăng hơn 30 triệu người và quốc gia này cần tạo ra ước tính khoảng 700.000 đến 1 triệu việc làm mỗi năm cho những người mới tham gia vào lực lượng lao động. Các siêu dự án được coi là một cách để đối phó với lực lượng lao động đang mở rộng nhanh chóng. Vì vậy, sự bùng nổ các công trình xây dựng tiếp tục diễn ra và hiện giờ Trung Quốc là nhân tố tích cực. Trong bối cảnh đó, các nước phương Tây có lẽ ít có khả năng rút lui ở Ai Cập khi Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện của mình.

“Trung Quốc dành nhiều thời gian để nói về không can thiệp, nhưng ở một mức độ nào đó, chúng ta cần nhận ra rằng, thương mại và đầu tư được coi là hành động can thiệp. Tiền sẽ đổi chủ, mọi thứ sẽ chuyển động và kết quả là mọi người sẽ thay đổi quan điểm về Trung Quốc”.

Bà Lucille Greer (học giả về Trung Quốc và Trung Đông tại Trung tâm Wilson ở Washington)

(Theo Al Jazeera)

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-quoc-va-phuong-tay-canh-tranh-trong-cac-sieu-du-an-o-ai-cap-post462536.antd