Trung Quốc vẫn tuyên bố cứng sau bầu cử Hồng Kông
Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam hôm 25-11 khẳng định chính quyền tôn trọng kết quả cuộc bầu cử hội đồng quận diễn ra một ngày trước đó.
Theo bà, chính quyền sẽ mở lòng lắng nghe quan điểm của người dân và có hành động "phản ứng nghiêm túc". Song song đó, bà bày tỏ hy vọng sự bình yên sẽ được duy trì theo sau cuộc bầu cử.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Hồng Kông là một phần của Trung Quốc "bất kể điều gì xảy ra". Ông Vương Nghị cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây hỗn loạn ở Hồng Kông hoặc thậm chí phá hoại sự thịnh vượng và ổn định của thành phố này đều sẽ không thành công.
Theo tờ The Straits Times (Singapore), khi được hỏi về cuộc bầu cử tại Hồng Kông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết việc ngăn chặn bạo lực và lập lại trật tự ở đặc khu này là nhiệm vụ tối quan trọng. Ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định chính quyền Bắc Kinh vẫn ủng hộ bà Carrie Lam đảm nhận vị trí của mình.
Các phát biểu trên được đưa ra sau khi kết quả bầu cử hội đồng quận ở Hồng Kông cho thấy phe ủng hộ dân chủ chiếm 347/452 ghế, phe trung lập giành 45 ghế và phe thân Trung Quốc 60 ghế. Như vậy, phe ủng hộ dân chủ hiện nắm quyền kiểm soát 17/18 hội đồng quận.
Kết quả này được xem như một thông điệp rõ ràng về sự không hài lòng mà cử tri muốn gửi đến chính quyền sau khi đặc khu hành chính Hồng Kông chứng kiến các cuộc biểu tình trong gần 6 tháng qua. Khoảng 2,94 triệu cử tri đi bỏ phiếu hôm 24-11, một con số cao kỷ lục so với 1,47 triệu người từng tham gia cuộc bầu cử trước đó.
Ông Anthony Cheung Bing-leung, cựu lãnh đạo cơ quan giao thông và nhà ở tại Hồng Kông, cho rằng Bắc Kinh sẽ phải xem xét lại cách tiếp cận nhằm chấm dứt tình trạng hỗn loạn trong thành phố, đồng thời chỉ định một ủy ban điều tra để giải quyết các đề nghị của người dân Hồng Kông.
Đồng quan điểm, ông Li Xiaobing, một chuyên gia chính sách về Hồng Kông tại Trường ĐH Nankai ở Thiên Tân - Trung Quốc, cũng cho rằng Bắc Kinh cần nỗ lực nhiều hơn để có được sự ủng hộ của người dân Hồng Kông nhưng không nghĩ rằng một cuộc điều tra độc lập là cách hiệu quả để xoa dịu cuộc khủng hoảng.
Theo hãng tin Reuters, giới quan sát cho rằng ít có khả năng Trung Quốc có bất kỳ hành động nhượng bộ mới nào trong thời gian ngắn, nhất là khi Bắc Kinh cho đến giờ vẫn áp dụng đường lối cứng rắn đối với vấn đề Hồng Kông.
Riêng bà Lam được cho là sẽ đối mặt thêm nhiều áp lực trước việc đáp ứng các đòi hỏi của người biểu tình, trong giải quyết các yêu cầu của người dân, trong đó có cải cách dân chủ và tiến hành điều tra độc lập cáo buộc cảnh sát trấn áp mạnh tay người biểu tình. Chính quyền Hồng Kông hiện chỉ mới đáp ứng một trong số 5 yêu sách của người biểu tình là rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi hồi tháng 9.