Trung Quốc xây làng ở Bhutan và Ấn Độ: Những phản ứng rụt rè sẽ không hiệu quả với Bắc Kinh
Trung tướng Ấn Độ Prakash Katoch (đã nghỉ hưu) có bài viết mới trên Eurasia Review về chiến thuật xây làng của Trung Quốc ở Bhutan và Ấn Độ nhằm chứng minh các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bất hợp pháp...
Một số phương tiện truyền thông quốc tế gần đây đã đưa tin về việc một ngôi làng của người Trung Quốc "mọc lên" bên trong lãnh thổ Bhutan, và đây không phải là điều cá biệt.
Bắc Kinh đã đặt những cái tên Trung Quốc cho nhiều nơi ở bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ mà họ tuyên bố là Nam Tây Tạng một cách bất hợp pháp.
Trung Quốc đã và đang sử dụng “chiến tranh pháp lý” để đưa ra các yêu sách lịch sử đối với các lãnh thổ ở nước ngoài. Điều này dẫn đến việc những cái tên Trung Quốc được đặt cho các địa danh và cùng với đó là việc ngụy tạo hồ sơ để củng cố các tuyên bố bất hợp pháp.
"Một sự leo thang mạnh mẽ"
Tháng 11/2020, truyền thông đưa tin Trung Quốc đã xây dựng một ngôi làng có tên là “Pangda” dọc theo sông Torsa ngay bên trong biên giới phía Tây Nam của Bhutan.
Hình ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies (Mỹ) công bố cho thấy Trung Quốc bắt đầu xây dựng làng "“Pangda” trên dãy núi Himalaya vào cuối năm 2019 và hoàn thành trước ngày Quốc khánh Trung Quốc (1/10/2020).
Mới đây, truyền thông lại dấy lên những hình ảnh vệ tinh chụp một ngôi làng Trung Quốc mang tên “Gyalaphug”, được cho là nằm trong lãnh thổ Bhutan 2km, cùng với đó là một con đường mới dẫn đến ngôi làng này.
Cũng có nhiều tin tức cho rằng các khu vực khác của phía Tây Bhutan đang dần bị Trung Quốc lấn chiếm để giúp nước này có thể tiếp cận biên giới với Ấn Độ.
Bài viết của chuyên gia về lịch sử Tây Tạng Robert Barnett trên tạp chí Foreign Policy ngày 7/5 nêu rõ: “Tháng 10/2015, Trung Quốc thông báo rằng một ngôi làng mới, được gọi là Gyalaphug trong tiếng Tây Tạng hoặc Jieluobu trong tiếng Trung Quốc, đã được thành lập ở phía Nam của Khu tự trị Tây Tạng.
Tuy nhiên, làng Gyalaphug nằm trong lãnh thổ Bhutan.
Công trình mới này là một phần trong nỗ lực lớn từ năm 2017 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm củng cố các khu vực biên giới của Tây Tạng, một sự leo thang mạnh mẽ trong nỗ lực lâu dài của Trung Quốc nhằm có được lợi thế vượt trội so với Ấn Độ và các nước láng giềng khác dọc biên giới ở dãy Himalaya”.
Ý định của Trung Quốc về việc xây dựng các làng biên giới như vậy là khá rõ ràng. Những ngôi làng này không chỉ giúp chứng minh các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bất hợp pháp của Trung Quốc, mà đây còn là nơi ở của các quân nhân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các đặc nhiệm tình báo sống lẫn cùng người dân địa phương.
Các chiến thuật của Trung Quốc bao gồm phát triển các mối liên kết dân sự xuyên biên giới, sử dụng tiền và cung cấp khẩu phần ăn nhằm chiêu mộ các đặc vụ và người dẫn đường để thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động bí mật.
Trung Quốc khuyến khích các cuộc hôn nhân xuyên biên giới với mục đích tương tự. Họ cũng đã làm như vậy ở Myanmar và Pakistan.
Việc Bhutan phủ nhận những ngôi làng trên nằm trong lãnh thổ của mình không có gì đáng ngạc nhiên bởi khó có thể mong đợi nước này đối đầu với Trung Quốc.
Trung Quốc đã chiếm phần lớn cao nguyên Doklam trong vòng một tháng, khi xảy ra cuộc đối đầu kéo dài 73 ngày giữa Ấn Độ và Trung Quốc năm 2017 nhưng không được các phương tiện truyền thông của Bhutan cũng như Ấn Độ đưa tin.
Làng Trung Quốc ở bang Arunachal Pradesh
Tháng 1/2021, truyền thông đưa tin một ngôi làng mới của Trung Quốc đã được xây dựng ở bang Arunachal Pradesh, nằm trên bờ sông Tsari Chu ở quận Thượng Subansiri, bên trong lãnh thổ Ấn Độ khoảng 4,5 km.
Tin tức này đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở bang Arunachal Pradesh, và những người biểu tình thậm chí đã đốt hình nộm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hội sinh viên toàn bang Arunachal Pradesh (AAPSU) đã lên án các công trình bành trướng của Trung Quốc và chỉ trích cách tiếp cận lấp lửng của New Delhi, yêu cầu có các biện pháp đối phó kiên quyết để ngăn chặn các động thái của Bắc Kinh.
Theo một kênh truyền thông từng gửi hình ảnh vệ tinh chụp ngôi làng Trung Quốc cho Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) và đặt câu hỏi về việc liệu ngôi làng Trung Quốc này có nằm trong lãnh thổ của Ấn Độ hay không, phản hồi của MEA rất chung chung.
Bộ này cho biết: “Chúng tôi đã thấy các thông tin gần đây về việc Trung Quốc đang tiến hành xây dựng dọc theo các khu vực biên giới với Ấn Độ. Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy trong vài năm qua.
Chính phủ Ấn Độ cũng đã tăng cường cơ sở hạ tầng biên giới, bao gồm việc xây dựng cầu, đường…, giúp cung cấp những kết nối rất cần thiết cho người dân địa phương dọc theo biên giới”.
Theo các hồ sơ chính thức, địa điểm của ngôi làng nói trên có một đồn bốt của lực lượng Assam Rifles (lực lượng bán quân sự lâu đời nhất của Ấn Độ) cho đến tận năm 1959, khi khu vực này bị người Trung Quốc quản lý, nhưng khu vực này không có bất kỳ công trình xây dựng nào theo ảnh vệ tinh ngày 26/8/1999.
Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh ngày 1/11/2020 cho thấy có một ngôi làng với hơn 110 ngôi nhà, đã được xây dựng trong khoảng 1 năm và việc xây dựng cũng được tiến hành trong thời gian xảy ra cuộc đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Đông Ladakh.
Rõ ràng, Trung Quốc sẽ tiếp tục có các hoạt động chiếm đất như vậy, đặc biệt là khi nước này nhận thấy động thái của họ chỉ vấp phải các phản ứng rụt rè.
Ấn Độ vẫn công khai chỉ trích đích danh Trung Quốc vì hành động gây hấn trắng trợn của nước này ở Đông Ladakh hồi năm ngoái, cho dù Bắc Kinh đã trở lại thực hiện cam kết rút quân. Những động thái ngoại giao tinh tế như vậy bị Trung Quốc coi là hèn nhát.