Trung Quốc xem xét gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, Trung Quốc đang chuẩn bị một động thái táo bạo với bước điều chỉnh quy mô lớn chưa từng có.

 Trụ sở Bộ Tài chính, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Trụ sở Bộ Tài chính, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Reuters cho biết theo 2 nguồn tin, chính quyền Trung Quốc sắp phê duyệt kế hoạch phát hành 3.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 411 tỷ USD) trái phiếu đặc biệt trong năm 2025. Đây là mức phát hành trái phiếu cao nhất từ trước đến nay của Trung Quốc, nhằm đẩy mạnh chi tiêu công để khôi phục nền kinh tế đang đà suy thoái.

So với mức 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) của năm 2024, con số 3.000 tỷ nhân dân tệ cho năm tới được xem là bước nhảy vọt lớn. Động thái này diễn ra khi Bắc Kinh tìm cách giảm thiểu tác động từ việc Mỹ có thể tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khi ông Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.

Theo đó, nguồn vốn thu được từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để thúc đẩy tiêu dùng thông qua các chương trình trợ cấp, nâng cấp thiết bị cho doanh nghiệp và đầu tư vào các ngành tiên tiến theo định hướng đổi mới sáng tạo cũng như nhiều sáng kiến khác.

Hiện, các nguồn tin có hiểu biết về các cuộc thảo luận từ chối tiết lộ danh tính, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, Bộ Tài chính, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) cũng chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

Được biết, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và 30 năm của Trung Quốc đã tăng lần lượt 1 và 2 điểm % sau khi thông tin trên được công bố.

Việc phát hành trái phiếu đặc biệt với mức cao kỷ lục này thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc gia tăng nợ để đối phó với áp lực giảm phát của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Ông Tommy Xie, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô châu Á tại Ngân hàng OCBC cho biết chính phủ Trung Quốc thường không đưa trái phiếu đặc biệt siêu dài hạn vào kế hoạch ngân sách hàng năm mà xem đây là biện pháp đặc biệt để huy động vốn cho các dự án cụ thể hoặc mục tiêu chính sách khi cần thiết. “Quy mô phát hành vượt quá kỳ vọng của thị trường”, ông Xie nhận định.

Theo kế hoạch, khoảng 1.300 tỷ nhân dân tệ (178 tỷ USD) sẽ được huy động từ trái phiếu dài hạn để tài trợ cho 2 nhóm chương trình chính gồm “ hai chương trình lớn” và “hai chương trình mới”.

Trong đó, “chương trình mới” bao gồm các khoản trợ cấp để người dân đổi các sản phẩm như ôtô, thiết bị gia dụng cũ lấy sản phẩm mới với giá ưu đãi và hỗ trợ nâng cấp thiết bị quy mô lớn cho doanh nghiệp.

“Chương trình lớn” tập trung vào các dự án chiến lược quốc gia như xây dựng đường sắt, sân bay, cải tạo đất nông nghiệp và nâng cao năng lực an ninh tại các lĩnh vực trọng yếu.

NDRC cho biết vào ngày 13/12 rằng toàn bộ số tiền 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt siêu dài hạn của năm nay đã được phân bổ, với khoảng 70% dành cho các dự án “hai chương trình lớn” và phần còn lại cho “hai chương trình mới”.

Ngoài ra, một phần lớn vốn huy động năm tới sẽ được đầu tư vào “lực lượng sản xuất mới” - cụm từ của Bắc Kinh ám chỉ các lĩnh vực sản xuất tiên tiến như xe điện, robot, chất bán dẫn và năng lượng xanh. Hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ dự kiến dành cho sáng kiến này, trong khi phần còn lại sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho các ngân hàng quốc doanh lớn.

Dự kiến mức phát hành trái phiếu mới tương đương 2,4% GDP năm 2023 của Trung Quốc. Trước đó, nước này từng phát hành 1.550 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt vào năm 2007, chiếm 5,7% GDP khi đó.

Tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương ngày 11-12/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định, tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách và phát hành thêm trái phiếu chính phủ vào năm tới. Tuy nhiên, các mục tiêu cụ thể sẽ được công bố chính thức vào kỳ họp quốc hội tháng 3 năm sau.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/trung-quoc-xem-xet-goi-kich-thich-kinh-te-lon-chua-tung-co-post1520210.html