Trung Quốc xoay xở ứng phó đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất kể từ 'tâm chấn' Vũ Hán
Số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày ở Trung Quốc lần đầu tiên vượt con số 1.000 trong vòng hai năm qua, khi biến thể Omicron lây lan với quy mô chưa từng thấy kể từ thời điểm Vũ Hán trở thành 'tâm chấn' của đại dịch ở quốc gia đông dân nhất thế giới vào đầu năm 2020.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại một cơ sở xét nghiệm tại Thượng Hải hôm 10-3. Ảnh: Bloomberg
Dữ liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố hôm 11-3 cho thấy Trung Quốc có 1.100 ca nhiễm, bao gồm 703 ca nhiễm không triệu chứng trong vòng 24 giờ qua. Đây là con số thấp nếu so với nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng đối với Trung Quốc, nơi hiếm khi ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày vượt quá 100, đó là điều đáng báo động.
Đợt bùng phát dịch hiện nay đã lan đến vài chục thành phố ở 19 tỉnh trên cả nước. Các điểm nóng lớn nhất là tỉnh Cát Lâm, tỉnh Sơn Đông và TP. Thượng Hải.
Thành phố Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm, đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn thành phố vào hôm nay, cấm tất cả 9 triệu cư dân rời khỏi khu vực của họ. Mỗi hộ dân chỉ được cử một người đi mua nhu yếu phẩm cách ngày. Giới chức trách ở tỉnh này đã nhanh chóng triển khai xây dựng 3 bệnh viện dã chiến với sức chứa khoảng 1.200 giường.
Thành phố Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông cũng đang xây dựng nhiều bệnh viện dã chiến khi biến thể Omicron lây lan rộng ở các trường học. Các quan chức địa phương và hiệu trưởng nhà trường ở thành phố này đã nhận các cảnh cáo kỷ luật vì để dịch bùng phát.
Trong khi đó, tại Thượng Hải, nơi đang đối mặt với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch, giới chức trách đang xét nghiệm tất cả học sinh, sinh viên. Kể từ ngày 12-3, tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở ở thành phố này chuyển sang dạy trực tuyến. Thượng Hải hạn chế triển khai các biện pháp ngăn chặn thường được áp đặt ở các thành phố nhỏ hơn, chẳng hạn như lệnh phong tỏa diện rộng. Nhưng đà lây lan nhanh chóng của Omicron có thể thách thức phản ứng chống dịch theo trọng điểm này. Chỉ 2 trong số 75 ca nhiễm Covid được ghi nhận ở Thượng Hải vào hôm 11-3 là ca nhiễm lây lan cộng đồng. Điều này giải thích tại sao giới chức trách chưa phản ứng mạnh mẽ hoặc triển khai xét nghiệm trên toàn thành phố.
Số ca nhiễm cả nước đã tăng vọt lên hơn 300 mỗi ngày trong vòng chưa đầy một tuần, đặt ra thách thức lớn đối với cách tiếp cận quét sạch ca nhiễm của Trung Quốc bằng các biện pháp hà khắc, bao gồm cách ly tất cả các ca nhiễm bất kể mức độ nghiêm trọng, xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa diện rộng, truy vết tiếp xúc.
Chiến lược “zero Covid”, vốn giúp Trung Quốc tránh được các đợt bùng phát nghiêm trọng trong phần lớn thời gian đại dịch, hiện đang trở nên bất ổn khi Omicron liên tục chọc thủng một trong phòng tuyến ngăn chặn dịch nghiêm ngặt nhất còn lại trên thế giới.
Mức độ lây lan rộng của Covid-19 ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm cả trung tâm tài chính Thượng Hải, cũng gây khó khăn cho việc triển khai các biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ nhưng gây gián đoạn các hoạt động kinh doanh mà giới chức trách có xu hướng ngày càng sử dụng nhiều hơn trong năm nay.
Dù dịch bệnh đang bùng phát mạnh, Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm không có triệu chứng cao hơn số ca nhiễm có triệu chứng. Điều này có thể là nhờ độc lực yếu của Omircon và tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 rộng rãi, với gần 90% trong số 1,4 tỉ người dân Trung Quốc đã tiêm chủng đầy đủ và hơn một phần ba dân số đã tiêm mũi tăng cường.
Tại cuộc họp báo đánh dấu lễ bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIII vào hôm nay (11-3), Thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường nói rằng nước này đang nỗ lực chống dịch có trọng điểm và khoa học hơn để duy trì hoạt động bình thường của đời sống hàng ngày và các chuỗi cung ứng.
Có những dấu hiệu cho thấy giới chức trách và chuyên gia y tế của Trung Quốc đang xem xét phương án thoát ra khỏi chiến lược “zero Covid”. Trung Quốc đã phê duyệt Paxlovid – thuốc điều trị Covid-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) – vào tháng trước, một động thái được xem là bằng chứng cho thấy nước này đang chuẩn bị cho phương án đó.
Tuy nhiên, các nguồn thạo tin nhận định bất kỳ sự thay đổi nào về chiến lược chống Covid-19 của Bắc Kinh có thể chưa diễn ra trước năm 2023.
Viết trên mạng xã hội Weibo vào tuần trước, nhà dịch tễ học Zeng Guang, thành viên của nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết chính sách “zero Covid” sẽ không thể duy trì mãi. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Trung Quốc không nhất thiết phải mở cửa sớm khi đại dịch đang ở đoạn đỉnh điểm.
Trung Quốc sẽ đối mặt với rủi ro số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tăng đột biến nếu chuyển sang nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch như những nơi khác trên thế giới vì các vaccine của Trung Quốc kém hiệu quả hơn cũng như nguồn lực y tế phân bổ không đồng đều.
Đó là lý do khiến Trung Quốc không dám mạo hiểm chuyển sang chiến lược sống chung với virus SARS-CoV-2. Trung Quốc không cần nhìn đâu xa để thận trọng. Đợt bùng phát dịch gần đây ở đặc khu kinh tế Hồng Kông chứng kiến hơn 550.000 ca nhiễm kể từ cuối tháng 12-2021, khiến hệ thống y tế quả tải và tỷ lệ ca tử vong vì Covid-19 trên 1 triệu dân lên mức cao nhất thế giới.
Theo Bloomberg
Chánh Tài