Trung Quốc yêu cầu bắt buộc xét nghiệm COVID-19 với khách từ Hàn Quốc
Hành khách tại sân bay ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu bắt buộc xét nghiệm COVID-19 tại các sân bay ở Trung Quốc đối với những người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 1/2.
Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc đã gửi thông báo tới các hãng hàng không Hàn Quốc và Trung Quốc khai thác các tuyến bay giữa hai nước, yêu cầu từ ngày 1/2, hành khách trên các chuyến bay trực tiếp từ Hàn Quốc đến Trung Quốc sẽ phải xét nghiệm COVID-19 khi nhập cảnh.
Hiện Trung Quốc không thông báo rõ yêu cầu xét nghiệm PCR hay xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc yêu cầu người nhập cảnh thực hiện cách ly tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế.
Thông báo của Trung Quốc về chính sách kiểm dịch sau nhập cảnh đối với những người nhập cảnh từ Hàn Quốc được hiểu là một biện pháp tương ứng để đáp lại việc Hàn Quốc bắt buộc xét nghiệm PCR sau khi nhập cảnh đối với tất cả những người nhập cảnh từ Trung Quốc kể từ ngày 2/1 năm nay.
Trước đó, do sự lây lan dịch COVID-19 tại Trung Quốc, Chính phủ Hàn Quốc đã tiếp tục kéo dài biện pháp tạm ngừng cấp thị thực (visa) ngắn hạn cho công dân Trung Quốc đến cuối tháng 2, ngoại trừ các vấn đề ngoại giao và chính thức, hoạt động kinh doanh thiết yếu và lý do nhân đạo.
Đáp lại, Chính phủ Trung Quốc đã đình chỉ cấp thị thực ngắn hạn cho người Hàn Quốc.
Trong diễn biến liên quan, ngày 31/1, Thủ tướng Hàn Quốc Han Deok-soo cho biết Hàn Quốc sẽ xem xét dỡ bỏ các biện pháp hạn chế về cấp thị thực (visa) ngắn hạn đối với công dân Trung Quốc trước cuối tháng 2 nếu số ca mắc mới COVID-19 ở nước này giảm.
Phát biểu của Thủ tướng Han Deok-soo được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trong buổi họp báo thường kỳ ngày 30/1 bày tỏ lấy làm tiếc về việc Hàn Quốc gần đây quyết định gia hạn việc hạn chế cấp visa ngắn hạn với công dân Trung Quốc.
Bà Mao Ninh nhấn mạnh quyết định này của Hàn Quốc sẽ không giúp ích gì cho quan hệ giao lưu giữa người dân hai nước và hợp tác song phương.
Trung Quốc hy vọng Triều Tiên nhanh chóng rút lại biện pháp này.
Về phần mình, Trung Quốc cũng muốn có biện pháp tương ứng giúp tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân lực của hai quốc gia.
Cùng ngày 30/1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ bãi bỏ các tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì COVID-19 tại nước này vào ngày 11/5 tới, gần 3 năm sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp phòng dịch trên diện rộng. Năm 2020, chính quyền tiền nhiệm dưới thời Tổng thống Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 (PHE).
Tổng thống đương nhiệm Biden đã nhiều lần gia hạn các biện pháp này, qua đó hàng triệu người dân Mỹ được cấp các bộ xét nghiệm COVID-19 cũng như được tiêm phòng và điều trị miễn phí.
Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) của Nhà Trắng nêu rõ các tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia và PHE dự kiến hết hiệu lực trong tháng Hai tới sẽ được gia hạn một lần nữa đến ngày 11/5 và sau đó sẽ được bãi bỏ.
Quyết định này phù hợp với các cam kết trước đây của chính quyền Mỹ, theo đó sẽ thông báo tối thiểu 60 ngày trước khi tuyên bố chấm dứt PHE.
Căn cứ tuyên bố PHE, chính phủ đã chi ngân sách cho việc tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cũng như một số xét nghiệm sàng lọc và một số phương pháp điều trị bệnh này. Khi PHE hết hiệu lực, việc chi trả các khoản này sẽ do bảo hiểm tư nhân và các chương trình y tế của chính phủ phụ trách.
Chính phủ Mỹ cũng sẽ ngừng thực thi Điều khoản 42 về việc trục xuất trở lại Mexico đối với những người di cư từ Nicaragua, Cuba và Haiti bị bắt giữ do vượt biên giới Mỹ - Mexico.
Trong một tuyên bố khác, OMB cho biết Tổng thống Biden sẽ phủ quyết một dự luật được đề xuất tại Quốc hội Mỹ về việc xóa bỏ yêu cầu tiêm vắcxin ngừa COVID-19 đối với đội ngũ nhân viên y tế đang làm việc cho một số chương trình liên bang.
Số liệu cập nhật của Chính phủ Mỹ cho thấy dù vẫn ghi nhận hơn 500 ca tử vong mỗi ngày vì COVID-19, nhưng số ca mắc mới tại nước này đang có xu hướng giảm.