Trung Sơn: Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh cách mạng Việt Nam
Đại học rất quan trọng, Đại học Gerasimov càng quan trọng, song 5 năm chưa phải là đủ, phải học nữa, nhiều nữa, học cho đến khi nó thấm vào xương vào tủy mình, học cho đến khi quên cả mình đã học ở đâu, học khi nào. Khi mà cái học đã trở thành là của mình rồi thì khi đó mới bắt đầu sáng tạo được.
Đầu năm 1947, chàng thanh niên Hà Nội 17 tuổi Trung Sơn (bí danh Nguyễn Trung hay Nguyễn Trung Sơn) rời thủ đô ra chiến khu Việt Bắc bắt đầu tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ 9 năm. Bước chân ông đã đi qua những địa danh đầy kỷ niệm kháng chiến: Ao Châu, Ấm Thượng rồi Hanh Cù, Vũ Ẻn, qua Đoan Hùng sang Tuyên Quang, vượt Đèo Khế, Bình Ca tới Thái Nguyên - thủ đô kháng chiến.
Năm 1948, được chọn vào học Đại học Y trong rừng già Việt Bắc, được 6 tháng ông bỏ về với báo “Vui sống” ở Thái Nguyên rồi về Điện ảnh Đồi Cọ năm 1953 (phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh, Nha Thông tin -Tuyên truyền). Năm 1954, sau giải phóng Thủ đô, ông về phòng Tuyên truyền thuộc Phát hành phim. Vào thời gian này người Hà Nội háo hức đón chờ xem phim Liên Xô, Trung Quốc, ông biên tập, viết thuyết minh cho từng phim (lúc đó chưa có kỹ thuật lồng tiếng) rồi xuất bản tập “Kể chuyện phim” để giới thiệu với đồng bào Thủ đô còn rất bỡ ngỡ với điện ảnh các nước Dân chủ. Cuối những năm 1950, do hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, lại từ chiến khu Việt Bắc về, được đề cử đi học ngành đạo diễn tại Trường Điện ảnh danh tiếng Liên Xô VGIK, nhưng ông lại xin sang ngành biên kịch hay phê bình để được viết, song hết chỗ, ông quyết định ở lại để tiếp tục viết cho điện ảnh nước nhà. Sau đó ông về làm việc tại báo “Văn nghệ” rồi tạp chí “Điện ảnh”, rồi lại trở lại báo “Văn nghệ” phụ trách mảng Điện ảnh. Cuối đời ông viết hai tập “Chặng đường và kỷ niệm” (NXB Thanh niên).
Có thể coi “Chặng đường và kỷ niệm” là cuốn sử ngắn về điện ảnh cách mạng Việt Nam dưới dạng những bài viết về chân dung những người làm nên nó. Trong các bài viết của ông khó tìm thấy các cụm từ thường dùng thời đó như “hiện thực xã hội chủ nghĩa” hay “đậm đà bản sắc dân tộc”, v.v... Vào khoảng năm 1983-1984, ông tham dự Hội thảo về điện ảnh tại Moskva, tôi hân hạnh được làm phiên dịch cho ông khi ông gặp Tổng thư ký Hội Điện ảnh Liên Xô, nhà văn Chingiz Aitmatov. Ông Aitmatov bắt đầu bằng thuyết Hiện thực xã hội chủ nghĩa trong điện ảnh Xôviết, lát sau ông Sơn khéo chen vào câu chuyện và đưa ra “định nghĩa” riêng của mình. Ông nói: Tôi đọc “Cây phong non chùm khăn đỏ”, “Người thầy đầu tiên” và cả tập “Chuyện núi đồi và thảo nguyên” (tác giả chính là Aitmatov) thấy đất nước và con người Kirgizia của ông đẹp và nhân ái lắm, tôi nghĩ đơn giản, đấy chính là phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Được khen, Aitmatov cười, cám ơn và hai ông vừa đàm vừa nhâm nhi ly cô nhắc Ararat.
Ông tuyên truyền và ngợi ca Điện ảnh Cách mạng Việt Nam bằng cách của ông: vẽ lại chân dung những người làm điện ảnh ở bưng biền Đồng Tháp hay ở châu Sơn Dương, Tuyên Quang. Họ làm phim không bàn dựng, quay xong đoạn nào tráng ngay đoạn đó, chiếu phim ngay phục vụ khi thì Hội nghị quân sự, Đại hội phụ nữ, lúc thì nhân Ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám từ những năm 1950. Họ chiếu phim trong rừng sâu cho đồng bào ở ATK mà nhiều người trong đời chưa biết đến ánh đèn điện, chưa biết đến tiếng loa. Máy quay, máy chiếu phim được chắp từ các máy của Pháp, của Liên Xô hay Trung Quốc và đặt tên là máy chiếu phim Quốc tế 35 thay cho cái tên ban đầu Pathé 35 (máy chiếu phim 35 ly của Pháp). Trong các bài viết của ông tôi thấy hàng chục tên tuổi những cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam như Hồng Nghi, Phạm Văn Khoa, Khương Mễ, Vũ Sơn, Mai Lộc...
Ông cũng không quên nhắc tới Roman Carmen, kể về Điện Biên Phủ khi Carmen hoàn thành “Việt Nam trên đường thắng lợi” (1955). Ông cũng viết về “Việt Nam kháng chiến” (1951-52) của điện ảnh Trung Quốc và “Cây tre Việt Nam” của Lemanska, Ba Lan (1955). Chân dung của các vị tướng và các vị lãnh đạo như Xuân Thủy, Trần Duy Hưng, Trần Văn Trà, Nguyễn Văn Vịnh... cũng được nhắc tới trong sự nghiệp phát triển điện ảnh những năm đầu kháng chiến chống Pháp tại Khu 8 hay tại Việt Bắc.
Ông quen biết và thân thiết với rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh như Trà Giang, Như Quỳnh, Thanh Tú, Đức Hoàn, Phi Nga, Lan Hương, Thế Anh, Trần Lực, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trần Vũ, Trần Đắc, Kỳ Nam, Hồng Sến, Bùi Đình Hạc, Ngô Mạnh Lân... và cả những người trẻ tuổi như Thanh Vân hay Nhuệ Giang... Ông xem phim của họ, viết nhiều về con người và tác phẩm của họ. Lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam hiện rõ qua từng gương mặt những người được ông mô tả - đấy là cách tuyên truyền, cách viết sử của ông.
Ông thân thiết với nhiều người ngoài giới điện ảnh: Kim Lân, Võ Huy Tâm, Dương Tường, Xuân Quỳnh, Huy Du, Hồng Đăng, Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu, Phan Kế An, Lưu Công Nhân, Lê Thanh Đức, Hồ Học Đại, Từ Giấy... Rất nhiều lần tôi được thấy cụ Kim Lân đạp cái xe đạp trẻ em Liên Xô đến nhà ông, họ nói về văn, thơ, điện ảnh, hội họa, âm nhạc và thời cuộc bằng ngôn ngữ mà tôi chả hiểu được gì nhiều.
Ông từ bỏ suất học đạo diễn ở VGIK nên ông không có bằng cấp chuyên môn nào về điện ảnh, nhưng nhìn các bạn ông, tôi thấy đó là trường Đại học của ông trong đó ông vừa là một học sinh vừa là người thầy xuất sắc.
Ông lịch lãm trong giao tiếp, hiểu biết rộng lại biết uống rượu nên dễ nói chuyện. Ông còn biết “chiều” bạn. Ông kể, lúc đó là thời bao cấp, có một đêm đông Hà Giang, lạnh, đang ngủ thì cụ Nguyễn Tuân gọi dậy, bảo nhóm lửa đi Sơn. Lửa vừa bén thị cụ Tuân lôi ra cái đùi gà và cút rượu cất giấu từ Hà Nội mang lên. Thế là cuộc đàm thoại bắt đầu bên bếp lửa vùng cao cùng ngọn lửa nồng của ly rượu. Sao mà biết được những chuyện gì họ đã phải nói, chỉ biết rằng đó là chuyện văn thơ và cuộc đời.
Ông còn là người rộng lượng và vị tha. Trên các nẻo đường kháng chiến, ông biết cả Phạm Duy, rồi cũng thấy Phạm Duy trên băng đĩa Hà Nội tạm chiếm, nhưng ông chỉ nhớ Phạm Duy như là người của “Chiều ơi, áo chàm về quẩy thóc trên vai, trâu bò về dục mõ xa xôi”...
Có một lần tôi lại được đưa ông đến thăm các học viên Việt Nam đang học tại VGIK mang tên đạo diễn lừng danh Gerasimov. Cả trăm học viên Việt Nam đã học qua trường này, nhiều người đã thành danh như Nguyễn Thụ, Lê Đăng Thực, Nguyễn Khắc Lợi, Trần Đắc, Bành Bảo, Hồng Ngát, Việt Linh và nhiều người khác. Nghĩ thế tôi nói với ông là nay mai nền điện ảnh Việt Nam chắc sẽ phát triển mạnh. Ông lẳng lặng giây lát rồi thủng thỉnh: học VGIK thì giỏi, nhưng ông bảo chưa có ai vượt “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cánh đồng hoang”, “Chị Tư Hậu” hay “Em bé Hà Nội”. Họ có học VGIK đâu? (thực ra ông Kỳ Nam với “Chị Tư Hậu” đã học điện ảnh tại Pháp). Rồi ông luận: Đại học rất quan trọng, Đại học Gerasimov càng quan trọng, song 5 năm chưa phải là đủ, phải học nữa, nhiều nữa, học cho đến khi nó thấm vào xương vào tủy mình, học cho đến khi quên cả mình đã học ở đâu, học khi nào. Khi mà cái học đã trở thành là của mình rồi thì khi đó mới bắt đầu sáng tạo được.
Ông đã có thể là bác sĩ hay đạo diễn, nhưng ông bỏ hết để viết, để tuyên truyền, để bình luận và ngợi ca điện ảnh nước nhà. Một chuyện nữa là thế này. Ông làm báo, có lúc là thư ký tòa soạn vậy sao ông không vào Đảng. Ông nói ngay: cậu thấy tôi có kém gì đảng viên không? Câu hỏi của ông cũng là câu trả lời rồi. Ông Hoàng Trung Thông, Tổng Biên tập báo “Văn nghệ” (rồi ông Thông còn làm Vụ trưởng bên Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương) mấy lần “ép” ông vào Đảng, hồ sơ cũng đã xong, song mọi việc cứ để thế cho đến cuối đời. Ông kể, đấy là vào cuối năm 1955 hay đầu 56 ông đi cải cách ở đâu Thanh Hóa. Ban ngày thì ba cùng, phát động quần chúng, phân loại, xác định trung nông lớp trên, phú nông, địa chủ hay địa chủ cường hào đại gian đại ác. Tối cả đội đánh tú lơ khơ. Một hôm khoảng 8 giờ tối, một đồng chí vào gặp chị bần nông đội trưởng đội cải cách xin chị ký giấy gì đó. Chị vừa đánh tú lơ khơ vừa hỏi đồng chí nọ: có mấy tên đại gian đại ác? Đồng chí nọ thưa: thưa chị một ạ. Sao thế, xã này nhiều địa chủ thế, dân đói thế mà chỉ có một thôi à? Đồng chí nọ đi ra, lúc lâu sau quay lại: thưa chị điều chỉnh rồi, có 3 ạ. Chị dừng chơi bài và cầm bút nắn nót ký. Sáng hôm sau, ông khoác ba lô cáo ốm xin về Hà Nội. Mãi sau tôi cũng vẫn không dám hỏi ông có bị sao không, nhưng sau đó có sửa sai và thấy ông vẫn đi làm.
Mấy chục năm được gần ông, nghe chuyện ông với bạn bè, tôi biết nói về ông như thế còn thiếu lắm, cho dù tôi có thêm mấy dòng bổ sung sau đây. Ông là người khiêm nhường, giản dị đến khổ hạnh. Ông không thích ồn, không thích nói về mình, do đó có ít bài viết về ông. Tôi tìm mãi mới thấy có một bài viết của ông Đặng Nhật Minh nhắc đến ông khi đi tìm người đã từng quay phim lễ Độc lập 2/9/1945. Có lẽ điều đó đã thôi thúc để tôi viết bài này, để thêm vài nét vào bức phác họa chân dung ông, nhà báo kỳ cựu của điện ảnh Việt Nam Trung Sơn.