Trung tá Công an TP.HCM kể chuyện cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ
Là thành viên trong đoàn Việt Nam đến Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cứu hộ, cứu nạn, Trung tá Nguyễn Chí Thành (Công an TP.HCM) đã có 168 giờ thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là ngày may mắn khi cứu được một nạn nhân sống sót thần kỳ...
Tính đến ngày 22-2, hơn 47.000 người tử vong, hơn 264.000 tòa nhà thành đống đổ nát, hơn 80.000 người bị thương, hơn 1.500 trẻ em bị chia cắt khỏi gia đình, hàng ngàn người mất tích, hàng triệu người vô gia cư. Đó là tất cả những gì đã và đang diễn ra đầy bi thương sau trận động đất khốc liệt ngày 6-2 đổ ập xuống Thổ Nhĩ Kỳ, Syria.
Trước những mất mát khủng khiếp, hơn 20 quốc gia và tổ chức cứu nạn trên thế giới đã lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có các chiến sĩ lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Việt Nam.
Là một chiến sĩ có kinh nghiệm cứu nạn, trực tiếp tham gia cứu nạn trong suốt bảy ngày tại Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội 3 (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM) đã có 168 giờ cùng đồng đội tìm kiếm cứu nạn tại đất nước bạn với nhiều cảm xúc.
Lên đường
.Phóng viên: Khoảnh khắc nhận được lời kêu gọi, Trung tá có cảm xúc thế nào?
+ Trung tá Nguyễn Chí Thành: Những ngày đầu tháng 2, sau trận động đất lịch sử lớn nhất trong 100 năm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo lời kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế của nước bạn, Việt Nam đã gấp rút cử đoàn công tác cứu nạn.
Tôi không quên cảm giác bồi hồi xúc động khi xem hình ảnh chạy trên tin tức về những bi thương, đau khổ của nước bạn. Ngay sau đó tôi được chọn tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là niềm tự hào, niềm vinh dự của một người lính, một người chiến sĩ công an.
Trung tá Nguyễn Chí Thành từng tham gia tìm kiếm thành công thi thể nạn nhân trong hang sâu ở Cao Bằng và Hà Giang, tìm sáu thi thể nạn nhân chìm dưới sông Sài Gòn trong vụ chìm tàu Dìn Ký...
. Cha mẹ và vợ con nghĩ gì khi biết anh lập tức “đáp lời” đến Thổ Nhĩ Kỳ?
+ Khi biết tôi được chọn để thực hiện nhiệm vụ cao cả, gia đình cũng tự hào nhưng không tránh khỏi những giây phút lo lắng. Bởi gia đình biết chúng tôi vào tâm động đất, dư chấn sẽ rất nguy hiểm. Thời tiết lạnh khắc nghiệt, sức khỏe và ăn uống cũng khó khăn so với ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng an ủi gia đình và hướng dẫn cách giữ liên lạc để người nhà yên tâm.
Trong đêm ấy, tôi đã xác định đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng khi đất nước cần, mang trên mình nghĩa vụ người lính, tôi sẵn sàng.
Giành giật sự sống
. Cảm xúc của anh khi trước mắt mình là một Thổ Nhĩ Kỳ sụp đổ, điêu tàn, nhiều thương vong?
+ Đau. Đó là cảm giác đau đớn gấp trăm ngàn lần khi ngồi xem trước tivi. Bởi lẽ, khi tận mắt chứng kiến, hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Các công trình, tòa nhà xung quanh đã sụp đổ toàn bộ, thiệt hại rất lớn về người và tài sản của người dân, khiến họ trắng tay, thậm chí có những gia đình các thành viên đều tử vong, một số vùng không còn ai sống sót.
. Với sự tàn khốc của trận động đất ấy, trong bảy ngày cứu nạn, cứu hộ trực tiếp, anhvà đồng đội chắc chắn gặp nhiều khó khăn?
+ Nhiệt độ -6 độ C đến -10 độ C, lạnh cắt da thịt, buốt tận xương tủy, nước không có, điện bị cắt hoàn toàn. Đội chúng tôi có đồng chí suốt bảy ngày không tắm. Trên cơ thể của tôi đầy mùi bùn đất, xác người. Chỗ lán trại chúng tôi ở thường xuyên xảy ra dư chấn rất nguy hiểm cho mọi người. Thực phẩm, lương thực cũng gặp khó khăn, tôi cùng đồng đội chủ yếu ăn mì gói đem theo từ Việt Nam.
Nhân lực cứu nạn, cứu hộ của các nước tham gia cũng gặp hạn chế với hiện trạng Thổ Nhĩ Kỳ sau động đất. Chúng tôi rất hy vọng và mong muốn cứu được nhiều người còn mắc kẹt, di dời thi thể ra khỏi đống đổ nát nhưng dường như thời gian kéo dài, sức khỏe của tôi và các đồng đội cũng như của các đội cứu nạn giảm rõ rệt. Chúng tôi không thể hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ...
. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh trong chuyến cứu nạn, cứu hộ đặc biệt này?
+ Đó là khi chúng tôi giải cứu thành công nạn nhân 17 tuổi mắc kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà bảy tầng, diện tích hơn 1.000 m2, rất khó tiếp cận. Đây là một kỳ tích cho đến thời điểm đó. Chúng tôi tìm kiếm nạn nhân từ 7 giờ 30 đến 18 giờ. Chúng tôi liên tục sử dụng tất cả khả năng và thiết bị hiện đại như máy dò sóng âm, phát hiện sự sống, camera dò tìm trong đống đổ nát.
Sau gần một ngày tìm kiếm không ngừng nghỉ, tôi và đồng đội phát hiện và đánh giá được tình trạng còn sống của nạn nhân. Chúng tôi dừng ngay máy móc đào bới, chuyển sang đào đường hầm bằng tay để không làm ảnh hưởng cấu trúc đống đổ nát gây nguy hiểm cho nạn nhân. Bằng sự nỗ lực, chúng tôi đã đưa được nạn nhân ra ngoài an toàn.
Chúng tôi luôn sẵn sàng
. Trung tá đánh giá ra sao về tình hình tham gia cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam, quá trình tham gia hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ của mình và đồng đội tại Thổ Nhĩ Kỳ?
+ Việt Nam chúng ta đã thể hiện được tinh thần quyết tâm rất cao, sẵn sàng đối diện nguy hiểm, không ngại khó khăn gian khổ, trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Phối hợp chặt chẽ với các nước tham gia cứu nạn nhiệt tình, tận tâm, tận lực cùng nhau tìm kiếm nạn nhân đang mắc kẹt, nạn nhân đã mất bàn giao cho nước bạn. Qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá rất cao và nhân dân rất biết ơn.
. Nếu có một chuyến đi tương tự như thế, Trung tá nghĩ thế nào?
+ Đối với bản thân tôi, là người lính đã làm công tác cứu nạn, cứu hộ 22 năm, công việc đã ăn sâu trong máu của tôi cũng như đồng đội. Tôi tự hào với công việc của mình. Khi nhận nhiệm vụ, tôi sẵn sàng đương đầu và tôi cảm thấy vui, vinh dự vì mình là người được chọn.
Trong mọi trường hợp, bất cứ lúc nào, ngay cả bây giờ, được điều động cứu nạn, cứu hộ tôi sẽ không chần chừ suy nghĩ mà dứt khoát, sẵn sàng lên đường ngay. Chúng tôi sẵn sàng dù chuyến đi đó sẽ như thế nào, chúng tôi sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi ngành cần, nhân dân cần và thế giới cần.
24 chiến binh sao vàng tham gia cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ
Sau 10 ngày xuất quân thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ và đã trở về nước vào chiều 19-2.
Trong chuyến công tác đặc biệt, lực lượng cứu hộ đã phối hợp đưa được một thanh niên 17 tuổi còn sống ra khỏi đống đổ nát và 14 thi thể nạn nhân động đất, bàn giao cho cơ quan y tế.
Đoàn cũng đã trao tặng gần hai tấn thiết bị y tế do Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ Cơ quan điều phối quốc gia AFAD và cho Sở Y tế TP Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ; thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, trong đó có một số gia đình người Việt.
Tự hào vì hoàn thành nhiệm vụ được giao
Trở về nước, tôi hạnh phúc gặp lại gia đình, đồng chí đồng đội của mình.
Tôi tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chuyến đi này là chuyến đi ý nghĩa, tôi thấy được tinh thần quốc tế khi có hoạn nạn, họ sẵn sàng lao vào vùng tâm động đất để tìm kiếm người, giúp đỡ nước bạn và đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.
Qua chuyến đi này, chúng tôi học được rất nhiều kinh nghiệm. Việt Nam không có động đất nhưng chúng ta đều đã học được rất nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia tham gia cứu nạn, cứu hộ ở nước bạn. Chúng ta dùng kiến thức, kinh nghiệm đó để đưa vào giáo án, thực tiễn cứu nạn, cứu hộ ở Việt Nam. Khi đất nước cần, thế giới cần, chúng ta lại có một hành trang vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tôi tin với tinh thần quốc tế trong sáng, là một chiến sĩ Việt Nam, một con người Việt Nam, chúng tôi vẫn sẽ sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, không từ chối bất cứ nguy hiểm, khó khăn gì.
Trung tá NGUYỄN CHÍ THÀNH
Nguồn PLO: https://plo.vn/trung-ta-cong-an-tphcm-ke-chuyen-cuu-nan-o-tho-nhi-ky-post721029.html