Trung tá, Nghệ sĩ ưu tú Lương Thùy Linh: Để tiếng chèo vang trên nền trực tuyến
Thời gian qua, Trung tá, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lương Thùy Linh (Phó đoàn trưởng Đoàn 1, Nhà hát Chèo Quân đội) đã lập trang cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube - 'Thùy Linh Chèo', 'Lương Thùy Linh Channel'; Facebook và TikTok - 'NSƯT Lương Thùy Linh' để lan tỏa giá trị nghệ thuật chèo đến đông đảo công chúng. Chị quan niệm, trách nhiệm của người nghệ sĩ là lan tỏa hơn nữa giá trị của chèo để 'trả ơn' tổ nghiệp.
1. Nhiều người yêu âm nhạc truyền thống tại Việt Nam tìm đến kênh YouTube “Thùy Linh Chèo” để được thưởng thức một giọng chèo trong vắt, lúc bay bổng, lúc lại lắng sâu ngọt ngào của NSƯT Lương Thùy Linh. Để đáp lại tấm lòng của khán giả, những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, NSƯT Lương Thùy Linh đã cho ra đời các MV hát chèo như “Khát vọng mùa xuân”, “Rộn ràng trảy hội làng Keo”, “Thắm tình vẹn nghĩa duyên ta”, “Gặp nhau trong hội xuân”… với một sự đầu tư kỳ công, chỉn chu từ nghệ thuật đến hình ảnh. Xem chị diễn ở ngoài rồi xem kênh YouTube của chị mới cảm nhận được hết cái duyên của chị trong từng câu hát, cách biểu diễn. Chị cho rằng, chèo có nguồn gốc từ làng quê, sinh ra từ cuộc sống lao động sản xuất của người nông dân nên khi hát phải thật nền nã, mộc mạc.
Đến gặp chị trong những ngày đầu năm, nhìn chị tất bật chuẩn bị cho những chương trình phục vụ bà con nhưng tinh thần lúc nào cũng phơi phới mới hiểu niềm đam mê nghề của chị tha thiết đến dường nào.
Sự háo hức, yêu thích của người dân dành cho nghệ thuật chèo đã tạo cho chị một động lực mạnh mẽ để cống hiến một cách hăng say. “Được về các làng quê Đồng bằng Bắc Bộ, tôi mới thấy người nông dân còn rất yêu chèo, mê chèo. Thậm chí, họ còn nhờ tôi dạy cho những bài hát chèo để có thể ngân nga lúc nông nhàn. Chính vì thế, có thể khẳng định chèo có sức sống bền lâu trong đời sống, nhất là đời sống nông thôn hiện nay” - NSƯT Lương Thùy Linh chia sẻ.
2. Ngoài âm nhạc, Lương Thùy Linh cũng rất yêu màu áo lính và mong muốn trở thành nghệ sĩ, chiến sĩ trong quân đội. Bởi thế, ngay từ khi học tập tại Thái Bình, chị đã cộng tác thường xuyên với Đoàn chèo Quân đội (nay là Nhà hát Chèo Quân đội). Năm 2002, chị học tập tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội rồi về công tác tại Nhà hát Chèo Quân đội. Chị chia sẻ: “Nếu như ở Thái Bình tôi được tiếp thu kiến thức từ các nghệ sĩ Văn Mởn, Thu Huyền, Thúy Huyền… thì khi lên Hà Nội, tôi học hỏi từ các nghệ sĩ Thanh Hoài, Thanh Bình, Xuân Theo, Tự Long… Chính quãng thời gian học hỏi, trau dồi kỹ năng từ những “cây đa, cây đề” làng chèo ấy mà tôi đã tích lũy cho mình vốn kiến thức về chèo khá dày dặn. Đặc biệt là người anh, người thủ trưởng - Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long, đã bảo ban, chỉ dạy tôi rất nhiều trong cách hát, cách diễn để trở thành một nghệ sĩ thực thụ”.
Từ ngày về công tác tại Nhà hát Chèo Quân đội, Lương Thùy Linh đã được giao nhiều vai chính và giành nhiều huy chương. Có thể kể đến vai Nguyên phi Ỷ Lan trong 3 tập chèo “Bài ca giữ nước”; nàng sơn nữ trong vở “Chuyện tình nàng sơn nữ”; vai Ngọc Lan trong vở “Chuyện người xưa”; Kiều Liên trong “Lời ước nguyền”; Hoài trong “Thương nhớ trầu cau”; Trần Thị Dung trong “Đời luận anh hùng”... Đặc biệt, Nguyên phi Ỷ Lan là vai diễn đầu đời của chị, khi chị mới về Nhà hát được một năm. Đây được đánh giá là vai diễn khó ngay cả với nghệ sĩ lâu năm, mà chị thì mới vào nghề, nhiều thứ còn lạ lẫm. Tuy nhiên, chị đã rất trân trọng cơ hội quý giá này, đêm ngày tập luyện để hoàn thành tốt vai diễn. Đến nay, sau hơn 20 năm, nhiều người yêu chèo vẫn hết sức ấn tượng về cô gái có khuôn mặt trẻ măng vào vai một Hoàng thái hậu có phong thái đĩnh đạc, uy nghiêm.
Vai diễn khó không chỉ ở lối diễn mà còn ở cách hát. Theo nhiều chuyên gia chèo, sau Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Theo, Lương Thùy Linh là người thứ hai có thể nói sử liên tiếp 36 câu. Đây là làn điệu đặc trưng trong chèo; một nghệ sĩ biết hát chèo, có chất giọng chèo hay hoặc không chỉ cần nói sử một câu là người sành chèo đã biết mà vẫn ém hơi, nhả chữ tròn đầy, màu chèo, nét chèo đặc quánh từng câu cho thấy tài năng của chị.
3. Là nghệ sĩ thuộc thế hệ 8x, Lương Thùy Linh đã nhanh nhạy sử dụng công nghệ để giới thiệu chèo trên kênh YouTube, Facebook, TikTok. Theo chị, nghệ sĩ chèo nói riêng và nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống nói chung phải biết “đi tìm” khán giả của mình và việc sử dụng mạng xã hội chính là một cách làm hiệu quả. “Người người, nhà nhà sử dụng mạng xã hội như một công cụ để quảng bá sản phẩm thì tại sao các nghệ sĩ không sử dụng nó để quảng bá cái hay cái đẹp của âm nhạc truyền thống. Để “giữ chân” người nghe, tôi không chỉ ghi hình và giới thiệu những bài hát chèo cổ mà còn thể hiện những bài chèo lời mới, mang hơi thở cuộc sống hôm nay để ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu mẹ cha. Gần đây, tôi thường xuyên cập nhật những bài hát văn rồi kết hợp chèo với quan họ để khán giả không cảm thấy nhàm chán” - chị nhấn mạnh.
Nhận định về tiếng hát của NSƯT Lương Thùy Linh, soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết, anh vẫn còn nhớ như in giọng hát chèo ấm áp, tình cảm, dày dặn và đặc biệt là lối hát nảy hạt từ cô gái trẻ mới 19 tuổi (năm 2002), khi ấy đang cộng tác với Tỉnh đội Thái Bình. Với “đôi mắt xanh” của người có nghề, anh đã tiên đoán Lương Thùy Linh sẽ có bước tiến lớn trong nghệ thuật. “Lương Thùy Linh sở hữu giọng hát dày, ấm, đậm chất chèo. Lên bổng thì vút bay tươi sáng. Xuống trầm thì da diết, bồi hồi, xốn xang. Linh còn là người cẩn thận, tỉ mỉ, luôn chấp nhận thử thách, luôn thích làm mới mình và đặc biệt rất “khó tính” trong nghề. Nhiều bài hát của tôi, Linh thu đi thu lại đến khi nào thực sự ưng ý mới thôi. Chị rất chịu khó cộng tác với đài phát thanh, truyền hình cũng như xây dựng các kênh trên mạng xã hội. Nhiều bài hát chèo, hát văn của chị đã lấy được nước mắt của công chúng là “Giỗ đồng đội”, “Khôn thiêng con hãy nghe lời mẹ ru”, “Lời ru tìm đồng đội”, “Thăm thẳm nỗi quê”…” - soạn giả Mai Văn Lạng chia sẻ.
Hơn 20 năm theo nghề, khát vọng lớn nhất của Lương Thùy Linh lúc này là số lượng khán giả quan tâm đến môn nghệ thuật truyền thống này ngày càng tăng lên, lượng khán giả đến với mỗi buổi diễn đông đảo hơn để tiếng hát chèo trở nên gần gũi với mọi nhà. Vì thế, bên cạnh việc biểu diễn trực tiếp, chị tâm niệm, phải nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để tạo ra các sản phẩm âm nhạc chất lượng, khai thác những đề tài hiện đại, có sự cách tân trong cách thể hiện nhưng vẫn giữ được bản sắc để nghệ thuật truyền thống tìm được vị trí xứng đáng, vững chắc trong xã hội hiện đại.
Trung tá, NSƯT Lương Thùy Linh sinh ra tại Thái Bình. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, Lương Thùy Linh đã giành nhiều giải thưởng: Huy chương bạc tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2004, Huy chương vàng Liên hoan sân khấu chèo về đề tài hiện đại năm 2011, Huy chương vàng Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, Huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2014, Huy chương vàng Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” năm 2020…