Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân: Chuyện môi trường, an dân và vật liệu mới. Bài 1
Bài 1: Gắn kết, đồng bộ trong bảo vệ môi trường
Trong chuyến khảo sát bảo vệ môi trường, xử lý tro xỉ tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đại biểu Quốc hội tỉnh đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện tại đây tập trung đầu tư đồng bộ trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý tro, xỉ lâu dài, bền vững phù hợp với một trung tâm điện lực quốc gia.
Tăng cường giám sát môi trường
Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân hiện có 3 nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) đang hoạt động gồm Vĩnh Tân 1, 2, 4 (4 mở rộng), với 7 tổ máy có tổng công suất 4.284 MW, chiếm tổng diện tích gần 367 ha khu vực sản xuất nhà máy và bãi xỉ than. Hoạt động sản xuất nơi khu vực nắng gió Tuy Phong, các NMNĐ càng tăng cường công tác bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN & MT), chính quyền địa phương. Trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cuối tháng 6/2022, lãnh đạo 3 NMNĐ Vĩnh Tân báo cáo khái quát cho hay, đến nay 3 nhà máy đã tập trung đầu tư đồng bộ công tác bảo vệ môi trường, theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ TN & MT phê duyệt. Theo đó 3 nhà máy đã lắp đặt đầy đủ các hệ thống, thiết bị xử lý khí thải, nước thải, như các hệ thống vòi đốt giảm NOx (De-NOx), SCR, hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống khử lưu huỳnh trong khói thoát bằng nước biển (SW-FGD) hoạt động ổn định; thông số khí thải đầu ra ống khói luôn được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn cho phép được truyền tín hiệu về Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Thuận theo dõi, giám sát 24/24h. Cùng đó, hệ thống xử lý nước thải hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải của 3 nhà máy, các thông số đầu ra đều đáp ứng tiêu chuẩn nước thải công nghiệp QCVN 40:2011. Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đã kết nối và truyền tín hiệu về Sở TN & MT tỉnh theo dõi, giám sát 24/24h. Các thông số quan trắc luôn nằm trong giới hạn cho phép theo quy định. 3 nhà máy cũng đã lắp đặt hệ thống camera giám sát toàn bộ tuyến đường vận chuyển tro xỉ từ khu vực silo ra bãi xỉ, khu vực kho than truyền về Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở TN & MT theo dõi. Các đơn vị trồng gần 50.000 cây xanh trong khuôn viên nhà máy, che chắn bụi, tạo cảnh quan môi trường.
Tưới nước thường xuyên kho than ở các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.
Trong khi đó, để giám sát chặt chẽ việc bảo vệ môi trường 3 nhà máy trên, 2 năm nay, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN & MT, Tổ Công tác 1184 của tỉnh, phối hợp Tổ Giám sát huyện Tuy Phong đã thực hiện hơn 40 đợt kiểm tra, giám sát trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân. Hình thức giám sát chủ yếu tại thực địa 3 nhà máy, qua thông tin phản ánh trong nhân dân, cộng đồng dân cư, lực lượng cốt cán chính trị của địa phương. Ông Lê Văn Hùng, Phó phòng TN & MT Tuy Phong cho biết: “Qua giám sát công tác bảo vệ môi trường tại TTĐL, nhìn chung việc ô nhiễm bụi, tiếng ồn khu dân cư thôn Vĩnh Phúc trước đây đã được các NMNĐ khắc phục hiệu quả, ổn định. Chủ đầu tư các nhà máy đã tập trung nguồn vốn đầu tư, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, hoạt động; khắc phục một số tồn tại, thiếu sót qua giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là 3 nhà máy đã triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải, camera giám sát, thiết bị lấy mẫu tự động nước thải...; cải tiến, nâng cấp các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường trong quá trình hoạt động. Việc kiểm soát tốt chất lượng môi trường của 3 NMNĐ những năm qua đã góp phần cho san hô đang hình thành, sinh trưởng ở các khu vực cảng nhập than TTĐL Vĩnh Tân”.
Người dân xã Vĩnh Tân giám sát cảng nhập than NMNĐ Vĩnh Tân 4.
Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở TN & MT cũng chia sẻ, qua những đợt giám sát gần đây cho thấy, các chủ đầu tư đã cơ bản thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại TTĐL Vĩnh Tân. Sở chức năng kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Bộ TN & MT hỗ trợ Bình Thuận lắp đặt hệ thống quan trắc tự động không khí xung quanh, chất lượng nước biển ven bờ tại trung tâm theo dõi chất lượng môi trường, có biện pháp xử lý kịp thời. Tỉnh củng cố Tổ Công tác 1184, Tổ Giám sát huyện Tuy Phong, nâng cao hiệu quả công tác giám sát khu vực trên. Sở TN & MT theo dõi thường xuyên dữ liệu quan trắc môi trường do 3 nhà máy truyền về, phối hợp giải quyết kịp thời sự cố môi trường nếu có xảy ra.
Tăng cường gắn kết, đồng bộ
Trong khuôn khổ liên quan, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội đã ghi nhận sự nỗ lực của 3 NMNĐ Vĩnh Tân (1, 2, 4) đến nay vận hành sản xuất lên lưới quốc gia hơn 100 tỷ kWh, phục vụ phát triển kinh tế khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, trong đó có Bình Thuận; đồng thời gắn với đầu tư trang thiết bị bảo vệ môi trường, xúc tiến tiêu thụ tro xỉ, đạt được những kết quả nhất định. “Tuy nhiên, về lâu dài, TTĐL Vĩnh Tân với tổng công suất hàng đầu cả nước, máy móc hiện đại vận hành ở mức tải cao, nhất là mùa nắng nóng, theo huy động từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, không khỏi xảy ra sự cố máy móc trong quá trình vận hành, dễ ảnh hưởng môi trường. Bởi vậy, chủ đầu tư 3 NMNĐ phải ưu tiên đầu tư đồng bộ, trùng tu định kỳ hàng năm để đảm bảo vận hành thông suốt; các thông số khí thải, nước thải thấp hơn quy chuẩn cho phép; nâng cao các biện pháp chống phát tán bụi ra bên ngoài nhằm bảo vệ môi trường lâu dài”, ông Lê Quang Huy lưu ý với lãnh đạo các nhà máy. “Khi đoàn đến thăm hỏi người dân thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân, 2 hộ dân cho biết, môi trường khu vực dân cư gần TTĐL Vĩnh Tân đã được cải thiện nhiều so mấy năm trước; nhưng về mùa bấc gió mạnh vẫn còn một ít bụi bặm bám vào nhà họ. Do vậy công tác đầu tư nâng cao bảo vệ môi trường 3 NMNĐ thường xuyên chú trọng, để môi trường luôn bền vững”, ông Lê Quang Huy đề nghị lãnh đạo 3 NMNĐ quan tâm việc này.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KH CN & MT của Quốc hội (thứ ba bên phải) khảo sát hoạt động NMNĐ Vĩnh Tân 4 vào cuối tháng 6.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội cũng đề nghị 3 NMNĐ tăng cường công khai minh bạch trong quá trình hoạt động vận hành, hay sự cố máy móc để cùng các sở ngành chức năng tỉnh Bình Thuận, huyện Tuy Phong phối hợp giải quyết kịp thời, thông tin người dân địa phương được rõ. Đồng thời Tổ giám sát của tỉnh, huyện Tuy Phong tăng cường giám sát vào mùa bấc tại 3 NMNĐ, đảm bảo môi trường khu vực ổn định.
Ông Lê Quang Huy chia sẻ thêm: “Trong kỳ họp Quốc hội khóa XV tới, chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ di dời và chuyển đổi, dạy nghề cho hàng trăm hộ dân thôn Vĩnh Phúc ở gần TTĐL Vĩnh Tân về nơi quy hoạch ven biển cách đó 3 km thuộc xã Vĩnh Tân, đảm bảo đời sống, môi trường lâu dài, theo đề xuất của UBND Bình Thuận với Chính phủ trước đó”.
“3 NMNĐ Vĩnh Tân là các dự án quan trọng mang tầm quốc gia được Trung ương cấp phép đầu tư, hoạt động trên địa bàn Bình Thuận, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo công ăn việc làm hơn 1.000 lao động địa phương, đóng góp ngân sách hàng năm cho tỉnh gần 2.000 tỷ đồng”.