Trung tâm dữ liệu quốc gia - xương sống của chính phủ điện tử Indonesia
Các trung tâm dữ liệu quốc gia cấp 4 của Indonesia dự kiến sẽ trở thành trụ cột chính cho các nỗ lực xây dựng chính phủ kỹ thuật số. Vậy các trung tâm dữ liệu này hứa hẹn sẽ thúc đẩy hiệu quả của khu vực công như thế nào?
Triển khai chính phủ điện tử đúng cách và bền vững
Khi nói đến việc triển khai các sáng kiến chính phủ điện tử ở Indonesia, một thách thức chính mà quốc gia này phải đối mặt là mỗi cơ quan hoạt động độc lập đều cố đạt cùng một mục tiêu, dẫn đến sự trùng lặp và không hiệu quả. Nhưng tất cả điều này đang thay đổi cùng với Sistem Pemerintahan Berbasis Elektronik (Hệ thống Chính phủ điện tử, gọi tắt là SPBE), được ví như kiến trúc Chính phủ điện tử của Indonesia. Hệ thống này nhằm mục đích tích hợp các nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử giữa chính quyền trung ương và địa phương để đảm bảo rằng Indonesia đạt được mục tiêu về chính phủ kỹ thuật số vào năm 2025.
Ông Bambang Dwi Anggono, Giám đốc Dịch vụ Ứng dụng Tin học tại Bộ Truyền thông và Tin học Indonesia cho biết, điều quan trọng để đảm bảo sự thành công của SPBE sẽ là các Trung tâm dữ liệu quốc gia, giúp các cơ quan vượt qua rào cản và sự chồng chéo như hiện nay. “Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đảm bảo việc triển khai chính phủ điện tử đúng cách và bền vững theo chỉ thị của Tổng thống”, ông Bambang nói.
Theo số liệu của Bộ Truyền thông và Tin học, Indonesia hiện có hơn 2.700 trung tâm dữ liệu thuộc sở hữu của 629 cơ quan, ở cả cấp trung ương và địa phương. Bộ này cũng lưu ý rằng Indonesia có hơn 24.000 ứng dụng chính phủ và dịch vụ công. Nhiều cơ sở dữ liệu trùng lặp luôn gây khó khăn cho cán bộ trong việc xác định và sử dụng đúng dữ liệu. Ví dụ, trong đại dịch Covid-19, việc phân phối phúc lợi xã hội có lúc không đồng đều bởi cơ sở dữ liệu riêng của chính quyền địa phương không phải lúc nào cũng khớp với cơ sở dữ liệu của chính quyền trung ương, dẫn đến có người nhận được nhiều gói viện trợ nhưng cũng có người không. Điều này có thể ngăn cản việc triển khai hiệu quả các sáng kiến của chính phủ.
Vì thế, Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ tích hợp tất cả các trung tâm dữ liệu hiện tại và giải quyết những dữ liệu chồng chéo này. Ngoài ra, không phải trung tâm dữ liệu nào cũng có điện ổn định để vận hành liên tục. Để khắc phục điều này, Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ đảm bảo rằng cơ sở dữ liệu luôn sẵn sàng hoạt động 24/7 vì nó sẽ được cấp nguồn điện riêng. Sau khi các Trung tâm dữ liệu quốc gia này được thiết lập, tất cả các cơ quan sẽ được yêu cầu tích hợp các trung tâm dữ liệu hiện tại của họ trong cùng một chương trình.
Hiệu quả về công nghệ và tiết kiệm ngân sách
Trung tâm dữ liệu quốc gia đầu tiên của Indonesia được xây trên khu đất rộng 14.000m2 ở khu vực Deltamas Cikarang, Tây Java, vào tháng 11-2022. Cơ sở này dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2024. Ba Trung tâm khác sẽ được xây dựng ở Batam, Labuan Bajo và Thủ đô mới. Giai đoạn I của dự án tiêu tốn khoảng 180 triệu USD, tương đương 2,7 nghìn tỷ rupiah, với 85% kinh phí đến từ Chính phủ Pháp và 15% từ Chính phủ Indonesia.
Theo ông Bambang Dwi Anggono, các dự án Trung tâm dữ liệu quốc gia là một sáng kiến chiến lược liên quan đến việc mua sắm các siêu máy chủ với dung lượng bộ xử lý 25 nghìn lõi, dung lượng lưu trữ 40 petabyte, bộ nhớ 200 terabyte và được hỗ trợ bởi công suất điện 20 megawatt. Nhưng mục tiêu cuối cùng không chỉ đơn giản là củng cố cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu, mà là triển khai chính phủ điện tử hiệu quả hơn và các dịch vụ công chất lượng cao hơn.
Đầu tiên, chính phủ sẽ cải tiến hàng nghìn ứng dụng của chính phủ để đạt hiệu quả hơn và hợp lý hơn. Mục tiêu đề ra là hợp nhất các ứng dụng này thành một siêu ứng dụng, chẳng hạn như ứng dụng dùng chung cho các dịch vụ y tế, dịch vụ việc làm, cấp phép kinh doanh và nhập cư. Tiếp theo, từ Trung tâm dữ liệu quốc gia, các cơ quan chính phủ sẽ tiến đến các công nghệ cao hơn như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
Ông Bambang khẳng định: “Chính phủ sẽ đảm bảo rằng, chất lượng dịch vụ đám mây trong Trung tâm dữ liệu quốc gia ngang bằng với các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu như Google, Amazon Web Service hay Alibaba với mức độ bảo mật đáng tin cậy. Chúng tôi cũng sẽ đào tạo cho các tài năng kỹ thuật số trong mỗi cơ quan để có thể sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây đúng cách và có trách nhiệm”.
Cuối cùng, các Trung tâm dữ liệu quốc gia sẽ tăng thêm hiệu quả cho ngân sách nhà nước. Hiện tại, các cơ quan chính phủ ở Indonesia chi hơn 20 nghìn tỷ rupiah mỗi năm (khoảng 1,3 nghìn tỷ USD) cho các trung tâm dữ liệu. Con số này chưa bao gồm chi phí điện năng, chi phí bảo trì, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ an ninh mạng. Nếu hàng nghìn trung tâm dữ liệu có thể được tích hợp vào chỉ 5-10 trung tâm dữ liệu, hãy tưởng tượng có thể tiết kiệm được bao nhiêu nghìn tỷ rupiah mỗi năm.
Theo GovInsider